Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choong Son-hui sẽ có các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh và Moscow, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết.
Bình Nhưỡng sẽ hướng tới tăng cường sự ủng hộ để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế trong các cuộc đàm phán mới nhất với Trung Quốc và Nga, đồng thời tăng cường vị thế thương lượng về vấn đề hạt nhân trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng vào cuối tuần này, các nhà quan sát cho biết.
Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui, người chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hoá với Mỹ, đã rời Bình Nhưỡng và đến Trung Quốc hôm thứ năm, theo một bản tin của KCNA.
Bà Choe Son Hui. Ảnh: The Times.
Bà đã lên lịch trình sẽ có các cuộc đàm phán với các quan chức ở Bắc Kinh trước khi đến Moscow để trao đổi thêm về nội dung tương tự trên. Bản tin của KCNA cho biết, đại diện của cả 3 nước sau đó sẽ ngồi lại với nhau, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.
Thông báo này được đưa ra trước chuyến thăm của ông Pompeo tới Bình Nhưỡng vào ngày 7/10, theo đó, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ đàm phán về một thỏa thuận với các quan chức Triều Tiên về các chi tiết của quá trình phi hạt nhân hóa.
Hôm thứ Năm, Washington đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một công ty Thổ Nhĩ Kỳ, các giám đốc công ty và một nhà ngoại giao Triều Tiên ở Mông Cổ với cáo buộc buôn bán vũ khí và hàng hóa xa xỉ tới Triều Tiên.
Mục tiêu cuối của Triều Tiên
Wi Sung-rak, một cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nga và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Seoul, nói rằng, việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng – từ cả Mỹ và Liên hợp quốc – là điều được tập trung nhất trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán ba bên (Triều Tiên, Nga, Trung Quốc).
"Triều Tiên, Trung Quốc và Nga có nhiều khả năng thảo luận về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và để đi đến điểm chung về lập trường của họ", ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán ba bên này sẽ là lần đầu tiên cho cả ba nước.
"Trung Quốc và Nga đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc dỡ bỏ [trừng phạt đối với Triều Tiên -pv] tại các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gần đây," ông Wi nói.
Việc thiết lập các cuộc đàm phán ba chiều cũng có thể là "một tín hiệu của sự không hài lòng đối với Mỹ [về chính sách liên tục duy trì "sức ép tối đa" của họ]", ông nói.
Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đến Triều Tiên vào chủ nhật này. (Nguồn: AP) |
Trung Quốc và Nga đã bất đồng với Mỹ trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về lệnh cấm vận vào Triều Tiên hồi tháng trước, tại đó Washington khẳng định họ vẫn giữ nguyên lập trường cho đến khi diễn ra phi hạt nhân hoá hoàn toàn và không thể đảo ngược ở Triều Tiên.
Vasily Kashin, một nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Châu Âu thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moscow, cho biết, bà Choe có thể tìm kiếm sự hỗ trợ đối với tiến trình khử hạt nhân dần dần, điều sẽ mang lại cho Bình Nhưỡng nhiều quyền thương lượng hơn trong các cuộc đàm phán với Washington.
Cũng sẽ là lợi ích của Nga và Trung Quốc để thể hiện sự "hỗ trợ cho việc giải quyết dần dần vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên", ông Vasily Kashin nói.
"Điều đó cũng sẽ làm cho vị thế của Triều Tiên khi đối thoại với Hoa Kỳ mạnh hơn," theo chuyên gia này.
Sức nặng Nga, Trung trên bàn đàm phán
Cheong Seong-chang, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Sejong ở Seoul, cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng có thể chuẩn bị cho việc chuyển giao các đầu đạn hạt nhân trong quá trình khử hạt nhân, có thể đang nổi lên như một vấn đề lớn.
"Triều Tiên có thể muốn chuyển chúng sang Trung Quốc hay Nga hơn là sang Mỹ hoặc Anh ... vì họ vẫn còn thận trọng với phương Tây", ông Cheong nói.
"Tương tự như vậy, họ có thể muốn Trung Quốc và Nga là những bên giám sát trong quá trình xác minh phi hạt nhân vì những nước này đang cho thấy họ phần nào hiểu rõ lập trường của Triều Tiên ... [như vậy] (chương trình nghị sự của họ -pv) có khả năng sẽ thảo luận về một số biện pháp thực tế về phi hạt nhân."
Zhang Baohui, giáo sư về khoa học chính trị và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hồng Kông, cho biết Bình Nhưỡng có thể tìm cách tăng cường quan hệ với Bắc Kinh và Moscow như một cách để bảo vệ chính quyền.
"Họ có thể muốn [bảo đảm] Trung Quốc và Nga sẽ hỗ trợ trong trường hợp quá trình phi hạt nhân hóa với Hoa Kỳ thất bại", ông nói.
Chuyên gia Kashin còn nói rằng chuyến thăm của bà Choe cũng có thể có lợi cho Moscow.
"Nga cũng có một số lợi ích cụ thể," ông nói. “Trong ngắn hạn, Moscow muốn tăng cường hợp tác kinh tế [với Bình Nhưỡng] và sử dụng lực lượng lao động Triều Tiên trong khuôn khổ được cho phép bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
"Về lâu dài, họ muốn mở ra các dự án cơ sở hạ tầng mới kết nối Nga và Hàn Quốc."
Chuyến thăm của bà Choe đại diện cho “thực tế mới”, ông nói.
“Quan hệ Nga-Mỹ đang hết sức căng thẳng và quan hệ Trung-Mỹ cũng ngày càng xuống thấp. Đây là cơ hội tuyệt vời để Triều Tiên tăng cường quan hệ với Moscow và Bắc Kinh”, chuyên gia này kết luận.