(Tổ Quốc) - Italy đã bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của Trung Quốc vào ngày 23/3.
Động thái này mở đường cho việc Italy trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên ủng hộ sáng kiến trên – điều có thể giúp vực dậy nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn, theo Reuters.
Lễ ký kết các văn kiện hôm thứ Bảy là một điểm nhấn trong chuyến công du ba ngày tới Italy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với việc hai quốc gia tăng cường quan hệ vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn để thoát ra cuộc chiến thương mại.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. (Nguồn: Reuters)
Việc tăng cường quan hệ Italy – Trung Quốc đã khiến Washington tức giận và dấy lên tín hiệu cảnh báo đối với một số đồng minh trong Liên minh châu Âu EU - những bên sợ rằng Bắc Kinh được tiếp cận với các công nghệ nhạy cảm và các trung tâm giao thông quan trọng.
Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio đã bác bỏ những lo ngại như vậy, nói với các phóng viên rằng mặc dù Rome vẫn hoàn toàn cam kết với các đối tác phương Tây, nhưng họ phải đặt Italy lên hàng đầu khi nói đến quan hệ thương mại.
"Đây là một ngày rất quan trọng đối với chúng tôi, một ngày khi chủ trương Made-in-Italy giành chiến thắng, Italy đã chiến thắng và các công ty Italy đã giành chiến thắng", Di Maio, người đã ký biên bản ghi nhớ thay mặt cho chính phủ nước này cho hay.
Cũng trong chuyến thăm của ông Tập, các công ty Italy đã ký thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc trị giá 2,5 tỷ euro bước đầu (2,8 tỷ USD). Di Maio cho biết những hợp đồng này có tiềm năng với giá trị tương lai là 20 tỷ euro.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nằm trung tâm chiến lược chính sách đối ngoại của Trung Quốc và được đưa vào hiến pháp của Đảng Cộng sản nước này năm 2017. Hoa Kỳ lo ngại rằng chiến lược này được xây dựng để tăng cường ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc và có thể được sử dụng để truyền bá các công nghệ có khả năng do thám các lợi ích của phương Tây.
Di Maio, người lãnh đạo Phong trào 5 sao chỉ ra thực tế là nước này xuất khẩu sang Trung Quốc ít hơn đáng kể so với Đức hoặc Pháp.
Italy đã đăng ký thâm hụt thương mại với Trung Quốc 17,6 tỷ euro vào năm ngoái và Di Maio cho biết mục đích là để loại bỏ thâm hụt càng sớm càng tốt.