• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc tăng cường tự sản xuất chip, giảm phụ thuộc vào nước ngoài

Thế giới 25/10/2021 20:02

(Tổ Quốc) - Giới quan sát cho rằng, thực tế Trung Quốc sẽ còn phải mất một thời gian dài mới có thể đáp ứng khả năng tự cung tự cấp chip hay các chất bán dẫn.

Theo CNBC, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công ty nước ngoài trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn có thể khiến nhiều công ty trong nước đối mặt với rủi ro. Chất bán dẫn là thành phần quan trọng đối với quá trình sản xuất từ điện thoại thông minh, tủ lạnh đến ô tô. Đây cũng là mấu chốt trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua.

Trung Quốc tăng cường tự sản xuất chip, giảm phụ thuộc vào nước ngoài - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm qua đã đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp chip trong nước nhưng vẫn khó khăn để bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ của Mỹ hay một số quốc gia châu Á khác. Theo báo cáo, một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã bắt đầu tập trung sản xuất chip trong năm nay. Vào tháng Tám, Baidu đã ra mắt Kunlun 2 – chip trí tuệ nhân tạo thế hệ thứ hai.

"Trong tuần này, Alibaba đã phát hành loại chip chuyên thiết kế cho máy chủ và điện toán đám mây. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Oppo cũng phát triển bộ vi xử lý cao cấp đối với các thiết bị cầm tay", Nikki đưa tin vào tuần trước cho biết.

Mặc dù các công ty này đang tự chủ động sản xuất các loại chip nhưng điều qua trọng là họ vẫn phải sử dụng công nghệ nước ngoài. Điều đó cho thấy, mức độ phụ thuộc vào các công ty nước ngoài của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khá lớn cho dù họ quyết tâm tự sản xuất loại chip "made in China".

Ông Peter Hanbury, một đối tác của Công ty Bain &Company cho biết, đây là bước quan trọng để khẳng định tính tự chủ hơn trong lĩnh vực bán dẫn. Hiểu đơn giản, Bắc Kinh có thể sản xuất chip nhưng vấn đề bản quyền, thiết bị và vật liệu... vẫn phụ thuộc vào quốc tế. 

Loại chip Yitian 710 của Alibaba là một ví dụ. Loại chip này sản xuất theo thiết kế của hãng bán dẫn Arm, sử dụng quy trình 5 nm – loại công nghệ chip tiên tiến nhất của Anh vào thời điểm này.

Nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc (SMIC) được đánh giá vẫn ít kinh nghiệm về công nghệ sản xuất.

"Hệ sinh thái bán dẫn rất lớn và phức tạp, vì vậy, nỗ lực xây dựng khả năng tự cung tự cấp là khó khăn khi vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Để xây dựng thương hiệu riêng yêu cầu phải đầu tư tiền bạc, kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy", ông Hanbury nói thêm.

Rủi ro địa chính trị

Quá trình phụ thuộc vào công ty nước ngoài khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương trước bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào - giống như Huawei và SMIC đã trải qua. Huawei đã thiết kế bộ vi xử lý điện thoại thông minh – Kirin - loại chip này phát triển dựa trên công nghệ mới nhất. Tuy nhiên, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, có tên gọi là "Danh sách thực thể vào năm 2019", khiến công ty này giảm ảnh hưởng tại Mỹ. Vào năm ngoái, Washington đã đưa ra bộ quy tắc yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép trước khi bán chất bán dẫn cho Huawei. Các biện pháp trừng phạt có thể gây ra mối lo ngại đối với công ty của Trung Quốc hiện đang phát triển chip.

Các Chính phủ trên thế giới thường xem chất bán dẫn là công nghệ mang tính chiến lược và quan trọng. Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa kêu gọi đầu tư 50 tỷ đô la vào sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn đồng thời tìm kiếm các nhà sản xuất chip đầu tư vào nước này. Trong tháng 3, Intel đã công bố kế hoạch chi 20 tỷ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ.

"Điều này thể hiện Trung Quốc đang cạnh tranh với thị trường tốt hơn", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói trên CNBC vào tháng 3. "Mỹ hiện đang tìm cách đưa ngành sản xuất chất bán dẫn trở lại - chìa khóa cho an ninh quốc gia, trong đó tăng cường tập trung vào thị trường châu Á".

Tuy nhiên, các quốc gia cùng chí hướng cũng đang tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn được an toàn. Lãnh đạo các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vừa công bố kế hoạch vào tháng 9 nhằm thiết lập sáng kiến chuỗi cung ứng chất bán dẫn nhằm xác định các lỗ hổng và đảm bảo quyền truy cập vào chất bán dẫn. Các cuộc thảo luận gần đây cũng cho thấy, thế giới đang chứng kiến sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp từ ô tô đến điện tử tiêu dùng. Chính phủ các nước bày tỏ lo ngại về nguồn cung đảm bảo đối với chất bán dẫn trong nước trước thực tế nêu trên.

Trung Quốc có thể đi trước một số nước trong quá trình phát triển chip hoặc chất bán dẫn nhưng lại gặp khó khăn để bắt kịp công nghệ tiên tiến, ít nhất là trong ngắn hạn.

"Vì vậy, ngay cả khi Bắc Kinh tăng cường phát triển công nghệ cũng sẽ không đủ sức để bắt kịp xu hướng công nghệ hiện tại hay giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài", ông Hanbury nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ