(Tổ Quốc) - Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Tư đã ra lệnh dỡ bỏ mọi giới hạn về nghiên cứu và phát triển hạt nhân.
Theo AFP, đây là bước đi thứ ba của nước này trong việc giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa nước này với các cường quốc thế giới (còn được gọi là JCPOA).
Thông báo của ông Rouhani được đưa ra ngay sau khi Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với nước Công hòa Hồi giáo – động thái mới nhất trong một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm làm tê liệt nền kinh tế Iran.
Iran và ba nước châu Âu - Anh, Pháp và Đức – đang tiến hành các cuộc đàm phán để giảm căng thẳng và cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 – hiệp ước đang đứng trước nguy cơ sụp đổ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hồi tháng 5 năm ngoái.
Nhưng vào cuối ngày thứ Tư, ông Rouhani đề cập đến việc nước này sẽ tiến thêm một bước đi nữa xa rời JCPOA.
"Tôi, vào lúc này, công bố bước đi thứ ba," ông phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran.
Iran đang sẵn sàng hành động nếu không được châu Âu hỗ trợ vượt trừng phạt Mỹ. Ảnh: Yahoo News/AFP.
"Tổ chức năng lượng nguyên tử (của Iran) được lệnh bắt đầu ngay lập tức bất cứ điều gì cần thiết trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và từ bỏ tất cả các cam kết đã có liên quan đến nghiên cứu và phát triển", ông nói.
Ông đề cập đến "việc mở rộng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, máy ly tâm, các loại máy ly tâm mới khác nhau và bất cứ thứ gì chúng ta cần để làm giàu".
Iran hồi tháng 7 đã từ bỏ hai cam kết hạt nhân khác, quy định việc duy trì kho dự trữ uranium đã làm giàu dưới 300 kg và giới hạn 3,67% về độ tinh khiết của trữ lượng uranium.
Hôm thứ Tư, ông Rouhani đã phát biểu với một cuộc họp nội các: "Tôi không nghĩ rằng ... chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận". Nhưng Tổng thống Iran cũng đã nói rằng Tehran và các cường quốc châu Âu đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận về cách giải quyết các vấn đề nóng.
"Nếu chúng ta có 20 vấn đề bất đồng với người châu Âu trong quá khứ, thì hôm nay có ba vấn đề", ông nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã gặp ông Trump vào tháng trước tại Pháp, đã thúc đẩy các ưu đãi kinh tế cho Tehran và đưa ra hi vọng về khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và Iran.
Ông Trump đã nói rõ hôm thứ Tư rằng ông vẫn quan tâm đến việc gặp gỡ ông Rouhani khi nhà lãnh đạo Iran đến New York dự phiên họp thường niên Đại hội đồng của Liên Hợp Quốc.
"Chắc chắn rồi, mọi thứ đều là có thể," ông Trump nói với các phóng viên.
Mỹ cứng rắn về các lệnh trừng phạt
Tuy nhiên, ông Rouhani đã bác bỏ khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh như vậy mà không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, vào thứ Tư, chính quyền Trump đã đưa ra đợt trừng phạt thứ ba đối với Iran trong vòng chưa đầy một tuần.
Trong động thái mới nhất này, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào danh sách đen một mạng lưới vận chuyển gồm 16 thực thể, 10 cá nhân và 11 tàu mà họ cho biết đang bán dầu thay mặt cho Lực lượng Qods thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran.
Mạng lưới này đã bán được hơn 500 triệu USD dầu vào mùa xuân này, chủ yếu là cho Syria, mang lại nguồn lợi cho cả Tổng thống Bashar al-Assad và đồng minh Hezbollah ở Lebanon, Bộ Tài chính cho biết.
Một quan chức Mỹ nói rằng động thái này cho thấy lập trường của Washington về các biện pháp trừng phạt không hề được giảm bớt. Nguồn tin này cũng cảnh báo sẽ còn nhiều động thái nữa sẽ được tiến hành.
"Chúng tôi không thể làm rõ hơn nữa việc chúng tôi cam kết với chiến dịch gây áp lực tối đa này và chúng tôi không mong muốn cho phép bất kỳ trường hợp ngoại lệ hoặc miễn trừ nào", Brian Hook, điều phối viên Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran, nói với các phóng viên.
Iran đã tuyên bố sẽ khôi phục hoàn toàn việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu đạt được thỏa thuận với Pháp về hạn mức tín dụng trị giá 15 tỷ USD – khoản tiền Tehran sẽ hoàn trả sau khi nước này tiếp tục xuất khẩu được dầu.
Mỹ hiện đang cố gắng chặn các lô hàng như vậy bằng các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Hook đã dừng việc chỉ trích chính sách hỗ trợ tín dụng trên, nhưng nói rằng chưa có đề xuất "cụ thể" nào.
Sóng gió về tàu chở dầu
Phát biểu vài ngày sau chuyến đi tới Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã bác bỏ việc đàm phán lại JCPOA.
"Quay trở lại thực hiện đầy đủ JCPOA là điều kiện để nhận được 15 tỷ USD trong khoảng thời gian bốn tháng, nếu không, quá trình Iran cắt giảm các cam kết sẽ tiếp tục," hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời ông Araghchi.
Trong khi đó, các nhóm cứng rắn trong chính quyền Trump kiên quyết phản đối bất kỳ việc giảm bớt sức ép nào cho Iran, nói rằng mục tiêu của họ không chỉ là ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran mà còn hạn chế ảnh hưởng của Cộng hòa Hồi giáo trên khắp Trung Đông.
Iran lâu nay đã đe dọa sẽ tiến hành một loạt các biện pháp đáp trả về hạt nhân vào thứ Sáu này trừ khi các bên khác trong thỏa thuận JCPOA hỗ trợ họ vượt qua được các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Căng thẳng đã gia tăng đáng kể trong tháng 7 khi Iran tiến hành hai bước đi đầu tiên xa rời thỏa thuận hạt nhân và bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh - Stena Impero - ở eo biển Hormuz vì "không tuân thủ các quy tắc hàng hải quốc tế".
Trong một tín hiệu tích cực, một số thành viên thủy thủ đoàn của con tàu chở dầu thuộc sở hữu của Thụy Điển này đã được thả ra, Stockholm cho biết vào cuối ngày thứ Tư.
"Một số thành viên thủy thủ đoàn của Stena Impero ... đã được thả", Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết trong một thông điệp gửi tới AFP, nhưng không đưa ra con số cụ thể.