• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc tăng cường ngoại giao vaccine tới châu Phi

Thế giới 30/11/2021 19:35

(Tổ Quốc) - Trung Quốc cho biết sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 tới châu Phi và khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư từ 14 tỷ USD trở lên vào châu lục này trong ba năm tới.

Trung Quốc đã cung cấp gần 200 triệu liều vaccine Covid-19 cho châu Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong bối cảnh lo ngại liên tục gia tăng về sự lây lan của biến thể Covid-19 Omicron mới. Chủng virus này được phát hiện lần đầu tiên ở miền nam châu Phi.

Tăng cường quan hệ vaccine

Trong bài phát biểu qua video tại lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi, ông Tập Cận Bình cho biết 600 triệu liều thuốc sẽ được quyên góp và 400 triệu liều thuốc sẽ được cung cấp thông qua các cơ chế khác, chẳng hạn như thông qua quá trình sản xuất chung giữa các công ty Trung Quốc và các nước châu Phi có liên quan.

"Chúng ta phải tiếp tục cùng nhau chiến đấu chống lại Covid", ông Tập phát biểu tại hội nghị, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc sẽ cử khoảng 1.500 nhân viên y tế đến châu Phi.

"Chúng ta phải ưu tiên bảo vệ người dân và thu hẹp khoảng cách tiêm chủng," Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định.

Bắc Kinh đã viện trợ hàng triệu liều vaccine Sinopharm sản xuất trong nước cho các nước châu Phi kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng.

Ông Tập cho biết một trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ xuyên biên giới Trung Quốc - châu Phi sẽ được thành lập để cung cấp cho các tổ chức tài chính châu Phi hạn mức tín dụng 10 tỷ USD, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết. Theo Chủ tịch Trung Quốc, nước này sẽ cung cấp 10 tỷ USD tài trợ thương mại để hỗ trợ xuất khẩu cho châu Phi, tạo ra một khu vực hợp tác kinh tế và thương mại và xây dựng một khu công nghiệp Trung Quốc - châu Phi.

Trung Quốc tăng cường ngoại giao vaccine tới châu Phi - Ảnh 1.

Trung Quốc tăng cường hỗ trợ vaccine Covid-19 cho châu Phi giữa lúc tỷ lệ tiêm chủng tại khu vực này thấp đến mức đáng lo ngại. Ảnh: AFP.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh đã có nhiều chỉ trích nhằm vào các giao dịch cơ sở hạ tầng của Trung Quốc với châu Phi. Các cơ sở hạ tầng này được cho là để phục vụ cho hàng hóa của Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Phi thì sẽ gánh nợ không bền vững.

Cộng hòa Dân chủ Congo hiện đang xem xét lại một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD với các nhà đầu tư Trung Quốc do lo ngại rằng thỏa thuận này không mang lại nhiều lợi ích cho Congo.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trong đó các tổ chức Trung Quốc tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn ở các quốc gia đang phát triển, đang bị chậm lại: Lượng tiền Ngân hàng Trung Quốc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi giảm từ 11 tỷ USD năm 2017 xuống 3,3 tỷ USD vào năm 2020, theo một báo cáo của công ty luật quốc tế Baker McKenzie.

Trong chuyến công du bốn nước tới châu Phi vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington đang thúc đẩy các thỏa thuận thân thiện hơn với môi trường và sẽ không có các khoản nợ không bền vững.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi, một trong những nguồn cung cấp dầu thô và khoáng sản quan trọng, sẽ đạt 300 tỷ USD trong ba năm tới, đồng thời cho biết thêm rằng hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, đổi mới kỹ thuật số, xúc tiến thương mại và phát triển xanh.

Nguy cơ từ thiếu hụt vaccine tại châu Phi

Phát biểu trong Diễn đàn hợp tác trực tuyến, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã cảm ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc và cho rằng các nền kinh tế châu Phi có thể hướng tới sản xuất vaccine COVID-19.

Các cuộc thảo luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các sản phẩm y tế phòng chống Covid-19 tạm thời để phổ biến vaccine Covid-19 và phương pháp điều trị cho tất cả những người cần thiết sẽ được hoàn thiện, ông Cyril Ramaphosa nói.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng đồng thời chỉ trích các biện pháp hạn chế đi lại được áp đặt đối với Nam Phi. Các lệnh cấm đi lại đang được áp dụng trên toàn thế giới đối với những hành khách đến từ miền nam châu Phi sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuần trước công bố biến thể COVID-19 mới đáng lo ngại Omicron.

Từ nhiều tháng nay, các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ từ nhiều biến thể Covid-19 mới, điều kéo theo nhiều hệ lụy cho hệ thống y tế của các nước đang phát triển có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hơn 10 quốc gia trên khắp châu Phi và Trung Đông có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 chỉ 1 hoặc 2% dân số của họ.

Chiến dịch End COVID For All, được hỗ trợ bởi các nhóm y tế và từ thiện hàng đầu, đã kêu gọi chính phủ Australia ưu tiên chia sẻ vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn để giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể. "Hơn 19 quốc gia thu nhập thấp có tỷ lệ tiêm chủng thấp đến mức với tỷ lệ hiện tại, họ sẽ không tiêm chủng đủ cho 70% dân số cho đến sau năm 2030", một báo cáo được công bố vào tháng trước cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ