• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc rải thính và ông Duterte mắc câu

Thế giới 28/11/2018 15:41

(Tổ Quốc) - Tổng thống Philippines Duterte "mất chân giò" mà Trung Quốc chưa "thò chai rượu".

Trong các quá trình ngoại giao đàm phán liên quan đến các lợi ích quốc gia, không mấy khi lại có chuyện "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", mà thường là "ông mất chân giò, bà thò chai rượu". Trường hợp Tổng thống Philippines thì lại khác: Ông ta đã thỏa hiệp cực lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trước khi Manila bước vào các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.

Ông Duterte phạm sai lầm lớn khi từ bỏ các phán quyết PCA

Ở Philippines, khi Rodrigo Duterte, thị trưởng thành phố Davao thuộc đảo Mindnao ở phía nam Philippines, trúng cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 5/2016, ông chỉ là một thủ lĩnh địa phương, tay ngang trong các vấn đề ngoại giao. Nhưng ông ta đã phớt lờ giới chuyên gia đối ngoại ở Manila, tự ý tuyên bố từ bỏ các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ngày 12/7/2016 rất có lợi cho Philippines, có thể được sử dụng như những con bài lớn để mặc cả với Bắc Kinh nhằm đạt được các nhân nhượng mà Duterte mong muốn.

Ông còn tuyên bố "thoát Mỹ, thân Trung", mắng mỏ miệt thị đương kim Tổng thống Mỹ Obama, làm đông cứng các thỏa thuận về an ninh quân sự giữa Mỹ với Philippines. Tổng thống Duterte đã đến thăm Bắc Kinh chỉ mấy tháng sau khi nhậm chức, ca ngợi Trung Quốc, miệt thị Mỹ và tỏ rõ sẽ đi theo đường lối của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Ông được chính quyền Tập Cận Bình cam kết 24 tỷ USD đầu tư và tín dụng để giúp Duterte nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Philippines theo các cam kết bầu cử "Xây dựng, xây dựng, xây dựng" của Duterte.

Trung Quốc rải thính và ông Duterte mắc câu - Ảnh 1.

Tổng thống Duterte đi theo đường lối Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông để đối lấy đầu tư và cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thế nhưng tại cuộc thăm chính thức vừa rồi của Chủ tịch Trung Quốc tới Philippines, theo giới báo chí tại nước này, hầu như Manila vẫn chưa thấy tăm hơi những khoản cam kết đó. Trong bài phân tích ngày 23/11 mang tựa đề "Quyết định của Philippines xoay trục qua Trung Quốc vẫn chưa mang lại thành quả và Manila vẫn ngóng trông các khoản tiền cam kết", hãng CNBC của Mỹ đã nêu bật phản ứng của công luận Philippines, phê phán chính quyền Duterte đã vội vã nhượng bộ Trung Quốc về Biển Đông để đánh đổi lấy hư không. Bắc Kinh đã hứa với Manila về 10 dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhưng theo nhà chính trị học Richard Heydarian, thuộc Đại học La Salle ở Philippines, chỉ mới có 1 dự án đi vào thực hiện.

Gần một nửa trong số 75 dự án hạ tầng cơ sở của ông Duterte - trụ cột của chiến lược kinh tế "Xây Dựng, xây dựng và xây dựng", trị giá 180 tỷ USD, dự trù dùng tiền của Trung Quốc, nhưng theo hãng tin Reuters, chỉ mới có 3 dự án nhận được tài trợ. Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno ngày 19/11 thừa nhận rằng đầu tư Trung Quốc đến rất chậm.

Tại chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình, Manila và Bắc Kinh đã ký đến 29 thỏa thuận từ hợp tác giáo dục cho đến xây dựng khu công nghiệp. Nhưng, theo chuyên gia Heydarian, khi xem xét kỹ, thì giá trị các văn kiện đó chẳng là bao. Đại đa số các văn bản được ký kết chỉ là những bản ghi nhớ và những khuôn khổ hợp tác mơ hồ, hầu như có rất ít thỏa thuận có liên quan đến việc thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng.

Trong một thông cáo công bố hôm 21/11 vừa qua, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo đã lưu ý rằng "tình hữu nghị song phương không được quyền ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và dân tộc" và "Chủ quyền của Philippines không thể bị tác động bởi bất kỳ thỏa thuận nào với bất kỳ quốc gia nào".

Philippines tự đặt mình ở thế yếu trước Trung Quốc

Theo giới quan sát, có nhiều lý do khiến Trung Quốc tài trợ chậm trễ.

Malcolm Cook, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore, cho rằng "Tổng thống Duterte đang ở trong thế yếu trước Trung Quốc và chính ông đã tự đặt mình vào thế đó". Chuyên gia này giải thích: "Ông Duterte đã xích lại gần Trung Quốc quá nhanh, quá toàn diện ngay sau khi lên cầm quyền và đã cho Trung Quốc tất cả những gì họ muốn trước khi Bắc Kinh đền đáp lại. Cho nên không mấy ngạc nhiên khi thấy những lợi lộc kinh tế mà Trung Quốc hứa cho Philippines lại đến ít và chậm hơn cam kết".

Trung Quốc rải thính và ông Duterte mắc câu - Ảnh 3.

Dù Manila rải thảm đỏ để đón Chủ tịch Trung Quốc, vẫn chưa được Trung Quốc nhả tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Các đề án như tuyến đường xe lửa Mindanao Railway, một phần của "Con đường Tơ lụa mới", mang tính chất chính trị nhiều hơn là thương mại, do đó các ngân hàng Trung Quốc do dự trong việc chi tiền. Theo chuyên gia Cook, "Sáng kiến Vành đai và Con đường" đã bắt buộc nhiều ngân hàng phải gồng gánh những khoản cho vay về hạ tầng cơ sở mà hiệu quả rất đáng ngờ.

Richard Heydarian cho rằng, "Bắc Kinh không cảm thấy cần phải gấp rút đầu tư vì họ đã đạt được những nhượng bộ mà họ muốn từ Manila".

Hiện nay Tổng thống Duterte vẫn còn được hậu thuẫn rộng rãi của dân chúng, nhưng theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do tổ chức Social Weather Station công bố hôm 19/11, hơn 80% người được hỏi cho rằng Philippines nên chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo đã bồi đắp ở Biển Đông.

Dân chúng sẽ thất vọng nếu Duterte không huy động được tín dụng ưu đãi của Trung Quốc để thực hiện các chương trình kinh tế đã cam kết. Còn nếu vay với lãi suất cao thì cũng không cần đến Trung Quốc./.


Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ