• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc thách thức trật tự thế giới hiện hành

Thế giới 02/04/2019 08:23

(Tổ Quốc)- Trung Quốc nổi lên thách thức sự cân bằng trật tự do Mỹ lãnh đạo. Một trạng thái cân bằng mới đang được thiết lập và tiến trình này sẽ tiếp tục cho đến khi Mỹ và Trung Quốc tìm thấy sự cân bằng quyền lực kiểu mới.

Có nhiều cách để giải đáp câu hỏi liệu Trung Quốc thách thức trật tự thế giới hiện nay hay không và như thế nào.

Trật tự Mỹ bị thách thức từ nhiều phía

Nhiều giới ở Mỹ ngày càng lo ngại việc Trung Quốc đang thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ, cũng như trật tự thế giới hiện hành. Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang thiết lập các quy tắc cho các ngành công nghiệp từ cơ sở hạ tầng cho đến công nghệ trí tuệ nhân tạo, từ luật lệ thương mại cho đến luật quốc tế.

Trật tự thế giới hiện nay đang chịu sự giằng co giữa hai xu hướng can thiệp từ bên ngoài và sự phân rã từ bên trong. Vai trò lãnh đạo của Mỹ phải đối mặt giữa sự phân tách ngày càng rộng giữa chính sách "nước Mỹ trên hết" và tiếp tục đi theo con đường toàn cầu hóa.

Trật tự thế giới ngày nay vốn bắt nguồn từ sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã vận hành trong nhiều thập kỷ dưới sự dẫn dắt của Mỹ. Năm 1978, Trung Quốc rời bỏ mô hình kinh tế kế hoạch kiểu Xô Viết và bắt đầu các cải cách theo định hướng thị trường mở cửa cho đầu tư nước ngoài, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), một trong năm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhà tài trợ lớn thứ hai cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hoan nghênh chào đón và nhận sự hỗ trợ từ các thể chế quốc tế như WB và IMF. Năm 2015, Bắc Kinh cùng với Washington phát triển các quy tắc mới để đối phó với biến đổi khí hậu và xung đột không gian mạng. Tuy nhiên, các thể chế kinh tế của Trung Quốc vẫn còn khá phức tạp và chịu sự can thiệp của nhà nước, khác biệt với các nước phương Tây. Cho đến nay, Trung Quốc không thể lật đổ hay thách thức trật tự thế giới mà nước này vẫn đang hưởng lợi, ngược lại Trung Quốc đang tự điều chỉnh mình.

Trung Quốc thách thức trật tự thế giới hiện hành - Ảnh 1.

Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng ở những khu vực là đồng minh thân cận nhất của Mỹ. (Nguồn minh họa: Sputnik/AFP)

Trung Quốc nổi lên sử dụng ảnh hưởng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Tuy là một chế độ toàn trị song Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, có được vị thế nhất định thế chỗ những khoảng trống quyền lực bị Mỹ bỏ lại. Nước Mỹ đang cắt dần sự ủng hộ dành cho một số thể chế và thỏa thuận quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng lên các định chế quốc tế thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Đóng góp của Trung Quốc cho Liên hợp quốc sẽ gia tăng lên hơn 12% từ 2019-2021. Quyền bỏ phiếu của Trung Quốc tại IMF cũng thêm trọng lượng và hiện nước này đang nắm giữ một vị trí phó chủ tịch tại định chế tài chính toàn cầu này.

Trật tự Trung Quốc là trật tự như thế nào?

Thực tế là, Trung Quốc đang tái định vị lại mình để tích cực can dự hơn vào trật tự thế giới, đang nổi lên và đang dần khẳng định ảnh hưởng trong khi vẫn đóng góp sáng kiến cho hệ thống hiện tại.

Các học giả Mỹ và Trung Quốc dành tâm huyết tập trung nghiên cứu trật tự thế giới mới nhằm dự đoán những thay đổi mà Trung Quốc có thể tạo ra nhằm phân chia lại quyền lực. Nước Mỹ nỗ lực bảo vệ sự thống trị toàn cầu đang chìm dần của mình và Trung Quốc đang tìm kiếm những cách thức nhằm gia tăng ảnh hưởng quốc tế.

Với sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng, Trung Quốc đang có được sự tự tin đưa ra những sáng kiến cho trật tự hiện tại, khẳng định việc duy trì hệ thống quốc tế ngày nay là không còn phù hợp để đối phó với những thách thức kiểu mới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tái khẳng định Trung Quốc vẫn là quốc gia có tiếng nói ủng hộ trật tự đang có, bổ sung cho các tổ chức định chế hiện tại trong việc củng cố trật tự đó. Nhưng trên thực tiễn, Trung Quốc đề xuất khái niệm "Cộng đồng chung vận mệnh" và triển khai công cụ để phát huy ảnh hưởng của mình thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Với việc "Cộng đồng chung vận mệnh" chưa được các thể chế đa phương quốc tế chấp nhận, Trung Quốc vận động và áp đặt khái niệm này lên các quan hệ song phương, với hàng chục nước tuyên bố gia nhập nó.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách công nghệ và vai trò của chính phủ Trung Quốc trong các thương vụ sáp nhập hay mua bán đã khơi mào những phản ứng ngay lập tức nhằm xác định liệu các khoản đầu tư này có đe dọa tới an ninh và trật tự chung của EU và Mỹ hay không. Trung Quốc cũng tận dụng các phương cách như hợp tác mua bán sáp nhập để hoàn tất các thương vụ giao dịch. Nhiều trong số các thương vụ như vậy sẽ góp phần xác định kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc không xa lạ gì với khái niệm trật tự thế giới. Một kiểu hệ thống thiên hạ lấy Trung Quốc làm trung tâm đã từng bước định hình từ thời nhà Chu hơn 700 năm TCN. Hệ thống này bao gồm quốc gia trung tâm, các nước chư hầu-phiên thuộc và nước ở ngoài ảnh hưởng Trung Quốc, được xử lý theo những mối ràng buộc khác nhau. Chỉ có điều hệ thống ấy sẽ có hình thức như thế nào trong thời đại mới sẽ tùy thuộc vào tương quan lực lượng giữa các trung tâm quyền lực thế giới hiện đại./.

(Theo Jakarta Post)

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ