• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc hướng tới phục hồi kinh tế và ngoại giao trong năm 2023

Thế giới 24/01/2023 13:52

(Tổ Quốc) - Trong quá trình thay đổi chính sách hậu Covid-19, Trung Quốc đang tìm cách kết nối lại với thế giới và thúc đẩy tăng trưởng, theo tờ Financial Times.

Tờ Financial Times dẫn nhận định của các quan chức và cố vấn chính phủ Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang xây dựng các chính sách nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao và thúc đẩy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, một số chính sách và kế hoạch mới sẽ thể hiện tinh thần của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10, sự kiện quan trọng nhất trong lịch trình chính trị Trung Quốc trong 5 năm qua và đã tạo nên tiếng vang cho một loạt các mục tiêu tầm xa.

Từ góc độ kinh tế, các mục tiêu chính là khôi phục tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc, cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu lao động nông thôn Trung Quốc, ổn định thị trường bất động sản và khắc phục khủng hoảng ảnh hưởng đến tài chính của nhiều chính quyền địa phương, các quan chức và cố vấn chính phủ nói.

Chen Zhiwu, một trong số các nhà kinh tế hàng đầu kỳ vọng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy một loạt chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Ông cũng hy vọng mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ là "6% hoặc cao hơn", vượt qua dự báo 4,4% của IMF.

Từ góc độ ngoại giao, mục tiêu chính của Trung Quốc là cải thiện quan hệ với một số quốc gia ở phương Tây. Trọng tâm là mối quan hệ với châu Âu, vốn đã bị tổn hại nặng nề do sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho đối tác Nga trong suốt cuộc xung đột Ukraine.

Yu Jie, chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Chatham House của Anh, nói: "Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh hy vọng họ sẽ không trở thành đối thủ của mọi quốc gia ở phương Tây và cũng không muốn bị cô lập tại các diễn đàn đa phương. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm giảm đáng kể lợi tức đầu tư của Bắc Kinh trong quan hệ song phương với Moscow."

Duy trì quan hệ với Moscow và hàn gắn lại với châu Âu

Điểm khởi đầu cho việc thiết lập lại mục tiêu ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình là đánh giá lại lợi ích của mối quan hệ chặt chẽ với Moscow. Theo các quan chức Trung Quốc, nước này đang thấy Nga bị suy giảm nhiều về kinh tế và ngoại giao trên trường quốc tế sau cuộc xung đột Ukraine.

Trung Quốc hướng tới phục hồi kinh tế và ngoại giao trong năm 2023 - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đối thoại qua video tháng 12/2022. Ảnh: Sputnik/Kremlin Pool/AP.

Và với mối quan hệ với Nga hiện tại, mục tiêu chính của Bắc Kinh là cố gắng trấn an các đối tác châu Âu rằng họ sẵn sàng sử dụng mối quan hệ thân thiết với Moscow để kiềm chế ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, các quan chức Trung Quốc và châu Âu cho biết.

Cũng theo các quan chức Trung Quốc, một khía cạnh khác trong chiến lược của Bắc Kinh là định vị mình không chỉ là một nhà kiến tạo hòa bình tiềm năng mà còn là một bên sẵn sàng trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm giúp tái thiết Ukraine hậu xung đột.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thể hiện là người đứng về phía hòa bình trong những nhận xét mà ông đưa ra với ông Putin vào cuối tháng trước.

Ông Tập nói: "Con đường dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không suôn sẻ, nhưng miễn là không từ bỏ, triển vọng hòa bình sẽ luôn tồn tại. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường khách quan và công bằng, nỗ lực để gắn kết cộng đồng quốc tế và đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine."

Trong quá trình tìm cách hàn gắn mối quan hệ với các cường quốc châu Âu, Bắc Kinh cũng đang nhấn mạnh rằng các đối tác châu Âu luôn nhất trí với quan điểm không xảy ra sự "tách rời tương quan". Điều này đánh dấu sự khác biệt lập trường rõ ràng với Washington, nước đang tìm cách hạn chế quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là liên quan đến các công nghệ nhạy cảm.

Jean-Pierre Cabestan, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Baptist Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết: "Trung Quốc nhận ra rằng họ đã gây căng thẳng với quá nhiều quốc gia cùng một lúc, đặc biệt là trong số các nước phát triển mà ngày nay vẫn là đối tác kinh tế và thương mại chính của họ".

"Vì vậy, họ đang rất cố gắng tiếp cận với EU và các quốc gia chủ chốt của châu Âu - Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Trung Quốc cũng đang kết nối với các đồng minh châu Á của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc", ông Cabestan nói.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh có thặng dư thương mại lớn với khối này. Tương tự, một số công ty hàng đầu của châu Âu cũng được xếp hạng trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.

Mong muốn thiết lập lại quan hệ ngoại giao với châu Âu của Trung Quốc dường như đang mang lại những kết quả đáng kể. Chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ được nối tiếp vào đầu năm nay bằng chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.

Trung Quốc hướng tới phục hồi kinh tế và ngoại giao trong năm 2023 - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã/ AP.

Ông Macron được cho là sẽ tiếp bước ông Scholz khi lên tiếng phản đối việc "tách rời tương quan" với Trung Quốc. Mặc dù cũng đã nói về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng ông Scholz đã khẳng định trong chuyến thăm vừa qua rằng Berlin không chỉ phản đối lập trường "tách rời tương quan" mà còn coi Trung Quốc là một "đối tác kinh tế và thương mại quan trọng".

Chuyên gian Cabestan nói: "Ông Macron, giống như Scholz, phản đối sự chia rẽ. Nhà lãnh đạo Pháp vẫn đang thúc đẩy sự gắn kết".

Theo Financial Times, có những dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận này đang có lợi cho Bắc Kinh. Ding Chun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết: "Mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu đã tăng lên đáng kể vì châu Âu không ủng hộ việc tách khỏi Trung Quốc và họ cũng muốn có sự độc lập chiến lược".

Ding nói thêm: "Châu Âu cũng phải đối mặt với một loạt vấn đề như khủng hoảng năng lượng và áp lực phục hồi kinh tế. Các mối quan hệ hai bên chắc chắn đang phục hồi nhưng chúng có thể đi bao xa, điều này vẫn còn khó đoán.

Mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ

Trong khi dự định thiết lập lại ngoại giao của Trung Quốc đang bắt đầu tạo ra làn sóng trên khắp thế giới, thì chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước của nước này được nội địa Trung Quốc coi là có tầm quan trọng lớn hơn. Han Wenxiu, một quan chức hàng đầu trong Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương Trung Quốc cho biết vào tháng 12/2022 rằng tăng trưởng quý đầu tiên của năm 2023 có thể sẽ bị gián đoạn đáng kể nhưng quý thứ hai dự kiến sẽ ghi nhận sự cải thiện kinh tế với "tốc độ nhanh hơn".

Trung Quốc hướng tới phục hồi kinh tế và ngoại giao trong năm 2023 - Ảnh 3.

Người tiêu dùng Trung Quốc quay trở lại trung tâm mua sắm sau khi các hạn chế phòng dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Ảnh: AP.

Ông Han nói: "Chúng tôi có niềm tin, điều kiện và năng lực để biến nền kinh tế Trung Quốc trở nên tốt đẹp hơn". Ông Han chỉ ra bất động sản và chi tiêu của người tiêu dùng là hai lĩnh vực cần chú ý. Trong trường hợp của thị trường bất động sản - vốn là động lực chính của tăng trưởng GDP trong hai thập kỷ qua, ông Han tuyên bố rằng "ngăn chặn và giải quyết các rủi ro . . . là ưu tiên hàng đầu".

Các nhà phân tích giải thích lời nói của ông Han có nghĩa là Bắc Kinh có kế hoạch ổn định thị trường. Ngoài tuyên bố của ông Han, Trung Quốc đã công bố 16 biện pháp hỗ trợ cho thị trường bất động sản, trong khi các ngân hàng nhà nước đã cam kết khoản tín dụng tiềm năng ước tính trị giá 256 tỷ USD cho một số nhà phát triển bất động sản cụ thể.

Thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng cũng là một trọng tâm nổi bật tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc, diễn ra vào giữa tháng 12. Hội nghị thường niên này được coi là đặc biệt quan trọng vì diễn ra ngay sau Đại hội đảng lần thứ 20 và do đó có thể được coi là một tuyên bố về chiến lược kinh tế của chính quyền mới. Các cố vấn của chính phủ cho biết về lâu dài, Bắc Kinh dự định hiện thực hóa mục tiêu "thịnh vượng chung" bằng cách tăng đáng kể số lượng người trong nhóm "thu nhập trung bình".

Các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng đón nhận ý tưởng rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà hồi phục. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, một thước đo tâm lý đối với nền kinh tế Trung Quốc, đã phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất gần đây vào tháng 10 năm ngoái.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ