(Tổ Quốc) - Tổng thống Donald Trump quyết định dỡ bỏ trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara chấp nhận ngừng tấn công quân sự miền bắc Syria.
Hôm thứ tư (23/10), Tổng thống Donald Trump đã dỡ bỏ trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tuyên bố đạt được "thành công lớn" tại Syria do Ankara đồng ý chấm dứt tấn công quân sự vào lực lượng người Kurds tại Syria.
Động thái trên của ông Trump diễn ra ngay cả khi đặc phái viên Mỹ về Syria James Jeffrey cáo buộc, Thổ có thể đã phạm tội ác chiến tranh với chiến dịch quân sự ngắn ngủi nhưng không kém phần dữ dội của mình.
Quyết định dỡ bỏ trừng phạt của ông Trump cũng vấp phải sự phản đối từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
"Không thể tưởng tượng được rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phải chịu hậu quả về hành vi dã tâm đi ngược lại lợi ích của Mỹ và các đối tác của chúng ta", Thượng nghị sỹ (TNS) Đảng Cộng hòa Mitt Romney viết trên Twitter.
Còn TNS Marco Rubio - cũng thuộc Đảng Cộng hòa tỏ ra nghi ngờ sự đồng ý rút quân của Ankara. "[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ] Erdogan không đồng ý dừng tất cả chiến dịch quân sự ở Syria", ông Rubio tweet và dự đoán, "Nga sẽ đưa toàn bộ lực lượng người Kurds rời khỏi miền đông và tây của các khu vực mà Thổ đang kiểm soát, bao gồm cả các thành phố của người Kurd" và giành quyền kiểm soát 5 mỏ dầu tại Syria.
Tổng thống Trump tuyên bố đạt "thành công lớn" với lệnh ngừng bắn giữa Thổ và lực lượng người Kurds Syria do Mỹ làm trung gian (ảnh: Reuters)
Mặc cho những chỉ trích, Tổng thống Trump khẳng định, lệnh ngừng bắn giữa Thổ và người Kurds do Mỹ làm trung gian, đã "vượt qua hầu hết mọi kỳ vọng". Nhắc lại kế hoạch rút quân Mỹ khỏi khu vực nhưng ông Trump cũng cho hay, mình sẽ để lại một nhóm nhỏ ở miền đông bắc Syria để bảo đảm an toàn cho các mỏ dầu tại đây.
Ông chỉ trích, những người phản đối ông muốn nước Mỹ có một cam kết không hồi kết và không giới hạn tại một khu vực nguy hiểm. "Họ là những người đưa chúng ta vào hỗn loạn Trung Đông", người đứng đầu nước Mỹ nói trong một bài phát biểu dài 15 phút tại Nhà Trắng. "Hãy để người khác đánh nhau vì mảnh đất thấm đầy máu này".
Ngoài ra, Tổng thống Trump còn cảnh báo, Washington sẽ tái áp dụng trừng phạt nếu Ankara không thực hiện các nghĩa vụ của mình, "bao gồm cả việc bảo vệ các cộng đồng tôn giáo và thiểu số".
"Quyết định của ông Trump không chỉ để lại tổn hại lâu dài tới danh tiếng của Mỹ trong vai trò một đồng minh đáng tin cậy", ông Mark Dubowitz từ viện nghiên cứu Quỹ các nền dân chủ quốc phòng, nhận xét về dự tính rút quân đội Mỹ khỏi Syria. "Nó cũng từ chối tầm quan trọng của các mục tiêu đối ngoại của Mỹ trong hơn 7 thập kỷ qua" là kiềm chế Nga, ủng hộ các đồng minh cũng như định hướng chính sách của Mỹ là tránh xa khỏi "ảo tưởng" rằng, người Mỹ sẽ không bị các nguy cơ toàn cầu đe dọa nếu giảm hiện diện trên thế giới.
Tại Syria, tình hình vẫn bất ổn. Nga đang dần thay thế khoảng trống mà Mỹ để lại, người Kurds sợ hãi bị Thổ tiêu diệt và khoảng 100 tay súng IS đã trốn thoát khỏi nơi giam giữ.
Hôm thứ ba (22/10), Nga và Thổ đã thống nhất cùng kiểm soát một khu vực lãnh thổ dọc theo biên giới Thổ-Syria. Đây được coi là một chiến thắng cho Moscow. Truyền thông Nga đưa tin, từ sáng ngày 23/10, cảnh sát quân sự Nga đã vượt sống Euphrates và tiến vào miền bắc Syria.
Trong khi đó, mặc dù đã ngừng, nhưng chiến dịch của Thổ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới tại Syria. Liên Hợp Quốc mới đây ước tính, khoảng 180.000 người Syria, bao gồm 80.000 trẻ em đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và đang rất cần hỗ trợ nhân đạo. Thỏa thuận giữa Tổng thống Putin và đồng cấp Thổ Tayyip Erdogan đã đem lại cho Moscow vị thế quan trọng tại Trung Đông. Theo thỏa thuận, Nga và Thổ đồng ý hợp tác để đưa các tay súng người Kurds rời khỏi một khu vực dài 32km ở miền bắc Syria.
"Rõ ràng Mỹ đã bị gạt ra bên lề", TNS Đảng Dân chủ Bob Menendez phát biểu hôm thứ ba.
Còn nghị sỹ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói: "Chúng ta đều biết ông Trump đã bật đèn xanh cho ông Erdogan tiến vào miền bắc Syria… Chúng ta để các tay súng người Kurds phải chịu thảm sát… mà không có cảnh báo và không vì lý do gì".
Rõ ràng Mỹ đã bị gạt ra bên lề.
TNS Bob Menendez
Đáp trả, đặc phái viên Jeffrey phủ nhận việc Tổng thống "bật đèn xanh" cho chiến dịch của Ankara. Ông cho hay, Thổ sẽ tấn công bất chấp thái độ từ Washington; ngoài ra, binh lính Mỹ tại Syria không có nghĩa vụ phải bảo vệ người Kurds.
Khi được hỏi về khả năng Thổ phạm tội ác chiến tranh, ông Jeffrey trả lời: "Chúng tôi đang xem xét các cáo buộc đó và thực tế đã gửi đề nghị giải thích tới Ankara". Yêu cầu này gần như chắc chắn sẽ đề cập tới việc chính trị gia người Kurds Hervin Khalaf bị ám sát.
Nhiều nghị sỹ cũng không hài lòng với việc ông Trump ra lệnh để quân lại Syria chỉ để bảo vệ các mỏ dầu mà không nhắc tới việc bảo vệ người Kurds.
"Tất cả những gì ông ấy nói chỉ là bảo vệ dầu mỏ", nghị sỹ Tom Malinowski phàn nàn. "Tôi chưa nghe thấy ông ấy nói bất kỳ điều gì về bảo hộ người dân" sống tại khu vực hiện đang bị Thổ tấn công.