• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc, Solomons và cuộc đua quyền lực ở Thái Bình Dương

Thế giới 17/05/2022 14:48

(Tổ Quốc) - Hiệp ước an ninh mới giữa hai nước này là phép thử đối với các thế lực ảnh hưởng cũ như Australia trong bối cảnh cao điểm ngoại giao vaccine đang diễn ra.

Vào tháng 3, Thủ tướng Australia Scott Morrison từng nói rằng viện trợ vaccine Covid-19 của nước này cho các đảo ở Thái Bình Dương đã thành công ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc vào khu vực. Khoảng hai tuần sau, quần đảo Solomon dường như thổi bay nhận định trên và xác nhận rằng họ đang thiết lập quan hệ đối tác an ninh với Bắc Kinh.

Theo đó, hiệp ước của Solomons với Trung Quốc cũng đã trở thành một điểm yếu đối với chính đảng của ông Morrison trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào thứ Bảy tuần này. Dù chưa rõ tác động của hiệp ước này đối với kết quả bầu cử tại Australia sẽ ra sao, thì tình hình hiện tại cũng là một lời cảnh tỉnh cho các thế lực truyền thống ở Thái Bình Dương về cách họ kết nối với khu vực.

Các chuyên gia cho rằng đối với các quốc gia như Australia và New Zealand, cũng như Mỹ, viện trợ và một số hỗ trợ khác đối với các đảo quốc Thái Bình Dương có thể không còn đủ để giành được sự ủng hộ trước cách tiếp cận đa chiều của Trung Quốc.

Mihai Sora, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Lowy và là một cựu quan chức ngoại giao của Australia ở Quần đảo Solomon và Indonesia, cho biết: "Một điều mà Trung Quốc rất giỏi là vun đắp các mối quan hệ ở cấp độ chính trị với các nhà lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương". Đồng thời, các mối quan hệ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương "không chỉ được củng cố bởi viện trợ, mà được củng cố bởi thương mại, được củng cố bởi kinh tế".

Trong trường hợp của Quần đảo Solomon, Trung Quốc chiếm 64,4% xuất khẩu và 34,4% nhập khẩu của nước này trong năm 2020, theo dữ liệu mới nhất có sẵn từ đơn vị quan sát phức hợp kinh tế. Australia chỉ chiếm 1,05% xuất khẩu và 13,5% giá trị nhập khẩu. Quốc đảo này chủ yếu xuất khẩu gỗ thô, cá đã chế biến, quặng nhôm và dầu cọ.

Trung Quốc, Solomons và cuộc đua quyền lực ở Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Các quốc gia như Mỹ, Australia, Nhật Bản và New Zealand cần đánh giá lại chiến lược của họ với khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: Nikkei.

Một báo cáo của Viện Brookings từ năm 2020 lưu ý rằng thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và các nước Thái Bình Dương đã vượt qua giá trị thương mại của Australia với khu vực này kể từ năm 2013, ngoại trừ Papua New Guinea.

Nhìn lại ngoại giao vaccine

Ông Sora thông tin với Nikkei Asia: "Bạn không thể yêu cầu các quốc đảo Thái Bình Dương lựa chọn giữa thu nhập sống còn với một liên minh cùng các cường quốc cùng chí hướng. Ngoại giao là một phần trong các biện pháp xây dựng quan hệ, nhưng nó không phải là toàn bộ."

Một phần của các chiến lược ngoại giao cho đến thời điểm này được cho là tập trung hỗ trợ khu vực đối phó với Covid-19.

Cuối năm 2020, Canberra đã cam kết chi 350 triệu USD để hỗ trợ vaccine cho các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Cùng thời điểm đó, trong cuộc họp video do Ngoại trưởng Trung Quốc và quần đảo Solomon đồng chủ trì vào tháng 11 năm 2020, Bắc Kinh hứa sẽ triển khai vaccine Covid-19 của riêng mình "để đóng góp vào khả năng tiếp cận và khả năng chi trả cho vaccine ở các nước đang phát triển, bao gồm các quốc đảo Thái Bình Dương."

Quad – liên kết an ninh gồm Australia, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản - sau đó cho biết Australia sẽ cung cấp đầy đủ vaccine cho 9 quốc đảo Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ngoài việc gửi ít nhất 50.000 liều vaccine Sinopharm cho người Solomons, Trung Quốc đã cung cấp hàng nghìn liều vaccine cho các quốc gia khác, bao gồm Papua New Guinea, Vanuatu và Kiribati. Chuyên gia Sora của Viện Lowy cho biết một thách thức đối với các quốc gia như Australia là khu vực Thái Bình Dương không coi các mối quan hệ "như một sự lựa chọn hay phải hoán đổi", mà là sự bổ sung cho sự hợp tác hiện có.

Trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc sẽ có nhiều động thái khác trong khu vực này, bên cạnh thỏa thuận an ninh gần đây với Solomon, các nước phương Tây đang theo sát diễn biến và có một số động thái can thiệp. Vào tháng 4, Mỹ đã tặng hàng chục nghìn liều vaccine Covid-19 bổ sung cho Solomon.

Ngoại giao vaccine không phải là một khái niệm mới nhưng trong đợt dịch bệnh lần này, chiến lược vaccine giữa các cường quốc được thể hiện rất rõ rệt. Tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc cáo buộc Australia can thiệp vào hoạt động hỗ trợ vaccine của họ cho Papua New Guinea, cho rằng các chuyên gia tư vấn của Australia đang can thiệp để cản trở việc triển khai vaccine của nước này tại đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết Australia nên "ngừng làm gián đoạn hợp tác vaccine giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương" - cáo buộc Australia đã bác bỏ.

Mặc dù toàn cầu đang đổ xô cung cấp vaccine cho Thái Bình Dương và một số hòn đảo nhất định đã có tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng một số quốc gia vẫn dễ bị tổn thương. Papua New Guinea dự kiến sẽ là một trong những quốc gia cuối cùng trên toàn thế giới đạt được việc tiêm chủng diện rộng. Quần đảo Solomon, nơi chỉ có khoảng 20% được tiêm phòng đầy đủ trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, cũng nằm trong diện tương tự.

Nhìn xa hơn đại dịch

Khi được hỏi liệu thỏa thuận an ninh gần đây của Trung Quốc và Solomon có gây bất ngờ hay không, một cựu quan chức cấp cao của New Zealand trả lời với điều kiện giấu tên: "Không hề." Vị cựu quan chức này lưu ý rằng mục tiêu của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã hiện rõ trong một khoảng thời gian.

Dù có hay không có nội dung triển khai cơ sở quân sự, hiệp ước này vẫn được coi như một yếu tố tiềm năng thay đổi cuộc chơi. Trong một bài báo trên trang Brookings, nhà phân tích chính sách đối ngoại Patricia Kim đã đặt ra câu hỏi liệu thỏa thuận này có "báo trước sự trỗi dậy của một Trung Quốc đang hoạt động nhiều hơn, sẵn sàng mở rộng hỗ trợ quân sự cho các quốc gia và phối hợp tìm kiếm đồng minh hay không."

Nhưng vẫn có những con đường khả dĩ để các cường quốc phương Tây chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Với việc du lịch toàn cầu chưa thể sớm quay lại mức trước đại dịch Covid-19, nhu cầu cấp thiết là phải củng cố các nền kinh tế Thái Bình Dương và bơm thanh khoản "để các chính phủ khu vực có thể phát triển các cơ chế bảo trợ xã hội nhằm giúp người dân có đủ thức ăn và tiếp cận các dịch vụ và chăm sóc sức khỏe cơ bản", Alexandre Dayant, Giám đốc dự án kinh tế phát triển ở Châu Á và Thái Bình Dương của Viện Lowy cho biết.

Chuyên gia Sora của Viện Lowy cũng cho biết sẽ là khôn ngoan khi tiếp tục làm nhiều hơn nữa để mang lại sự ổn định kinh tế cho khu vực này, vượt lên những điều Trung Quốc đang làm ở Thái Bình Dương.

Một con đường phía trước cho các nước phương Tây, chủ yếu là các quốc gia như Mỹ, Australia, Nhật Bản và New Zealand, là cần tổng hợp nguồn lực vào "các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và các dự án mang lại giá trị an ninh và kinh tế, cũng như cần thực sự tham gia vào liên kết kinh tế với khu vực này để làm cho các mối quan hệ bền vững.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ