• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trước sức mạnh Nga leo thang trong khu vực: Quân sự Bắc Âu nhen nhóm liên minh cũ?

Thế giới 23/06/2020 13:16

(Tổ Quốc) - Các quốc gia Bắc Âu đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương với Hoa Kỳ tại khu vực phía bắc trong bối cảnh có nhiều lo ngại về các thông điệp hỗn loạn của ông Trump đối với NATO – điều có thể dẫn đến sự xói mòn hiện diện của liên minh này ở Bắc Âu.

Những lo ngại về khả năng của NATO trong việc đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga ở phía bắc và vùng biển Baltic chiến lược đã được dấy lên ở các nước Bắc Âu, dẫn đầu là Thụy Điển và họ đang hướng đến việc xây dựng các đơn vị hải quân và không quân chung và cả lực lượng bộ binh phản ứng nhanh. Các nhà lãnh đạo Bắc Âu đã thảo luận về việc hình thành lực lượng chung tiềm tàng kể từ năm 2016 nhưng không có nhiều động thái thực chất sau các cuộc đối thoại xuyên biên giới cho đến nay.

Bắc Âu tăng cường liên kết chung

"Sự hợp tác của Bắc Âu trong phòng thủ tiếp tục được tăng cường. Chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức mới để hợp tác trong các lĩnh vực thực tế, có thể cải thiện an ninh ở khu vực phía bắc Na Uy và Biển Baltic", Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho biết.

Các quốc gia Bắc Cực không tham gia liên minh NATO là Thụy Điển và Phần Lan đã tiến hành các cuộc đàm phán song phương để xem xét việc thành lập các phi đội máy bay chiến đấu chung và các lữ đoàn phản ứng nhanh. Kỳ vọng dài hạn là các nước láng giềng thuộc NATO là Đan Mạch và Na Uy sẽ tham gia dưới sự bảo trợ của hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu hiện tại.

Trong số bốn đối tác quốc phòng Bắc Âu, Na Uy là nước hỗ trợ nhiệt tình nhất cho sự mở rộng hiện diện của các lực lượng Hoa Kỳ và NATO ở khu vực phía bắc Bắc Cực.

Trước việc Nga tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng quốc phòng trên Bán đảo Kola, cùng với sự gia tăng số cuộc tập trận đa ngành của các lực lượng Nga gần biên giới hơn, Na Uy ngay lập tức đã tăng chi tiêu để tăng cường khả năng và sự chuẩn bị cho quân đội nước này.

Bên cạnh mong muốn mạnh mẽ là Hoa Kỳ đóng vai trò nhiều hơn trong an ninh khu vực, các chính phủ Bắc Âu cũng quan tâm đến việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Đức.

Các bộ trưởng quốc phòng Bắc Âu đã mở hội nghị trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer vào ngày 18/6. Cuộc họp tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng quan trọng, bao gồm an ninh khu vực và các thách thức trong tương lai của việc duy trì liên minh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh.

"Đức là một thế lực và đối tác quan trọng không chỉ ở châu Âu, mà còn ở khu vực biển Baltic. Chúng tôi chia sẻ lợi ích chung liên quan đến tình hình an ninh ở Bắc Âu. Đây là một sự hợp tác phát triển tốt mà chúng tôi muốn mở rộng", Bộ trưởng quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist cho biết.

Đối với Na Uy, các mối đe dọa tiềm tàng do Nga đặt ra đối với an ninh dài hạn ở khu vực phía Bắc được gói gọn trong Kế hoạch phòng thủ dài hạn 2020-2024 (LTDP) của chính phủ đối với các lực lượng vũ trang Na Uy, công bố vào ngày 17/4. Tài liệu 123 trang đề cập đến Nga tổng cộng 58 lần.

Chiến lược này hi vọng phối hợp được năng lực của Na Uy với sự cam kết và hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ và NATO để chống lại bất kỳ mối đe dọa an ninh nào trong tương lai từ Nga ở khu vực phía Bắc, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen nói.

"Na Uy cần có sự hiện diện thường xuyên và có thể dự đoán được ở khu vực phía Bắc. Chúng tôi muốn đảm bảo sự ổn định và duy trì ảnh hưởng của mình trong sự phát triển an ninh khu vực. Chúng tôi đang tăng cường cả năng lực quân sự và hợp tác với NATO và Hoa Kỳ", Bakke-Jensen nói.

Loạt động thái quân sự từ Nga dấy lên e ngại

Tài liệu LTDP cho thấy Nga hiện đang đặt ra mối đe dọa lớn hơn đối với an ninh khu vực – điều đã là một vấn đề trong nhiều thập kỷ. Đáng kể là chính phủ Na Uy cũng đang tìm cách cải thiện các kênh liên lạc giữa Oslo và Moscow để tăng cường mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Nga và tướng lĩnh quân sự hàng đầu.

"Tiềm năng của Sức mạnh quân sự của Nga đã thay đổi đáng kể trong nhiều năm qua. Các hành vi của họ ngày càng trở nên cứng rắn và mạo hiểm. Nga đã chuẩn bị và sẵn sàng áp dụng một loạt các phương tiện quân sự và phi quân sự để thực hiện các mục tiêu của mình, báo cáo của LTDP kết luận.

Trên thực tế, LTDP đã bổ sung 1,73 tỷ USD cho ngân sách của Lực lượng vũ trang Na Uy (NAF) trong 8 năm tới. Các khoản tiền bổ sung sẽ được sử dụng cho các chương trình đầu tư lớn để củng cố năng lực tổng thể và sức mạnh hỏa lực của lữ đoàn trú đóng tại Bắc Cực của NAF. Việc mua sắm khí tài cho NAF sẽ bao gồm các phương tiện chiến đấu bọc thép mới và vũ khí chính xác tầm xa. Một đơn vị di động mới dành riêng cho phòng thủ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân cũng sẽ được thành lập.

Các chính phủ Bắc Âu cũng đang ủng hộ việc mở rộng các cuộc tập trận chung thường xuyên hơn và các cuộc tập trận đa ngành, hợp tác với NATO ở phía Bắc và Biển Baltic.

Vào tháng 5, các máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen của Thụy Điển đã tham gia cùng tiêm kích F-35 của Na Uy thực hiện nhiệm vụ của lực lượng ném bom chiến lược tầm xa, trong đó cũng có máy bay B-1B Lancers của Mỹ. Cuộc tập trận ngày 20/ 5 đáng chú ý ở chỗ, đây là lần đầu tiên máy bay ném bom tầm xa chiến lược của Mỹ tham gia tập trận trên không phận Thụy Điển. Đối với Không quân Thụy Điển, nhiệm vụ bao gồm lấy nhiên liệu từ máy bay KC-135 của Mỹ tiếp cho JAS 39 Gripens.

Mặc dù không phải là thành viên NATO, Thụy Điển đã ký thỏa thuận nước chủ nhà với NATO vào năm 2014 cho phép Lực lượng Đồng minh tiến hành các cuộc tập trận chung ở nước này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ