(Tổ Quốc) - Các quốc gia đang phát triển mong đợi các nước giàu có sẽ tài trợ nhiều hơn để thích ứng với tình trạng ấm lên toàn cầu và đưa ra một cơ chế tài chính giúp họ đối phó với thiên tai tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 vào tháng 11 tới.
Đây là thông điệp mới được Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Barbara Creecy đưa ra hôm thứ Ba vừa qua. Bà Creecy là một trong những tiếng nói nổi bật của châu Phi tại sự kiện COP26 ở Glasgow năm ngoái. Bà yêu cầu các quốc gia giàu có và đang thải ra lượng khí thải lớn cần cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của nhiệt độ tăng.
Chính trị gia 64 tuổi này cho biết các quốc gia giàu có cần tôn trọng cam kết cung cấp 100 tỷ USD hàng năm cho các quốc gia đang phát triển để giúp họ đối phó với biến đổi khí hậu và tiếp tục tăng thêm số tiền đó trong tương lai. Bà nói rằng các nước giàu cũng cần bồi thường cho lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác do biến đổi khí hậu.
Bà Creecy nói: "Châu lục này là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại xung quanh vấn đề Mất mát và Thiệt hại từ biến đổi khí hậu sẽ được xây dựng hướng đến một cơ sở tài chính". Thuật ngữ Mất mát và Thiệt hại thường được sử dụng khi thảo luận về số tiền mà các quốc gia nghèo hơn cần để phục hồi sau các thiên tai liên quan đến khí hậu.
Châu Phi đứng đầu trong các khu vực đang phát triển không gây thiệt hại gì nhiều cho khí hậu vì lượng khí thải carbon họ thải ra không đáng kể. Châu lục này chỉ tạo ra khoảng 4% lượng khí thải carbon toàn cầu và họ hiện không đủ trang bị để đối phó với các hiện tượng thời tiết khốc liệt đang ngày càng thường xuyên diễn ra. Đầu năm nay, thành phố Durban của Nam Phi đã phải hứng chịu trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong gần ba thập kỷ. Còn ở vùng Sừng châu Phi, Somalia và các nước láng giềng đang phải chống chọi với đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong 4 thập kỷ qua.
Thiên tai ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng
Bà Creecy nói: "Một thảm họa thời tiết có thể quét sạch cả thành phố. Hãy nhìn những gì đã xảy ra với Beira vài năm trước", đề cập đến cơn bão Idai đã phá hủy 90% ngôi nhà ở thành phố cảng Mozambique vào năm 2019.
Theo chính trị gia này, các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP 27 sẽ cần xác định xem liệu việc bồi thường cho vấn đề Tổn thất và Thiệt hại sẽ được tiến hành trên cơ sở nào.
Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Môi trường Senegal Abdou Karim Sall cho biết tại một hội nghị ở thủ đô Dakar của nước này hôm thứ Năm: "Hiện nay chưa có quỹ nào hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương đối mặt với các tình huống liên quan đến biến đổi khí hậu như lũ lụt, mưa trái mùa. Chúng tôi cần một quỹ hỗ trợ những quốc gia dễ bị tổn thương nhất khi những sự kiện này xảy ra. Những người gây ô nhiễm cần phải mở hầu bao của họ".
Ông John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, cho biết đất nước Mỹ sẽ thúc đẩy tiến trình giải quyết vấn đề này mặc dù có thể phải kéo dài đến năm 2024.
"Chúng tôi cam kết thực hiện các bước đi bổ sung về vấn đề Mất mát và Thiệt hại," ông nói trong một bài phát biểu tại Dakar, Senegal hôm thứ Năm.
Còn nhiều khoảng lặng
Bà Creecy nói: "Hiện chúng ta đang tiến tới giải quyết vấn đề môi trường sau năm 2025 và có rất nhiều khoảng lặng xung quanh vấn đề đó. Các nhu cầu và hoàn cảnh đặc biệt của lục địa châu Phi phải được xem xét khi đề cập đến nhu cầu về vốn và sự thiếu phát triển ở lục địa này".
Bà Creecy cũng là người đã theo sát danh mục đầu tư về môi trường ở Nam Phi vào thời điểm quốc gia này đang cam kết thực hiện các mục tiêu giảm phát thải carbon đầy tham vọng và sẽ dần không còn phụ thuộc vào than đá để sản xuất điện nữa.
Châu Phi cần nhiều tiền hơn để thích ứng, tăng cường cơ sở hạ tầng và xây dựng khả năng chống chịu với hạn hán và các hiện tượng thời tiết khác, bao gồm việc xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo, bà Creecy nói. Chính trị gia này cũng cho biết, châu Phi muốn một nửa nguồn tài chính về khí hậu sẽ được chuyển sang hướng hỗ trợ thích ứng với tình hình mới.
Bà nói: "Chúng tôi hiểu rằng không phải tất cả tiền hỗ trợ sẽ được cung cấp dưới dạng tài trợ hoặc viện trợ", tuy nhiên, nhiều quốc gia ở châu Phi không có ngân sách khu vực công lớn và vì vậy cần có nguồn tài trợ không hoàn lại để giải quyết các vấn đề về thích ứng".
Riêng ở Nam Phi, phía tây của nước này đã được dự báo sẽ trở nên khô hơn trong khi phía đông sẽ ẩm ướt hơn. Bờ biển dài hơn 3.000 km của nước này cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nước dâng do bão và nước biển dâng, theo bà Creecy. "Rõ ràng các vấn đề thích ứng đối với đất nước chúng tôi đang trở nên rất quan trọng".