(Toquoc)-Để ngăn chặn tham nhũng hoành hành, ban lãnh đạo Trung Quốc thẳng tay trừng trị các quan tham qua việc tử hình những tội phạm trọng điểm.
(Toquoc)-Để ngăn chặn tham nhũng hoành hành, ban lãnh đạo Trung Quốc thẳng tay trừng trị các quan tham, tử hình những tối phạm trọng điểm.
Một năm trước Đại hội lần thứ 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh xử lý những vụ tham quan. Trong nửa đầu tháng 5 vừa qua, hai quan chức cấp cao Trung Quốc đã bị tuyên án tử hình vì tội tham nhũng và lạm dụng chức quyền.
Xử lý trọng điểm để răn đe, giáo dục
Ngày 12/5, Toà án Thành phố Ninh Ba (Chiết Giang) đã chính thức tuyên án tử hình Hứa Mại Vĩnh, nguyên Phó Thị trưởng thành phố Hàng Châu, với tội danh nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng chức quyền. Toàn bộ tài sản của bị cáo bị tịch thu.
Theo cáo trạng, từ tháng 5/1995 - 4/2009, Hứa Mại Vĩnh đã lợi dụng chức quyền Phó Thị trưởng thành phố Tiêu Sơn, Trưởng Khu Tây Hồ thành phố Hàng Châu, Phó Thị trưởng thành phố Hàng Châu, lợi dụng chức vụ phụ trách lĩnh vực xây dựng của thành phố, đã thu lợi từ việc giành quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, nhận thầu công trình, quyết toán sai lệch các khoản công trình, đề bạt sai cán bộ và sử dụng người thân, nhận hối lộ, hưởng ưu đãi về thuế. Tham ô lên tới 145 triệu Nhân dân tệ (NDT). Hứa còn lợi dụng chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty ở Hàng Châu để chiếm đoạt tài sản nhà nước, với giá trị lên tới 53 triệu NDT.
Trước đó, ngày 9/5, Tòa án thành phố Trịnh Châu (Hà Nam) đã chính thức tuyên án tử hình Hứa Tông Hoành, nguyên Thị trưởng thành phố Thâm Quyến, với tội danh hối lộ. Tòa phán quyết tịch thu toàn bộ tài sản. Theo cáo trạng, từ năm 2001-2009, Hứa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp vào việc thay đổi quy hoạch đất đai, bao thầu công trình, nhận tiền hối lộ đề bạt cán bộ… Số tiền lên đến hơn 33,18 triệu Nhân dân tệ (tức 5 triệu USD).
Hai vụ án trên gây chấn động dư luận Trung Quốc.
Tham nhũng tràn lan
Nhân dân Nhật báo ngày 2/4 đưa lại báo cáo chuyên đề về công tác phòng chống tham nhũng do ông Hạ Quốc Cường, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ban Kiểm tra kỷ luật TƯ Trung Quốc, trình bày tại Trường đảng TƯ Trung Quốc, cho biết tình trạng tham nhũng hiện nay rất nghiêm trọng, xuất hiện nhiều tình hình mới, vấn đề mới, tình trạng tham nhũng trong một số lĩnh vực vẫn thường xuyên xảy ra, tình trạng vi phạm kỷ luật của một bộ phận cán bộ lãnh đạo vẫn rất nghiêm trọng; loại hình, tính chất, thủ đoạn tham nhũng xuất hiện nhiều thay đổi mới, vẫn tồn tại nhiều vấn đề về tác phong cán bộ và ý thức kỷ luật. Theo báo cáo công tác trình bày tại Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban kiểm tra TƯ, tháng 1/2011, trong năm 2010, Cơ quan kiểm tra TƯ Trung Quốc xử lý kỷ luật 146.517 người, truy tố 5.373 người, xử lý 15.900 vụ án tham nhũng, liên quan đến 4,266 tỷ NDT.
Theo tờ báo chính thức của ĐCS Trung Quốc, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do cơ chế thể chế nhiều mặt chưa hoàn thiện, văn hóa hủ bại ăn sâu vào tư tưởng của cán bộ đảng viên, nhiều cán bộ bị các phần tử phi pháp lôi kéo mua chuộc, một số đảng viên dao động, mất phương hướng, nhiều đảng viên trẻ thiếu rèn luyện và kinh nghiệm chính trị, khâu phòng chống tham nhũng xây dựng liêm khiết còn tồn tại nhiều yếu kém.
Báo tin tức Bắc Kinh ngày 8/4 nêu lên một thực trạng đáng lo ngại, đó là “hiện tượng quan chức trẻ vừa mới giữ chức lãnh đạo đã mắc tội tham nhũng”. Tờ báo cho biết: từ năm 2005 đến 2010, Viện kiểm sát khu Tây thành Bắc Kinh đã khởi tố 18 vụ với 22 cán bộ tham ô, chiếm 12,9% tổng số hồ sơ lập án. Trong số 22 người chỉ có 1 lãnh đạo cấp phòng, còn lại thì đa số đều mới là lãnh đạo cấp bộ phận.
Hồ sơ các vụ tham nhũng vẫn còn nhiều đè nặng công lý (Minh họa của báo Trung Quốc)
Tham nhũng không tên
Số liệu cuả Bộ Tài nguyên đất đai Trung Quốc cho biết, năm 2010 cả nước có 53.000 vụ sử dụng đất trái phép với tổng diện tích 27.866 hécta, trong đó có 10.933 hécta đất nông nghiệp. Tình trạng tịch thu đất trái phép tràn lan.
Bên cạnh hàng triệu nông dân mất đất trong 20 năm qua, dự kiến trong 30 năm tới khoảng 100 triệu nông dân sẽ biến thành nông dân phi nông nghiệp. Một báo cáo của Bộ Tài nguyên đất đai cảnh báo, nếu những người dân này không được tái định cư hợp lý, nhiều triệu người sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói và ổn định xã hội sẽ bị đe dọa.
Chưa có con số thống kê nào đáng tin cậy nhất cho thấy các khoản chi phí “tam công” (phí xe công, chiêu đãi công, xuất ngoại bằng tiền công) hàng năm đã chi hết bao nhiêu tiền. Nếu tính theo mức 200 tỉ NDT chi cho xe công hàng năm (tư liệu thống kê nhà nước cho thấy hàng năm chi cho xe dùng trong công vụ từ 150 tỉ - 200 tỉ NDT) sẽ thấy đây tuyệt nhiên không phải là con số nhỏ. Nếu cắt giảm khoảng 20% hoặc khoảng 15% khoản kinh phí công dùng trong quỹ tài chính sự nghiệp tức khoảng 900 triệu NDT sẽ có thể bù lại được khoảng 1/4 mức thuế thu nhập cá nhân mà người dân phải nộp. Giáo sư Diệp Thanh, đại biểu Quốc hội, sau khi được điều động làm Phó cục trưởng Cục thống kê tỉnh Hồ Bắc, đã đi làm bằng xe riêng, lĩnh tiền phụ cấp xe, mỗi năm dành được khoản tiền 80.000-100.000 NDT.
Tạp chí tuần tin tức Liêu vọng cho hay từ năm 2005 đến nay, chi phí từ nguồn kinh phí tài chính sự nghiệp công ở Trung Quốc hàng năm tăng trên 100 tỉ NDT, từ năm 2007 đến nay khoản kinh phí này đã chi gần 900 tỉ NDT. Năm 2010 nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân là 483,7 tỉ NDT.
Trung Quốc là một nước rộng lớn, đông dân, tham nhũng và lạm quyền hoành hành, chính là một nguồn gốc gây bất mãn xã hội. Tuy kinh tế phát triển nhanh nhưng các vụ tham nhũng lạm quyền cũng nảy sinh, tạo ra bất công và bất bình đẳng xã hội. Nông dân nghèo thường nói: "Đến chết chưa chắc biết sướng là gì".
Hiện tượng toàn cầu
Tháng 12 năm ngoái, vào Ngày chống tham nhũng thế giới, Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố báo cáo cho biết tham nhũng đang gia tăng. Một cuộc thăm dò tại 86 nước cho thấy, cứ 4 người được hỏi, thì 1 người thú nhận đã hối lộ trong vòng 3 năm qua. 73% người châu Âu và 67% người Mỹ nghĩ rằng tham nhũng đang gia tăng. Riêng châu Phi, hơn 140 tỷ USD đã bị các chính trị gia, binh sĩ và doanh nhân chiếm đoạt bất hợp pháp và qua tham nhũng.
Tại Trung Quốc, chống tham nhũng là cuộc chiến gian nan, khó diệt trừ tận gốc khi nó đã thành thứ “văn hóa hủ bại”, như Nhân dân Nhật báo vạch rõ. Nhưng dù sao, Trung Quốc vẫn là quốc gia mạnh tay nhất diệt trừ quan tham. Việc thực hiện những vụ án trọng điểm như tuyên án tử hình hai tham quan ở Chiết Giang và Hàng Châu đã thể hiện tính kiên quyết của ban lãnh đạo Trung Quốc. Chúng có sức răn đe lớn đối với những kẻ lạm dụng chức quyền, vừa có tác dụng xoa dịu sự bất bình của dư luận xã hội. Thực hiện một án quyết như vậy có lẽ có ý nghĩa thiết thực hơn vạn lời hô hào đạo đức suông “chống tham nhũng”./.
Xuân Nghi