• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tu bổ di tích phải đặt di sản lên trên hết - Bài 1: Tránh việc ứng xử tùy tiện với di sản

Văn hoá 04/04/2022 19:45

(Tổ Quốc) - Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình- một phần biểu trưng của văn hóa Việt Nam đã trở nên hiếm hoi trong thời hiện đại. Vụ việc chặt hạ cây đa trước cổng đình Chèm được phát hiện trong quá trình tu sửa di tích khiến không ít người yêu di sản tiếc nuối. Nhiều người cho rằng, với một cái cây lớn đã tồn tại hơn 20 năm tại một Di tích quốc gia đặc biệt thì mỗi tác động, dù lớn hay nhỏ đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Một lần nữa, câu chuyện ứng xử với di sản lại được đặt ra.

Đau lòng trùng tu kiểu "đập cũ xây mới"

Sau thành Nhà Mạc (Tuyên Quang) cổ kính được tu sửa thành "lò gạch mới" hay thành cổ Sơn Tây (Hà Nội) được đập đi xây mới bằng đá ong, trong hàng chục năm qua, những vụ việc "đập cũ xây mới" ở các di tích, thậm chí là di tích quốc gia tiếp tục tái diễn khiến nhiều người yêu di sản thấy đau đớn, xót xa.

Cách đây tròn 10 năm, năm 2012, chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) di tích cấp quốc gia gần 1.000 năm tuổi, vốn rất nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo, được dỡ đi làm mới hoàn toàn đã gây sự bức xúc trong dư luận rất lớn.

Tu bổ di tích phải đặt di sản lên trên hếtBài 1: Tránh việc ứng xử tùy tiện với di sản - Ảnh 1.

Đình Lương Xá 300 tuổi bị biến thành công trình bê tông

Năm 2018, đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) 300 năm bị đập đi xây mới hoàn toàn bằng bê tông cho "khang trang" hơn. Dư luận phải xót xa lên tiếng khi di tích 300 tuổi bỗng thành một công trình bê tông hiện đại. Tiếc rằng, bảng danh sách đáng buồn này vẫn tiếp tục được nối dài như đình Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) người ta sẵn sàng loại bỏ các thành phần điêu khắc cũ làm lại cái mới; rồi thay cái cổng cũ bằng cổng mới to hơn ở chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Năm 2021, bia đá cổ 342 năm tuổi ở chùa Thổ Hà (Bắc Giang) bị vỡ bởi những người thực hiện muốn di chuyển bia để nhằm mục đích nâng cao nền khuôn viên chùa mà không hề có giải pháp tương ứng để bảo vệ một cổ vật của di tích đã được xếp hạng quốc gia.

Việc sửa chùa theo kiểu "nhiệt tình + kém hiểu biết = phá hoại" này một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự trùng tu di tích kiểu đập cũ, xây mới. Hầu hết các di tích kể trên đều là di tích quốc gia, thậm chí là di tích quốc gia đặc biệt nhưng vẫn "được" tu sửa tùy tiện.

Trở lại với vụ việc đình Chèm, theo ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng ban Khánh tiết đình Chèm, đây là giống cây đa đỏ mới được trồng từ năm 1998 để tạo bóng mát, không phải cây cổ thụ hay cây di sản. Trước khi bị chặt hạ, cây đa có hiện tượng nghiêng 25 độ về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình Chèm, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Do tâm lý lo sợ mùa mưa bão tới gần, cây sẽ gây nguy hiểm nên ngày 18/3, cây đa đã bị chặt hạ.

Trên thực tế, việc đề nghị chặt hạ cây đa đã bắt đầu từ năm 2021. Ban Tế tự, Ban Khánh tiết của đình Chèm đã có đề nghị gửi lên các cấp chính quyền. Tuy nhiên, tháng 7/2021, trong biên bản kiểm tra hiện trạng di tích, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương đã ghi nhận và hứa sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, trong khi chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền quyết định, UBND phường Thụy Phương đề nghị Ban Khánh tiết đình Chèm giữ nguyên trạng cây đa trước nghi môn, không tự ý chặt hạ cây. Nhưng sự việc rất đáng tiếc vẫn xảy ra.

Ngày 19/3/2022, trong biên bản kiểm tra hiện trạng, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Thị Thanh Loan kết luận, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, việc Ban Khánh tiết Đình Chèm tự ý chặt hạ cây đa trước nghi môn đình mà không báo cáo UBND phường và các cấp có thẩm quyền là không đúng quy định.

Sự việc tại đình Chèm gợi nhớ đến tình huống tương tự đã từng diễn ra tại đình Voi Phục năm 2009, khi hàng loạt cây xanh, cây đại thụ cũng đột ngột bị chặt hạ, khiến dư luận bức xúc. Hay trước đó, cũng tại thành cổ Sơn Tây, cổng thành phía Bắc có một cây đa đẹp nhất khu thành cổ với vẻ cổ kính đã bị chặt bỏ không thương tiếc, để xây một cổng thành mới không phù hợp khiến dư luận bất bình.

Tu bổ di tích phải đặt di sản lên trên hếtBài 1: Tránh việc ứng xử tùy tiện với di sản - Ảnh 2.

Thành nhà Mạc trước khi được trùng tu

Tu bổ di tích phải đặt di sản lên trên hếtBài 1: Tránh việc ứng xử tùy tiện với di sản - Ảnh 3.

Thành Nhà Mạc sau trùng tu

"Lỗ hổng" lớn trong quản lý

Chia sẻ quan điểm về thực trạng tu bổ di tích hiện nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt bày tỏ: "Các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội đang được chính quyền quan tâm đầu tư thích đáng để tu bổ, phát huy giá trị. Rất mừng và cũng rất lo. Có cả sợ hãi nữa".

Ông Nguyễn Đức Bình cho rằng, trong thời gian qua, công tác quản lý, tu bổ ở các di tích kiến trúc cổ có nhiều vấn đề nổi cộm, đặc biệt là các di tích được xếp hạng. Thường xuyên diễn ra sự tùy tiện trong quá trình tu bổ, sửa chữa. Hầu như di tích nào cũng gặp trường hợp thay đổi hiện trạng, thay thế vật liệu, không giữ được nguyên trạng, sai lệch với hồ sơ cấp phép tu bổ của các cơ quan quản lý, hoặc tiến hành tu sửa mà chưa được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. "Nhiều di tích khi tu bổ bị sai lệch so với nguyên gốc, chỉ khi truyền thông lên tiếng thì sự việc mới vỡ lở, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đây là lỗ hổng rất lớn trong việc quản lý tu bổ di tích, lỗ hổng này đã có từ lâu và cần được các cơ quan quản lý sớm có giải pháp khắc phục…", ông Nguyễn Đức Bình nhận định.

Điểm lại những sự việc trên, hầu hết nhờ có sự vào cuộc của truyền thông, các cấp quản lý mới nắm được thông tin để vào cuộc. Nhiều vụ việc không thể vãn hồi như cây đa ở thành cổ Sơn Tây, như "lò gạch mới" Thành Nhà Mạc… Tuy nhiên, cũng có những sự việc, nhờ sự vào cuộc, giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, di tích đã được "cứu".

Có thể điểm lại sau sự việc ồn ào dư luận vào cuối năm 2012 ở chùa Trăm Gian do các hạng mục này bị tu bổ, tôn tạo "vượt rào", các ngành chức năng đã khẩn trương vào cuộc khắc phục hậu quả. Do tính chất phức tạp của dự án, Sở VHTTDL Hà Nội đã giao cho Trung tâm Kỹ thuật cộng nghệ Bảo tồn Di tích (Viện Bảo tồn Di tích- Bộ VHTTDL) thi công, Công ty CP xây dựng và phục chế Công trình văn hóa giám sát.

Tu bổ di tích phải đặt di sản lên trên hếtBài 1: Tránh việc ứng xử tùy tiện với di sản - Ảnh 4.

Giữ lại những cấu kiện cũ sau khi hoàn thành trùng tu chùa Trăm Gian được các nhà khoa học đánh giá cao

Khi triển khai, đơn vị thi công đã khẩn trương tập trung nguyên vật liệu, nhân lực để đảm bảo tiến độ, đảm bảo thi công đúng thiết kế, đảm bảo kỹ thuật, quy định của quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Trong suốt quá trình tu bổ di tích, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo giữa các nhà khoa học, địa phương, nhà chùa, các nhà thiết kế, thi công tu bổ nhằm đưa lại kết quả tốt nhất cho công tác tu bổ và phục dựng. Theo đánh giá của Sở VHTT Hà Nội thời điểm đó, quá trình tu bổ di tích chùa Trăm Gian, các hạng mục đều được thi công đúng thiết kế, các hạng mục sai phạm đã được khắc phục gần sát với nguyên gốc, theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành về di sản. Một số cấu kiện cũ, hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa của nhà để Khánh được lắp dựng đúng vị trí ban đầu, được người dân và các nhà khoa học đánh giá cao.

Như vậy, có thể thấy, có sự vào cuộc và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, có sự tham gia thực hiện tu bổ di tích của đơn vị có chuyên môn, hoàn toàn có thể tránh khỏi việc ứng xử tùy tiện với di sản./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ