(Tổ Quốc) - Trong khi Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản mang tới câu chuyện thông qua ẩm thực Việt để tăng cường sự hiện diện văn hóa Việt tại đất nước mặt trời mọc thì Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ chia sẻ cách tổ chức các hoạt động văn hóa, ngoại giao kết hợp trực tiếp và trực tuyến để duy trì cầu nối tới bạn bè quốc tế.
Phát huy giá trị ẩm thực, văn hóa Việt
Đảm nhiệm vị trí Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản từ tháng 10/2018 đến nay, Đại sứ Vũ Hồng Nam đã đi tới nhiều nơi trên khắp nước Nhật và có nhiều trải nghiệm về sự phát triển hình ảnh văn hóa Việt tại các địa phương này. Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ: "Tại nước Nhật có một đặc trưng là món ăn của họ quá ngon. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để họ thích món ăn của mình".
Vào năm 2018 khi Đại sứ đến thăm Hokkaido, ở đây chưa hề có một quán ăn người Việt Nam nào. Đại sứ đã xúc tiến tổ chức ngay một lễ hội ẩm thực Việt, đưa món phở từ thủ đô Tokyo, cách Hokkaido khoảng 1000km, tới để người dân địa phương thưởng thức. Đại sứ bày tỏ: "Món phở của mình rất hợp với khí hậu lạnh tại Hokkaido. Sau khi chúng tôi giới thiệu các món ăn Việt tới các bạn Nhật thì chỉ năm sau đã có thêm một quán Việt, năm sau nữa thêm hai quán Việt và đến nay có một hệ thống nhà hàng Việt ở đó".
Đại sứ cũng khẳng định: "Thông qua các nhà hàng này, ngoài ẩm thực, chúng ta còn quảng bá được tranh, áp phích về danh lam thắng cảnh Việt Nam. Các bạn Nhật còn được tiếp xúc với người Việt mình nên các giá trị, ý nghĩa được nhân lên rất nhiều".
Tại một địa phương khác là Kagoshima, một điểm cực cuối của Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam đã có một cách tiếp cận khác, đó là phối hợp với địa phương tổ chức Tết cho người Việt và giới thiệu ẩm thực Việt năm 2019. Các bạn Nhật được mời đến tham dự sự kiện này thưởng thức được nhiều món ăn Việt. Đại sứ Vũ Hồng Nam cho hay: "Hiện tại đã có nhà hàng Việt ở đây và các bạn Kagoshima đều chia sẻ là khi có khách tới đều đưa đến quán Việt, trong đó có món phở rất ngon. Thông qua đó họ hiểu người Việt mình hơn, yêu người Việt mình hơn. Sự hiện diện văn hóa của mình chắc chắn vững chân ở những khu vực đó".
Đại sứ khẳng định: "Ngoại giao văn hóa xuất hiện tự nhiên từ xa xưa, từ thời ông cha chúng ta và cho đến nay luôn đóng góp một phần rất quan trọng vào thành công của công tác đối ngoại, tạo dựng hình ảnh của đất nước chúng ta". Từ những kinh nghiệm của mình, Đại sứ bày tỏ: "Chúng ta cần mạnh dạn hơn nữa, chủ động hơn nữa và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam để nâng cao sức mạnh mềm của ngoại giao Việt Nam".
Linh hoạt thích ứng, tăng cường chuyển đổi số, hướng tới các cuộc trao đổi cấp cao
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, ngoại giao Việt Nam nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng đang nỗ lực ứng dụng các công nghệ mới để tiếp tục duy trì cầu nối tới bạn bè quốc tế. Từ những kinh nghiệm của mình, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan đã có nhiều chia sẻ về cách ứng dụng công nghệ 4.0, một then chốt trong ngoại giao văn hóa Việt Nam hiện tại.
Theo Đại sứ Lê Linh Lan, vượt lên tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và không tổ chức được các hoạt động ngoại giao văn hóa trực tiếp, trên tinh thần đổi mới sáng tạo để khắc phục khó khăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới đã có những cố gắng trong đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng, nâng tốc độ đường truyền internet, máy móc thiết bị… để tổ chức các hoạt động trực tuyến. Những hoạt động trực tuyến này giúp duy trì các cầu nối để mọi công việc không bị ngưng trệ trong việc giao lưu giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Tại Thụy Sỹ, trong năm vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại đã phối hợp với Vụ văn hóa UNESCO, Bộ Ngoại giao, phái đoàn Việt Nam tại Geneva tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, ngoại giao giao lưu đặc biệt kết hợp trực tiếp và trực tuyến để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ cũng như 30 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước. Các hoạt động ngoại giao này đã huy động được các nguồn lực ở sở tại, kết hợp với các nền tảng kỹ thuật số, tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực và lan tỏa.
Đại sứ cũng cho hay các hoạt động này được tổ chức cũng hướng tới việc thực hiện được chuyến thăm cấp cao trực tiếp nhằm tạo xung lực chính trị mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam – Thụy Sỹ. Trong năm 2021, Phó Tổng thống Thụy Sỹ đã sang thăm Việt Nam và mang viện trợ gói vật tư y tế kịp thời và gần đây đoàn cấp cao do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu thăm chính thức Thụy Sỹ đã thành công tốt đẹp. Nguyên thủ hai nước đã có các cuộc hội đàm, trọng thị, thực chất.
Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã góp phần giúp duy trì giao lưu văn hóa, đưa hình ảnh của đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả. Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định: "Điều này đòi hỏi sự thống nhất hành động, nhận thức tư duy của các bộ ngành và cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng chung lòng, chung sức để tiếp tục phát huy đổi mới sáng tạo trong việc quảng bá văn hóa trong thời đại dịch Covid-19".