• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc – Singapore và “sóng gió” trên Biển Đông

Thế giới 23/08/2016 18:01

(Tổ Quốc) -Quan hệ Trung Quốc – Singapore trở nên căng thẳng khi Singapore yêu cầu Trung Quốc chấp thuận phán quyết của Tòa PCA.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi (thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan (thứ hai từ phải sang) trong cuộc họp ASEAN- Trung Quốc (Ảnh:AFP)

Mùa hè năm 2000, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có mặt để đón cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đến thăm thủ đô tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Nghi lễ tuy diễn ra ngắn gọn nhưng trang trọng trước sự chứng kiến của báo giới Singapore.

Trong một nỗ lực cho cuộc đối thoại ngắn, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã nhấn mạnh những nét tương đồng giữa người Singapore và người Trung Quốc. Điều này thường xuyên lặp đi lặp lại một cách nghiêm túc bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vô số các cuộc họp giữa Trung Quốc và Singapore được báo giới ghi nhận trong hai thập kỷ qua.

Sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague ra phán quyết cho rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên trong yêu sách "đường lưỡi bò" nước này đơn phương áp đặt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết này. Trong khi đó, một phát biểu của Thủ tướng Singapore cho rằng Bắc Kinh đến nay vẫn chưa thay đổi những chính sách liên quan đến vấn đề chủ quyền Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài Thường trực do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết. Người Trung Quốc trong nhiều tuần gần đây chỉ trích mạnh mẽ cho rằng Singapore đang 'đùa bỡn' với những vấn đề này, họ tỏ ra “khó chịu” với lập trường của đảo quốc sư tử về tranh chấp Biển Đông.

Đâu là dấu hiệu “rạn nứt”?

Động thái mới nhất “chống lại” Singapore đến từ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Lưu Chấn Dân khi ông này đã lớn tiếng yêu cầu Singapore không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông trong một cuộc gặp giữa đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc tại khu tự trị Nội Mông vào ngày 16-8.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát biểu rằng, các phán quyết của Tòa PCA về Biển Đông là một tuyên bố mạnh mẽ về pháp luật quốc tế trong tranh chấp hàng hải. Trong một chuyến đi đến Hoa Kỳ hồi đầu tháng này, ông Lý cũng nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Singapore hy vọng Washington đóng một vai trò tích cực trong khu vực châu Á.

Ngay cả trước khi phán quyết của Tòa PCA được đưa ra, đã có dấu hiệu Trung Quốc bị “kích động”. Trong tháng Sáu, một bài bình luận trên tờ Global Times của Trung Quốc với tiêu đề "Singapore đã chọn sai mục tiêu trong cán cân chiến lược về năng lượng" cho rằng chuyến đi của ông Lý Hiển Long đến Mỹ khiến một số người Trung Quốc "rất khó chịu". Đặc biệt khi ông Obama ca ngợi Singapore là "mỏ neo" cho sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – danh xưng này cũng dành cho Nhật Bản và Australia, hai đồng minh khác của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tấm ảnh của Chủ tịch Giang Trạch Dân bắt tay với Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore. (Ảnh: AFP)

Bên cạnh đó, ý kiến từ Wang Yiwei - Trường Quan hệ Quốc tế tại Đại học Renmin của Trung Quốc lại cho rằng Trung Quốc đang "thất vọng" với Singapore bắt nguồn từ những hy vọng ban đầu của Bắc Kinh khi nghĩ đảo quốc này có thể đóng một vai trò cầu nối không chỉ giữa Trung Quốc và ASEAN, mà còn với Mỹ, phương Tây và cộng đồng toàn cầu.

Trung Quốc thất vọng vì Singapore đã không bảo vệ các lợi ích tổng thể và lâu dài của Trung Quốc và các nước ASEAN với vai trò là điều phối viên giữa họ mà thay vào đó, Singapore lại đề nghị Trung Quốc nên chấp nhận phán quyết của Tòa PCA.

Quan hệ Trung Quốc -Singapore trở nên căng thẳng về cơ bản là do hai mấu chốt. Thứ nhất, liên kết an ninh giữa Singapore và Mỹ được tái khẳng định và trở nên bền chặt. Chỉ trích mạnh mẽ từ phía Trung Quốc cho rằng các quốc gia như Hàn Quốc và Singapore, đã phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về an ninh để tiếp tục duy trì sự thịnh vượng về kinh tế. Thứ hai, là những động thái gần đây nhất của Singapore kể từ sau phán quyết của Tòa PCA khi yêu cầu Trung Quốc chấp thuận phán quyết này

Quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc thường được “ca tụng” là đặc biệt và duy nhất - được thể hiện qua các mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo thời trước. Tuy nhiên mối quan hệ này đã xuất hiện những “đá tảng” khi Thủ tướng Lý Hiển Long đến thăm Đài Loan vào năm 2004, hay khi ông Lý Quang Diệu thăm Mỹ vào năm 2010 và gần đây nhất là chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng này của Thủ tướng Lý Hiển Long với hy vọng Washington đóng một vai trò tích cực trong khu vực châu Á.

Theo scmp, washingtonpost, globaltimes

Minh Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ