• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc vướng tiếng xấu “đồ Tàu” trên thị trường vũ khí quốc tế

Thế giới 01/11/2016 13:07

(Tổ Quốc) - Những vũ khí tối tân nhất của Trung Quốc được giới thiệu tại Triển lãm hàng không Chu Hải, bắt đầu vào ngày hôm nay.  

Hơn 900 loại vũ khí “made-in-China” sẽ được trưng bày tại Triển lãm quốc tế Hàng không và Không gian Chu Hải (gọi tắt là Triển lãm Hàng không Chu Hải), được bắt đầu vào Thứ Ba (1/11) tại thành phố Chu Hải, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Được tổ chức hai năm một lần, đây là sự kiện triển lãm hàng không lớn nhất tại Trung Quốc, là nơi giới thiệu những vũ khí tối tân nhất của nước này đến với các khách hàng tiềm năng từ châu Á và châu Phi.

Theo các nhà tổ chức, trong 6 ngày, sẽ có hơn 700 gian hàng từ 42 quốc gia trên thế giới – trong đó 400 gian hàng của nước chủ nhà, tham gia các hoạt động triển lãm.

Tuy nhiên, trong khi nhiều chuyên gia quân sự đánh giá rằng, với mức giá chào hàng khá phải chăng, chất lượng vũ khí Trung Quốc đang ngày được cải thiện, thì ngành công nghiệp sản xuất vũ khí nước này vẫn đang chật vật để thoát khỏi mác “đồ Tàu” và tiến tới cạnh tranh với hai ông lớn khác là Mỹ và Nga trên thị trường buôn bán vũ khí quốc tế.

Một góc của triển lãm Chu Hải

Theo Andrei Chang, người sáng lập ra tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, tại Triển lãm Hàng không và quốc phòng châu Phi hồi tháng Chín tại Pretoria, Nam Phi, các nhà sản xuất Trung Quốc hầu như không tìm được khách hàng, mặc dù Bắc Kinh đã rất cố gắng để có thể bán được mẫu máy bay huấn luyện L-15 Falcon và mẫu máy bay chiến đấu JF-17.

Chang cũng cho biết, năm ngoái, sau khi Bắc Kinh cho Anh vay khoản tiền 100 triệu USD, cựu Thủ tướng Anh Cameroon từng nhận bốn trực thăng tấn công Harbin Z-9 từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một trong bốn chiếc này đã bị nổ ngay sau khi được bàn giao. Phía Anh vẫn đang trong quá trình thương lượng với Trung Quốc về vụ việc này, và trong tương lai, vẫn chưa có kế hoạch mua thêm bất kỳ vũ khí nào từ quốc gia châu Á do những lo ngại về chất lượng.  

Giáo sư Jonathan Holslag, đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại Brussels tiết lộ rằng, nhiều khách hàng trước đây của Bắc Kinh luôn lo lắng về chất lượng vũ khí sản xuất tại đây. “Các hợp đồng vũ khí thường đi kèm với các dịch vụ bảo trì và huấn luyện – điều mà Trung Quốc còn rất xa mới đạt được,” Holslag nói.  

Đặc biệt sau vụ việc tên lửa C-705 của Trung Quốc không bắn trúng mục tiêu trong một cuộc diễn tập của Indonesia vào tháng trước, các nhà sản xuất vũ khí nước này càng phải đối mặt với nhiều con mắt nghi ngờ hơn từ các khách hàng tiềm năng. 

Theo tờ Bưu điện Jakarta, trước đó, Indonesia đã đạt được thỏa thuận để công ty chế tạo máy bay nước này PT Dirgantara Indonesia được phép sản xuất tên lửa C-705 trong nước vào năm 2017 hoặc 2018. Chưa có thông tin thêm liệu hợp đồng này có bị ảnh hưởng sau vụ phóng tên lửa thất bại hay không.  

Zhou Chenminh, một chuyên gia quân sự cho biết, khả năng của tên lửa C-705 cùng hai mẫu tầm ngắn hơn là C-701 và C-704 đã được chứng minh trong cuộc xung đột gần đây giữa lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn với các tàu của UAE.

Một chuyên gia lục quân khác, Li Jie phân tích thêm, các yếu tố như thời tiết hay mức độ tuân thủ quy trình của người thực hiện cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả của cú phóng tên lửa.

Tên lửa C-705 gặp phải những nghi ngờ về chất lượng

Li nhắc đến ví dụ trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2015, có ít nhất 6 chiếc máy bay Su-30 do Nga sản xuất gặp tai nạn tại Ấn Độ, trong khi không có trường hợp tương tự nào được ghi nhận tại Indonesia hay Trung Quốc.

Tuy nhiên, Sukhoi cung cấp các dịch vụ hậu mãi rất hiệu quả. Đây chính là điều mà, theo giới chuyên môn, các nhà sản xuất vũ khí của Trung Quốc cần phải hướng tới trong dài hạn nếu muốn cải thiện thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.

“Nhiều quốc gia chọn mua vũ khí từ Mỹ và Nga bởi vì những đảm bảo về an ninh tương tự như với một đồng minh vậy. Các khách hàng châu Phi và châu Á của Trung Quốc cho đến nay không nhận được điều này,” Zhou nói.

Tiến sỹ Rajeev Ranjan Chaturvedy đến từ Viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định, mặc dù công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đang ngày một phát triển, nhưng chất lượng vũ khí do họ sản xuất chưa từng nằm trong top đầu. “Đương nhiên, công nghệ tối tân đóng vai trò quan trọng trong thị trường vũ khí toàn cầu. Mỹ và một số quốc gia khác đã có những bước tiến lớn, bỏ xa Trung Quốc… Một yếu tố khác đó là Trung Quốc dường như chưa giành được lòng tin từ các nhà nhập khẩu vũ khí lớn,” Chaturvedy cho biết.

Đây cũng được cho là lý do khiến Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena tỏ ra do dự trước khả năng mua vũ khí từ Trung Quốc. Theo tờ Kanwa Defence Review, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, Chỉ huy trưởng không quân Sri Lanka, Tướng Kolitha Gunathilake đã bác bỏ những tin đồn về hợp đồng mua máy bay JF-17 với Bắc Kinh và cho biết, Sri Lanka quyết định không thực hiện thương vụ này.

Trực thăng Harbin Z-9 của Trung Quốc được các nước châu Phi ưa chuộng

Một bản báo cáo năm 2016 của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London cho biết 2/3 các nước châu Phi đang sử dụng thiết bị quân sự sản xuất bởi Trung Quốc. Châu Phi giờ đây là một thị trường quan trọng cho các nhà xuất khẩu vũ khí Đại lục với Nigeria, Uganda và Djibouti là ba trong số 10 khách hàng quen của công nghiệp vũ khí Trung Quốc từ năm 2005.

Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm, từ năm 2011 – 2015, thị phần của Trung Quốc trên thị trường vũ khí toàn cầu chỉ vào khoảng 5,9%. Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện là nhà cung cấp vũ khí chính cho 37 nước, 75% trong số đó nằm ở châu Á và châu Đại Dương. Pakistan là khách hàng lớn nhất, mua đến 35% tổng số lượng vũ khí xuất khẩu từ Trung Quốc; tiếp đó là Bangladesh (20%) và Myanmar (16%).

Tờ PLA Daily tiết lộ, trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ chuyển giao ít nhất 13 tàu ngầm – trị giá khoảng 6,2 tỷ USD đến tay người mua, bao gồm Pakistan (8 tàu), Thái Lan (3) và Bangladesh (2).

 Mẫu máy bay huấn luyện L-15 Falcon của Trung Quốc

Việc Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Pakistan, theo Chaturvedy, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, đẩy mạnh mua vũ khí từ Nga và các quốc gia khác, đồng thời bắt tay phát triển vũ khí trong nước. “Trước đây, Ấn Độ chủ yếu nhập vũ khí từ Nga, nhưng giờ đây, họ đã đa dạng nguồn cung cấp cho mình,” Chaturvedy phân tích. “Mỹ, Israel và một số nước châu Âu như Pháp đã trở thành những nhà cung cấp vũ khí quan trọng với Ấn Độ.” Chương trình “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) là một sáng kiến của nước này nhằm mang lại bộ mặt mới cho ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ thông qua mô hình hợp tác nhà nước với tư nhân. Quốc gia Nam Á hướng tới chuyển giao công nghệ hơn việc chỉ là một người mua vũ khí thông thường.   

(Theo SMCP)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ