(Toquoc)- Việc Nhật Bản tái vũ trang sẽ tác động to lớn tới cán cân quyền lực khu vực trong những năm tới.
(Toquoc)- Việc Nhật Bản tái vũ trang sẽ tác động to lớn tới cán cân quyền lực khu vực trong những năm tới.
Ngày 06/08/2013, tại Nhà máy đóng tàu Yokohama thuộc Công ty liên hợp hải dương Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản sẽ tiến hành hạ thủy tàu sân bay hạng nhẹ thế hệ mới nhất lớp 22DDH, còn được gọi là tàu khu trục chở trực thăng. Tàu sân bay 22DDH có thể chở 14 máy bay trực thăng hoặc 12 máy bay chiến đấu F-35 hiện đại. Tàu và máy bay tạo nên cặp “song sát” trên biển, khắc tinh của các lực lượng hải quân Trung Quốc hoành hành tại biển Hoa Đông và các vùng biển bao quanh Nhật Bản. Sự kiện này cho thấy Nhật Bản và Trung Quốc đã bắt đầu chạy đua trong lĩnh vực tàu sân bay và tranh giành bá quyền trên biển Đông Á. Cuộc cạnh tranh cũng như diễn ra trong lĩnh vực máy bay không người lái.
Trước Chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945, các ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản đã phát triển ở trình độ cao. Nhật Bản tự đóng tàu sân bay, tàu ngầm và sản xuất máy bay chiến đấu ở trình độ kỹ thuật tiên tiến.
Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, năng lực công nghiệp quốc phòng ấy bị Hiến pháp Nhật Bản hạn chế. Nhật Bản tập trung phát triển kinh tế trong khi dựa vào ô an ninh của Mỹ. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và các thách thức quân sự của nước này tạo động lực cho những thay đổi tư duy quân sự, học thuyết quốc phòng Nhật Bản, khiến Tokyo thay đổi cách tiếp cận truyền thống đối với những thách thức an ninh tại Đông Á.
Tàu sân bay hạng nhẹ 22DDH và máy bay F-35 tạo nên cặp “song sát”, khắc tinh của hải quân Trung Quốc tại biển Hoa Đông và các vùng biển kế cận.
Một năm vừa qua, trong tranh chấp lãnh thổ đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc không nhường một bước. Ngày 14/7, hạm đội của Trung Quốc lần đầu tiên tiến ra Thái Bình Dương từ eo biển Sōya ở phía bắc Nhật Bản, tiến xuống eo biển Miyako ở phía Nam Nhật Bản. Điều đó có nghĩa, hạm đội của Trung Quốc đã đi một vòng xung quanh Nhật Bản. Ngày 24/7, Trung Quốc lần đầu tiên phái máy bay cảnh báo sớm trên biển Y-8 thực hiện nhiệm vụ trên trên eo biển Miyako, xuyên qua chuỗi đảo thứ nhất, tiến vào Thái Bình Dương.
“Mối đe dọa Trung Quốc” thúc đẩy Nhật Bản nâng cao năng lực của Lực lượng phòng vệ trên biển, cùng hệ thống tên lửa đánh chặn và tấn công.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 26/7 đã thông qua bản dự thảo báo cáo hoạch định chính sách quốc phòng trung và dài hạn của nước này, dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay. Bản dự thảo nhấn mạnh các chính sách quốc phòng của Nhật Bản cần được thích ứng với mối đe dọa hạt nhân - tên lửa của Triều Tiên, cũng như đối phó với các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trong vùng biển thuộc Nhật Bản quản lý. Một điểm mới, dự thảo báo cáo kêu gọi sở hữu năng lực tấn công các căn cứ của kẻ thù bằng tên lửa đạn đạo.
Quá trình tái vũ trang của Nhật Bản trên thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhật Bản có kế hoạch mua 42 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ với giá hơn 100 triệu USD/chiếc, mua máy bay không người lái Global Hawk để giám sát vùng lãnh hải của Nhật Bản, tăng số tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc và đóng tàu khu trục chở trực thăng có kích cỡ ngang bằng tàu sân bay.
Chiến lược an ninh của Nhật Bản đang chuyển từ sự tập trung hẹp vào tiềm năng xung đột quân sự xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sang một bối cảnh quốc tế rộng hơn. Tokyo coi xung đột tại biển Hoa Đông liên quan chặt chẽ với những tranh chấp tại Biển Đông, đến an ninh của tuyến vận tải đường biển trước những tham vọng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Từ khi lên cầm quyền, chính quyền Abe điều chỉnh chính sách quốc phòng như một phần của chủ trương tự cường dân tộc, đảo ngược tình trạng suy thoái và suy yếu của nước này. Việc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) kiểm soát được hai viện sẽ cho phép chính quyền Abe tiếp tục triển khai kế hoạch hiện đại hóa quân sự, tiến tới sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp năm 1947.
Từ thời chiến tranh Iraq những năm 2003-2004 vấn đề sửa đổi Hiến pháp đã được nêu ra và nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Điều này càng có lợi cho Washington trong điều kiện ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm nghiêm trọng.
Chính phủ LDP đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe và Phó Tổng thống Mỹ Biden khi hai ông này cùng thăm Singapore vừa rồi, Phó Tổng thống Mỹ tái khẳng định việc Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp quần đảo Senkaku bị tấn công.
Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc Nhật Bản tái vũ trang và hối thúc cộng đồng quốc tế cảnh giác trước kế hoạch quân sự hóa và quân phiệt hóa của Nhật Bản.
Để giảm thiểu phần nào quan ngại của cộng đồng quốc tế, ông Abe đã xác nhận chính phủ Nhật Bản tiếp tục tôn trọng tuyên bố Murayama năm 1995, trong đó Thủ tướng Nhật Bản hồi đó, ông Murayama, đã lên tiếng xin lỗi về hành động xâm lược châu Á của đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh. Tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Onodera tuyên bố những ý kiến cho rằng Nhật Bản đang từ bỏ bản sắc một quốc gia yêu chuộng hòa bình và tìm cách thách thức trật tự quốc tế hiện nay là “một nhận thức hoàn toàn sai lầm”, rằng mục tiêu thực sự của Nhật Bản là thúc đẩy nước này có những đóng góp tích cực và sáng tạo hơn đối với ổn định của khu vực. Mới đây ông Onoderatái khẳng định quá trình hiện đại hóa quân sự của Nhật Bản hiện nay vẫn nằm trong khuôn khổ của chính sách phòng vệ quốc gia.
Dù tăng chi tiêu quốc phòng, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản vẫn chỉ chiếm 1% GDP của nước này và hiện đứng thứ 6 trên thế giới. Với ghánh nặng nợ công lên đến 260% GDP, Nhật Bản chỉ có thể chi tiêu một cách hạn chế, tập trung một số lĩnh vực trọng tâm trọng điểm của ưu tiên an ninh quốc gia. Trong khi đó, 23 năm qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc luôn tăng 2 chữ số (trừ năm 2010) và trong vòng 10 năm qua tăng gấp 4 lần, hiện nay đứng thứ hai thế giới, tương đương ngân sách quốc phòng của 12 nước châu Á cộng lại.
Nhật Bản vẫn cần liên minh an ninh chặt chẽ với Mỹ. Về phía Mỹ, trong cuộc gặp với Thủ tướng Abe tại Singapore vừa rồi, ông Biden xác nhận tầm quan trọng của vai trò chiến lược của Nhật Bản trong chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ sang châu Á. Việc Nhật Bản tái vũ trang sẽ tác động có ý nghĩa to lớn tới cán cân quyền lực tại khu vực trong những năm tới./.
Lưu Việt