(Tổ Quốc)-Một bức tranh tổng thể về nội hàm, mục tiêu, biện pháp của Trung Quốc phấn đấu thành cường quốc biển.
Trung Quốc trong 4.000 năm lịch sử là một cường quốc lục địa. Từ thời nhà Chu khoảng 1.000 năm trước Công nguyên đã phải đối phó với các bộ lạc du mục phương bắc và tây bắc. Trải qua các triều đại, người Trung Nguyên hình thành phương châm chiến lược "Bắc xâm Nam ngự" (phương Bắc xâm lược, phương Nam phòng ngự). Các hải trình của Trịnh Hòa, nhà hàng hải vĩ đại Trung Quốc, trong những năm 1405-1433, đột ngột gián đoạn một phần cũng vì nhà Minh phải tập trung tài lực đối phó với sự uy hiếp của kỵ binh Mông Cổ đang trỗi dậy. Trịnh Hòa từng nói với Minh Nhân Tông "Tiền tài đến từ biển và hiểm nguy cũng đến từ biển", "một khi quân vương nước khác nắm lấy Nam dương, thì Hoa Hạ sẽ lâm nguy". Không may, điều bất hạnh đã xẩy ra khi thế kỷ 19, pháo hạm phương Tây xâm lược Trung Quốc. Tôn Trung Sơn là người đầu tiên đưa ra tầm nhìn "Dĩ hải hưng quốc" (dựa vào biển để làm giàu mạnh Trung Quốc).
Những năm 1990 và đầu những năm 2000, Trung Quốc chủ động đàm phán ký kết các hiệp ước phân định đường biên giới trên bộ với hầu hết các nước châu Á, đồng thời cùng với Nga thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Mục đích chính là ổn định cục diện trên bộ tại lục địa Á-Âu gắn liền với Trung Quốc, từ đó tập trung giành giật biển, phương châm là "lục hoãn hải khẩu" (hòa hoãn trên bở, tranh chấp trên biển). Tư duy chiến lược của Trung Quốc là "An Tây, dựa Bắc, tranh Đông Nam". Đông Nam đây là biển Hoa Đông và Biển Đông.
Hải quân Mỹ và Anh tập trận tại Biển Đông bảo vệ tự do hàng hải.
Việc hiện đại hóa quốc phòng lấy phát triển hải quân là một trọng tâm, với phương châm ban đầu "Bảo cận ngạn, tranh cận hải, xuất viễn dương" (giữ gần bờ, tranh biển gần, ra đại dương". Đến Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc (2012), Báo cáo chính trị chính thức xác định "xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển".
Nội hàm 5 mục tiêu, lấy hiện đại hóa hải quân làm trọng tâm
Trong buổi học tập lần thứ 8 của Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc về chủ đề xây dựng cường quốc biển, tháng 7/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, việc xây dựng cường quốc biển có ý nghĩa trọng đại đối với thực hiện công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa. Qua nhiều năm phát triển, sự nghiệp biển của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ phát triển tốt nhất trong lịch sử. Trung Quốc cần phải kiên trì coi trọng trên cạn và trên biển, kiên trì đi theo con đường phát triển dựa vào biển để làm giàu mạnh đất nước.
Việc thực hiện chiến lược biển gồm 5 mục tiêu, nhấn mạnh nội dung kinh tế biển: Phát triển hợp lý và có trật tự các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ hiệu quả môi trường sinh thái biển; từng bước phát triển nền kinh tế biển; bảo vệ một cách hiệu quả lợi ích và các quyền lợi biển; hoàn thiện và phát triển nhanh chóng toàn diện công nghệ biển.
Hải quân Trung Quốc thị uy lực lượng tại Biển Đông.
Việc xây dựng lực lượng hải quân theo hướng hiện đại hóa vẫn là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược cường quốc biển. "Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới", công bố ngày 24/7/2019, xác định nhiệm vụ Hải quân Trung Quốc là "tập trung vào việc bù đắp khoảng cách về các hoạt động và năng lực hỗ trợ ở nước ngoài, phát triển lực lượng viễn dương, xây dựng điểm tiếp tế ở nước ngoài, tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ quân sự đa dạng hóa. Thực hiện bảo vệ tàu thuyền trên biển, bảo vệ an toàn các tuyến đường vận tải chiến lược trên biển, thực hiện các chương trình như sơ tán kiều dân ở nước ngoài, bảo vệ quyền lợi trên biển…".
Trong ngân sách quốc phòng, Trung Quốc cũng đầu tư lớn nhất cho hải quân. Lực lượng hải quân Trung Quốc được hiện đại hóa đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã đóng mới hơn 100 tàu nổi và tàu ngầm các loại. Tính đến nay, Trung Quốc sở hữu 697 tàu chiến các loại, trong đó có 68 tàu ngầm (dự kiến tăng lên 80 tàu trong những năm tới). Báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, công bố hôm 3/5, cho biết, hải quân Trung Quốc đã đưa thêm vào biên chế 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) Type-094 lớp Tấn, nâng tổng số tàu ngầm chiến lược mang đầu đạn hạt nhân trang bị trong hạm đội hải quân nước này lên 6 chiếc.
Tàu sân bay thứ hai, nhưng là tàu đầu tiên Trung Quốc tự đóng, đã kết thúc đợt đi biển thử nghiệm lần thứ sáu trong tháng 5 vừa rồi và dự kiến sẽ được biên chế vào hải quân Trung Quốc trong năm nay.
Kỹ thuật và công nghệ đóng tàu của Trung Quốc đã phát triển đến trình độ "cắt may", nghĩa là đóng bất kỳ loại tàu nào theo các mục tiêu tác chiến cụ thể của hải quân và hải cảnh.
Diễn tiến qua hai giai đoạn
Chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc có đặc điểm lớn nhất là tính "mở". Trung Quốc không giới hạn trong khu vực gần bờ, mà thực hiện chiến lược "đi ra ngoài". Trung Quốc chủ trương "quốc tế hóa" trách nhiệm của mình, nói cách khác, hải quân Trung Quốc sẽ phải bảo vệ các lợi ích Trung Quốc ở hải ngoại, mở rộng ảnh hưởng và duy trì trật tự quốc tế trên biển. Những năm trước mắt, dưới thời Tập Cận Bình, thực hiện cường quốc biển gắn liền mật thiết với triển khai chiến lược "Con đường tơ lụa trên biển", lấy Biển Đông làm bàn đạp tiến ra Tây Thái Bình, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Bắc Băng Dương (Trung Quốc tự nhận là quốc gia "cận Bắc Cực").
Bắc Kinh gần đây cho biết, họ có thể cử chiến hạm đến vịnh Ba Tư để hộ tống các tàu chở hàng của Trung Quốc khi tình thế đòi hỏi. Hành động ấy sẽ là một bước mới vượt ra khỏi tầm vóc một cường quốc biển khu vực.
Trung Quốc đưa ra các mục tiêu hai giai đoạn để trở thành cường quốc biển. Cụ thể, đến năm 2020, trở thành cường quốc biển tầm trung (hay còn gọi là cường quốc biển khu vực); năm 2050 trở thành cường quốc biển toàn cầu.
Theo Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc 2019, Hải quân Trung Quốc mở rộng huấn luyện biển xa, biên đội tàu chiến lần đầu tiên triển khai huấn luyện tác chiến biển xa ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, tổ chức duyệt binh trên biển ở vùng biển Nam Hải (Biển Đông) và vùng trời trên biển gần Thanh Đảo, tổ chức một loạt cuộc diễn tập đối kháng thực tế cơ động và diễn tập nhiều hệ thống nhiều thành phần. Không quân tăng cường huấn luyện trên toàn lãnh thổ một cách hệ thống và thực tiễn, tổ chức tuần tra ở Nam Hải và Đông Hải, tiến ra Tây Thái Bình Dương, triển khai thường xuyên các cuộc diễn tập đối kháng hệ thống như "Lưỡi kiếm đỏ"…
Chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc dựa trên cơ sở khá vững chắc của sự đổi mới về tư duy nhận thức và quan niệm của toàn dân về biển. Về mặt này, Trung Quốc đã đạt được sự đổi mới mang tính cách mạng, so với lịch sử hơn 20 thế kỷ hầu như quay lưng lại biển theo tư duy "dĩ nông vi bản". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu, TrungQuốc "vừa là một cường quốc trên đất liền, vừa là một cường quốc biển, chúng ta có lợi ích trên biển rộng lớn".
Việc thực hiện chiến lược biển thực hành theo tinh thần chủ động tiến công, dựa trên ba điểm: ý đồ, năng lực và hành động. Nhưng về lâu dài, việc triển khai chiến lược ấy thành công đến mức nào còn tùy thuộc vào quốc lực của Trung Quốc về quân sự và kinh tế. Đồng thời, nó cũng chịu sự cọ xát và cạnh tranh chiến lược quyết liệt trong quá trình vận động không ngừng của tương quan lực lượng hải quân, sức mạnh biển của các quốc gia, đặc biệt là từ các cường quốc biển truyền thống.
Chiến lược biển của Trung Quốc đã kích hoạt cuộc thức tỉnh mới về biển của châu Á. Ấn Độ đẩy mạnh xây dựng lực lượng hải quân toàn diện, đồng thời hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Úc trong chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mở. Indonesia đề ra chiến lược xây dựng nước này thành nước lớn trên biển, kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tại Hội nghị cấp cao tháng 6/2019, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn ASEAN, trong đó thừa nhận "các vấn đề hàng hải như những tranh chấp hàng hải chưa được giải quyết có khả năng mở ra những xung đột mở". Việc Trung Quốc xây dựng thành cường quốc biển là công việc của Trung Quốc. Nhưng việc họ đòi mở rộng vùng biển Trung Quốc lấn chiếm phần đáng kể biển đảo của Việt Nam là sai trái và không thể chấp nhận được. Việt Nam là một quốc gia biển. Biển gắn liền với không gian sinh tồn của Việt Nam. Diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam rộng 1.000.000 km2. Hành vi gây hấn của Trung Quốc tại bãi Tư Chính gần đây là vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc, cũng như Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016. Nó dấy lên nghi ngờ về bản chất của chiến lược cường quốc biển này./.