• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc mạnh tay kiềm chế Ấn Độ

Thế giới 31/08/2016 06:29

(Tổ Quốc)- Trung Quốc gia tăng đối trọng Ấn Độ tại châu Á; New Delhi đẩy mạnh quan hệ với Washington.

Kiềm chế đối phương là một điều thường thức trong quan hệ quốc tế. Và nó xuất phát từ các động cơ địa-chính trị.

Công ty đóng tàu Vũ Hán (CSIC) từ tháng 11/2011 đã ký hợp đồng chuyển giao 6 tàu ngầm lớp Thanh Loại 032 cho Pakistan vào năm 2016/2017. Đây là loại tàu ngầm tấn công nâng cao năng lực Pakistan hoạt động tại Ấn Độ Dương. Islamabad sẽ đóng 2 tàu ngầm theo thiết kế mẫu mã mà Trung Quốc cung cấp, trọng lượng mỗi tàu 3.000 tấn. Theo một nguồn tin mới nhất, 6 tàu ngầm này là loại tàng hình, thuộc thiết kế tiên tiến của Trung Quốc.

Nhận xét về động cơ của Trung Quốc trong vụ giao dịch này, Ali Sarwar Naqvi, một cựu ngoại giao Pakistan, nói: “Trung Quốc có các lý do chiến lược của mình để trợ giúp Pakistan trong lĩnh vực này. Ấn Độ sẵn sàng tiến vào Thái Bình Dương thì Trung Quốc cũng sẵn sàng tiến vào Ấn Độ Dương”.

Trung Quốc cung cấp cho Pakistan loại tàu ngầm tấn công tàng hình để đối trọng với Ấn Độ tại Ấn Độ Dương

Tháng 9/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Ấn Độ. Tháng 5/2015, Thủ tướng Modi thăm Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo này hàng năm gặp nhau bên lề các hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm G-20, Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Cấp cao Đông Á (EAS). Hai bên đều muốn mở ra một chương mới quan hệ song phương. Nhưng quan hệ hai nước lại xấu đi. Nguyên nhân bất đồng về lợi ích chiến lược.

Ấn Độ và Pakistan là hai nước đối địch, từng có 3 cuộc chiến tranh (1947-1948, 1965, 1971) và nay vẫn thường xuyên nổ súng trên đường biên giới đất liền. Các phần tử khủng bố có cơ sở ở Pakistan gây nhiều vụ tấn công tại Ấn Độ. Trung Quốc đã chọn bên trong các cuộc xung đột này. Vì Bắc Kinh xem Pakistan là đồng minh chí cốt đáng tin cậy duy nhất trên thế giới, là át chủ bài của Trung Quốc kiềm chế Ấn Độ.

Chính sách của Bắc Kinh là luôn luôn và dứt khoát đứng về đồng minh chí cốt trong các xung đột, chứ không trung gian hay bắt cá hai tay gì. Ví dụ, trong cuộc  xung đột biên giới Campuchia-Thái Lan năm 2008 liên quan ngôi đền cổ Preah Vihear, Trung Quốc ủng hộ Campuchia, thậm chí còn giúp Campuchia xây đường để dễ đưa quân đến vùng biên giới tranh chấp, mặc dù Trung Quốc có quan hệ rất tốt với Thái Lan . Tháng 6/2016, khi Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ đứng về phía Campuchia trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Gần đây Trung Quốc ngăn chặn Ấn Độ tham gia Nhóm Cung cấp Hạt nhân (the Nuclear Suppliers Group) trong hội nghị tại Seoul tháng 6/2016. Ngoại trưởng Vương Nghị mới đây đã thăm New Delhi xoa dịu chính phủ Modi rằng vấn đề Ấn Độ trở thành thành viên NSG chưa phải là đã “khép lại”. Nói như vậy để vận động Ấn Độ không ủng hộ phán quyết của PCA về Biển Đông được Mỹ hỗ trợ. Nhưng Ấn Độ nhận thức rằng việc ngăn chặn Ấn Độ trở thành thành viên NSG là một phần nỗ lực của Trung Quốc kiềm chế nước này trở thành cường quốc toàn cầu.

Để bảo vệ Pakistan, tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc đã veto một đề nghị của Ấn Độ đưa nhóm khủng bố Masood Azhar, Jaish-e-Mohammed có căn cứ tại Pakistan vào danh sách “khủng bố quốc tế”. Mặc dù nhóm này từng tổ chức nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Ấn Độ.

Tháng 4/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Pakistan ký một dự án không lồ 46 tỷ USD xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Dự án này nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Pakistan, vươn tới cảng Gwadar của Pakistan bên bờ Ấn Độ Dương và tiếp sức cho nền kinh tế Pakistan không quá tụt hậu so với Ấn Độ.

Vấn đề biên giới Trung-Ấn vẫn chưa có hướng giải quyết hiệu quả khi Trung Quốc liên tiếp có những hành động xâm nhập biên giới Ấn Độ. Tuy hai nước đối thoại và tập trận chung quy mô nhỏ nhưng chỉ hạ nhiệt chứ không cải thiện tình hình.

Sau chuyến thăm của ông Tập, Trung Quốc bán cho Pakistan 110 máy bay chiến đấu Thần sấm JF-17 thế hệ mới nhất. Trong các vụ mua bán tàu ngầm và máy bay này, Trung Quốc chuyển giao công nghệ, đồng thời cho Pakistan vay tín dụng ưu đãi.

ộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar  và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter ngày 29/8 ký kết hiệp định cơ sở hậu cần, tăng cường hợp tác Ấn-Mỹ tại Ấn Độ Dương

Ấn Độ từng theo đuổi chính sách “trung lập” và không liên kết trong quan hệ giữa các nước lớn. Nhưng trước thách thức mới từ phía Trung Quốc, New Delhi dưới thời Thủ tướng Modi đã đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Ngày 29/8 vừa rồi, tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Mỹ đã ký thỏa thuận quan trọng cho phép Mỹ thiết lập cơ sở hậu cần tại Ấn Độ, tàu chiến Mỹ sử dụng các quân cảng của nước này. Đổi lại, Ấn Độ có thể sử dụng căn cứ quân sự của Mỹ Diego Garcia tại Ấn Độ Dương. Quan trọng hơn, Mỹ chuyển giao công nghệ đóng tàu sân bay và động cơ máy bay chiến đấu cho Ấn Độ. Ấn Độ mở rộng hợp tác quân sự với Mỹ để tăng cường đòn bẩy chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc và đối kháng với Pakistan.

Vào thời điểm giao thời chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương như hiện nay, các quan hệ quốc tế vận động rất mau lẹ. Các nước cũng mau lẹ thực hiện các bước đi chiến lược và chiến thuật thì mới không lỡ cơ hội tối ưu hóa lợi ích quốc gia. Thủ tướng Modi thăm Việt Nam trong 2 ngày 2-3/9 tới cũng nhằm tăng đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc phù hợp với chủ trương “Hành động hướng Đông”./.

Người bình luận

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ