(Tổ Quốc) - Sự hiện diện của Trung Quốc tại RIMPAC năm nay dấy lên nhiều quan ngại trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.
Tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay là sự kiện có quy mô lớn nhất trong lịch sử, từ 1971 đến nay với sự tham gia của 45 tàu chiến, hơn 200 máy bay, 5 tàu ngầm và 25.000 binh lính từ 26 quốc gia tại khu vực quần đảo Hawaii và miền Nam California, khai mạc ngày 30/6 và kéo dài đến ngày 4/8.
Việc Trung Quốc tham gia sự kiện này theo lời mời của Mỹ đã dấy lên nhiều tranh cãi trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đối với sự hiện diện của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Lực lượng hải quân Trung Quốc tham gia RIMPAC lần đầu vào năm 2014 chỉ với 1 tàu và một số quan chức hải quân hàng đầu. Năm nay, lực lượng tham dự gồm 5 tàu, trong đó có 2 tàu chiến có tên lửa dẫn đường, 1 tàu cứu hộ tàu ngầm cùng với gần 1.500 lính, theo báo cáo kế hoạch của Bắc Kinh. Vai trò của Trung Quốc trong cuộc tập trận này đại diện cho một "hình thức mới của mối quan hệ giữa các cường quốc", Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Wang Hei nói với Tân Hoa Xã.
Cơ hội đối thoại?
Việc mời Trung Quốc tham dự sự kiện này đã dấy lên sự quan ngại tại Đồi Capitol và sự chỉ trích từ một số nhà phân tích. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã ca ngợi RIMPAC 2016 là cơ hội để hợp tác với Bắc Kinh và khuyến khích nước này có hành xử mềm mại hơn trong các cuộc đụng độ hàng hải khu vực.
"Trong khi chúng tôi có những bất đồng với Trung Quốc, đặc biệt là về các hành vi gây mất ổn định ở Biển Đông của nước này, chúng tôi cam kết làm việc với họ và thuyết phục họ để tránh sự tự cô lập", Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết trong một bài phát biểu vào tuần trước tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ.
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, cũng đang có kế hoạch tới Bắc Kinh để có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli.
Một số nhà phân tích còn nói rằng lời mời này là một tín hiệu tĩnh từ Lầu Năm Góc thể hiện rằng những căng thẳng ở Biển Đông không có nghĩa là Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể hợp tác trong các lĩnh vực an ninh khác.
"Thực tế rằng Mỹ và Trung Quốc không đồng ý với nhau về vấn đề Biển Đông không cản trở cam kết quân sự, trao đổi và đối thoại", Yun Sun, một nhà phân tích Trung Quốc tại Trung tâm Stimson tại Washington, nói với Japan Times tuần này. "Trong thực tế, nó làm cho điều này thậm chí còn quan trọng hơn nhiều so với trước đây."
Thông điệp nhiễu?
Grant Newsham, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản ở Tokyo, cho rằng việc lời mời Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp sai lầm.
Đồng ý với nhận định này, Dean Cheng, một nhà phân tích an ninh Thái Bình Dương cao cấp của Heritage Foundation nói, sự tham gia (của Trung Quốc tại RIMPAC) có thể đặt ra một sự bất lợi lớn đối với lợi ích của Mỹ ở Thái Bình Dương,
Việc gửi lời mời rộng rãi tới Trung Quốc tham gia RIMPAC tương đương với ca ngợi sự hiện diện quân sự “hiếu chiến” của Trung Quốc, đặc biệt tại các khu vực như Biển Đông bằng việc cho phép Trung Quốc tiếp cận với chiến lược hải quân của Mỹ, ông Cheng nói.
Sự đụng độ gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh Thái Bình Dương của nước này trong thời gian gần đây đã gia tăng trên Biển Đông.
Trong tháng 5, hai máy bay chiến đấu Trung Quốc đã “ngăn chặn” nguy hiểm một máy bay tuần tra của Mỹ trong không phận quốc tế trên Biển Đông. Máy bay do thám EP-3 Orion của Hải quân Mỹ khi đang tiến hành tuần tra thường xuyên trên Biển Đông đã bị máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc ngăn chặn trong phạm vi 50 dặm. "Báo cáo ban đầu chỉ rõ vụ việc là không an toàn", Trung tá Michelle Baldanza, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết.
Những sự cố như vậy, ông Cheng cho biết, là những tín hiệu rõ ràng rằng chiến lược của Lầu Năm Góc đang “oằn mình” dưới sự gia tăng quyền lực cứng của Bắc Kinh để kiểm soát vùng biển khu vực.
(Theo Washington Times, USA Today)