(Tổ Quốc) - Các chuyên gia cho rằng, châu Âu đang đi theo một cách tiếp cận mới trong những chính sách đối phó với Moscow.
Tuần trước, Na Uy tiết lộ, lực lượng quân đội Nga đóng tại bán đảo Kola thuộc Vòng Bắc cực, đã cố tình gây nhiễu các tín hiệu GPS của NATO trong cuộc tập trận Trident Juncture vừa diễn ra vào tháng Mười. Là cuộc tập trận chung lớn nhất của liên minh quân sự kể từ sau Chiến tranh lạnh, Trident Juncture 2018 được tổ chức tại Na Uy, với sự tham gia của 50.000 quân nhân đến từ 31 quốc gia.
Nga cố tình gây nhiễu tín hiệu của NATO tại tập trận Trident Juncture 2018?
Lời cáo buộc của Oslo đã khiến Phần Lan triệu kiến đại sứ Nga; còn NATO gọi hành động mà Moscow kiên quyết phủ nhận là "nguy hiểm, gây rối và vô trách nhiệm". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cố gắng can thiệp vào một cuộc tập trận ngay khi nó đang diễn ra - không phải là điều gì quá mới mẻ. Mặc dù vậy, sự kiện lần này gây chú ý bởi vì nó cho thấy cách các đồng minh châu Âu đang thay đổi chiến thuật đối phó với những hành động được cho là do Moscow thực hiện.
Trước đây, các nước phương Tây có thể sẽ cố gắng giải quyết vấn đề với Nga thông qua các kênh ngoại giao kín đáo. Còn giờ đây, họ công khai lên tiếng chỉ trích.
Ông Jack Watling, một học giả tại Học viện Dịch vụ Hoàng gia (RUSI) tại London nhận định, NATO và các nước đối tác đã chuyển sang một "chiến dịch giao chiến công khai, về cơ bản là công bố các hành động tấn công mạng, gây nhiễu, phá rối… để cố gắng đối phó và ngăn chặn chúng".
Đây không phải là một sự chuyển hướng chính thức: không có bài phát biểu, thông cáo hay văn kiện chính sách nào đề cập tới việc liên minh quân sự đang đi theo một cách tiếp cận mới.
Có một sự thay đổi chính sách lớn hơn trong cách xử sự với Nga bởi vì tần suất thử thách ngày càng gia tăng", từ các mối đe dọa quân sự và gián điệp tới tấn công mạng và gây nhiễu tín hiệu… Sự thay đổi chính sách này được thực hiện tại hầu hết các nước NATO".
Gustav Gressel
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, mọi việc đã rất rõ ràng, đặc biệt sau khi cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Salisbury (Anh) vào tháng Ba vừa qua. Giới lãnh đạo Anh đưa ra các bằng chứng hướng về Điện Kremlin và công khai cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc.
"Có một sự thay đổi chính sách lớn hơn trong cách xử sự với Nga bởi vì tần suất thử thách ngày càng gia tăng", từ các mối đe dọa quân sự và gián điệp tới tấn công mạng và gây nhiễu tín hiệu…, Gustav Gressel, một chuyên gia cấp cao về chính sách tại Hội đồng châu Âu về Đối ngoại, cho biết. "Sự thay đổi chính sách này được thực hiện tại hầu hết các nước NATO".
Theo ông, giờ đây người châu Âu "cảm thấy không có ý nghĩa nếu giải quyết các vấn đề với Nga thông qua ngoại giao kín, bởi vì các nhà ngoại giao Nga chỉ liên tục phủ nhận và quanh co".
Thay vì giải quyết kín thông qua ngoại giao, giờ đây châu Âu công khai hơn trong các mâu thuẫn với Nga?
Trong vụ việc Skripal, London công bố những chi tiết xung quanh hai người đàn ông được cho là các điệp viên làm việc cho cơ quan tình báo quân đội Nga (có tên viết tắt là GRU). Theo đó, hai người này đã đến Anh theo chỉ thị để đầu độc hai bố con Skripal.
Cảnh sát Anh khẳng định, cuộc điều tra kéo dài sáu tháng cho phép họ lần theo từng dấu vết của những kẻ tình nghi, từ chuyến bay từ Nga tới Anh, chuyến tàu từ London tới Salisbury hay khách sạn mà hai người đàn ông trên đã trú lại.
Hồi tháng Tư, chính quyền Hà Lan tiết lộ đã phát hiện một âm mưu - được là của GRU, tấn công hệ thống dữ liệu thuộc trụ sở Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học ở thành phố La Hay. Sau gần nửa năm tiến hành điều tra, đầu tháng Mười vừa qua, Amsterdam đã cung cấp những chi tiết về bốn người đàn ông đi từ Moscow tới Hà Lan, trong đó có cả hóa đơn taxi mà họ đã sử dụng.
Ngay sau khi các thông tin trên được đưa ra, chính phủ Anh với sự ủng hộ của New Zealand và Australia, một lần nữa chĩa mũi nhọn về phía GRU khi cáo buộc cơ quan tình báo Nga đứng sau "một loạt các vụ tấn công mạng nguy hiểm và không phân biệt nhằm vào các tổ chức chính trị, kinh tế, truyền thông và thể thao" trên khắp thế giới. Những "nạn nhân" trong danh sách do London công bố trải rộng từ Tổ chức chống doping thế giới cho tới cơ quan điều hành của Đảng Dân chủ Mỹ…
Tại Mỹ, kể từ năm 2016, giới tình báo nước này đã không ngừng tố cáo Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và tiến hành tấn công mạng. Trong quá khứ, châu Âu cũng từng "gọi tên" Nga khi cho rằng Moscow phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi vào tháng 7/2014.
Tuy nhiên, theo Tate Nurkin, một nhà phân tích quân sự, đồng thời là người sáng lập công ty tư vấn quốc phòng OTH Intelligence Group, trong thời gian gần đây, các động thái ngày càng kết nối với nhau hơn. "Tôi cho rằng đây không phải là lần đầu tiên các nước phương Tây nhận thấy hành động can thiệp từ phía Nga trong các cuộc tập trận", ông Nurkin nói. Nhưng sự khác biệt là trước đây, dư luận không được biết về những điều đó.
Watling đánh giá, mục đích chính là nhằm gia tăng sức ép lên Điện Krelim và những các nhân liên quan; từ đó khiến họ phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi thực hiện những hành vi chắc chắn sẽ dẫn tới trừng phạt phạt từ Mỹ và châu Âu.