Đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, Việt Nam có cơ hội trở thành nơi vun đắp cho những bước ngoặt lớn chưa từng có trong kiến tạo hòa bình và thịnh vượng, không chỉ ở bán đảo Triều Tiên mà cho cả châu Á và thế giới.
Có lẽ Việt Nam là một trong không nhiều dân tộc trên thế giới đón năm mới 2019 và mùa Xuân Kỷ Hợi với một tâm thế và kỳ vọng lớn hơn hẳn các năm trước. Nhiều điều trước đây chỉ được bàn đến như những vọng ước thì nay đã có những tín hiệu đáng khích lệ về khả năng trở thành hiện thực.
Về kinh tế, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP trên 7% năm 2018 sau nhiều năm ở dưới mức này và đã trở thành một trong những nước có nền kinh tế tư nhân phát triển sống động với độ hội nhập thương mại quốc tế sâu rộng hàng đầu thế giới. Về thể thao, Đội tuyển bóng đá Việt Nam giành cúp Đông Nam Á năm 2018 và vào vòng tứ kết châu Á 2019. Về vị thế quốc tế, Việt Nam được lựa chọn là điểm gặp cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2.
Đây là cuộc gặp có thể tạo ra những bước ngoặt lớn chưa từng có trong kiến tạo hòa bình và thịnh vượng, không chỉ ở bán đảo Triều Tiên mà cho cả châu Á và thế giới. Việt Nam được lựa chọn, không chỉ vì khả năng tổ chức mà quan trọng hơn, Việt Nam là một bài học thôi thúc đầy biểu tượng về một dân tộc biết vượt lên quá khứ đau thương để làm nên một tương lai tương sáng trong tình bằng hữu với chính kẻ thù trước đây của mình.
Năm mới, người dân Việt Nam, tuy còn không ít tâm tư, trăn trở nhưng dường như đều chia sẻ cảm xúc bao đời hằng khao khát: Vận nước đang đến. Tầm nhìn Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập vào 2/9/2045 đang từng bước định hình. Ước muốn Việt Nam có ngày tham gia World Cup không còn là điều hoang tưởng. Khát vọng để dân tộc Việt Nam sớm có ngày ngẩng cao đầu cùng các cường quốc năm châu đang nhen nhóm để bùng lên.
Thế nhưng bài toán phát triển của Việt Nam trong chặng đường phía trước còn muôn vàn thách thức. Nó đòi hỏi không chỉ sự quả cảm trong đổi mới về tư duy mà cả ý chí phục hưng dân tộc và tầm nhìn thời đại của đội ngũ lãnh đạo. Nó dựa trên không chỉ những nỗ lực quyết liệt cởi trói về cơ chế và tháo gỡ khó khăn hiện tại mà cả năng lực học hỏi tiếp thu tinh hoa nhân loại để thiết kế nên nền móng cho một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Nó được quyết định không chỉ nhờ quyết tâm đẩy mạnh hội nhập và tăng trưởng kinh tế mà cả ý thức trách nhiệm với thế hệ tương lai và sức mạnh trỗi dậy của toàn dân tộc.
Để Việt Nam có thể tiến nhanh trên bước đường đi phía trước. Nỗ lực đầu tiên không phải là làm quyết liệt hơn những nỗ lực hiện có mà đưa ra những quyết sách đơn giản nhưng làm cả xã hội phải ngạc nhiên và phấn chấn.
Để bảo đảm chất lượng môi trường của Việt Nam, chính phủ có thể lắp đặt trạm quan trắc chất lượng nước và không khí ở khắp nơi, đặc biệt tại các thành phố lớn và tất cả các dự án công nghiệp quan trọng. Thông tin được cập nhật liên tục và lưu trữ trên mạng một cách công khai để toàn dân giám sát theo dõi. Lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp có chỉ số chất lượng môi trường thấp hơn mức tối thiểu hoặc suy giảm nhanh phải có giải trình trước quốc hội và nhân dân.
Tương tự như vậy, các chi phí của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước cũng có thể công bố công khai trên trang mạng của kiểm toán nhà nước để toàn dân giám sát. Khi đó tình trạng "trên nóng dưới lạnh" sẽ tự nhiên mất đi và ai cũng thấy mình có phần tránh nhiệm trong sứ mệnh quản lý đất nước và đưa đất nước tiến lên.
Khi một mùa xuân tới, theo truyền thống phương Đông, người ta thường xem lại những động lực phát triển theo năm định tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Kim đại diện cho tầm nhìn chiến lược và tư duy thời đại; Mộc chỉ sức sống động của người dân và doanh nghiệp; Thủy bao hàm các điều kiện khuyến tạo như cơ sở hạ tầng, hội nhập thế giới, nguồn lực; Hỏa biểu tượng ý chí và khát vọng vươn; Thổ là các yếu tố nền tảng, bao hàm thể chế và văn hóa.
Trên một cái nhìn tổng quát, Việt Nam đang và sẽ mạnh lên nhanh chóng trên cả năm động lực này. Sẽ không còn xa nữa khi những người đứng mũi chịu sào trong công cuộc phát triển ở Việt Nam, dù trong bộ máy công quyền hay ở doanh nghiệp tư nhân, đều dũng cảm vượt lên trong hàng đầu của dòng chảy thời đại và coi để lại di sản cho đời sau quan trọng hơn tích lũy tài sản riêng cho con cháu mình.
Ngạn ngữ có câu: "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Dân tộc Việt Nam, bằng nỗ lực vươn lên trong ba thập kỷ tới, có thể góp thêm vào câu nói thông tuệ này bằng bài học rút ra từ trải nghiệm của chính mình "muốn tiến thần tốc tới khát vọng tương lai hãy vượt lên chính mình với sức mạnh thời đại và ý chí dân tộc".