• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ la và gạch vỡ, xây lại Vạn lý Trường thành?

Thế giới 18/06/2017 09:28

(Tổ Quốc) - Bí quyết bất ngờ người Trung Quốc sử dụng để sửa chữa kỳ quan vĩ đại nhất thế giới do loại người tạo ra.  

Ít người biết rằng, trong hơn một thập kỷ qua, con la là một trong những yếu tố không thể thiếu trong những nỗ lực bảo tồn và trùng tu Tiễn khẩu (Jiankou) –đoạn thành dài khoảng 20km, cách phía bắc trung tâm Bắc Kinh 70km, và là một phần của “kỳ quan vĩ đại nhất thế giới do loại người tạo nên”- Vạn lý Trường thành.

“Quãng đường đi quá dốc, núi lại quá cao, vì thế để vận chuyển gạch lên đây thì con la là sự lựa chọn duy nhất,” ông Cao Xinhua, một người dân địa phương từng tham gia dự án trùng tu Trường thành tại khu vực này trong hơn 10 năm qua cho biết.

Dùng la để vận chuyển vật liệu sửa chữa Vạn lý Trường thành

Thông thường, công nhân sử dụng chính các mảnh gạch bị rơi vỡ từ tường Trường thành. Khi không tìm thấy mảnh nào, họ sử dụng loại gạch mới nhưng được sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn đã tồn tại nhiều thế kỷ.

“Chúng tôi phải tuân theo các chuẩn mực gốc, vật liệu gốc và cách làm gốc, như vậy mới có thể bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hoá tốt hơn,” Cheng Yongmao, người đứng đầu bộ phận trùng tu tại Tiễn khẩu chia sẻ.

Kể từ năm 2003, ông Cheng đã tham gia trùng tu 17km Trường thành. Ông là truyền nhân đời thứ 16 trong một gia đình có truyền thống nhiều đời sản xuất loại gạch dùng trong xây dựng Vạn lý Trường thành.

Những nỗ lực giảm ô nhiễm của chính quyền đã khiến hầu hết các nhà máy sản xuất gạch tại Bắc Kinh và các tỉnh phụ cận phải đóng cửa. Mỗi khi hết gạch, ông Cheng và các đồng nghiệp phải đi tìm vật liệu khắp nơi; trong trường hợp xấu nhất, họ đành yêu cầu chính quyền trung ương mở lại một số nhà máy làm gạch.

Tiễn Khẩu được xây dựng vào những năm hoàng kim của triều Minh vào khoảng thế kỷ 17; tuy nhiên, so với các phần còn lại Trường thành, nó được coi là khá “ít tuổi”.

Dự án trùng tu nơi đây được bắt đầu vào năm 2005, hiện đang ở giai đoạn ba và bắt đầu có những dấu hiệu chững lại, do địa hình khó khăn khiến người thi công chỉ có thể sử dụng các công cụ thô sơ như búa, rìu, xẻng…, và tất nhiên là cả con la.

Các công nhân Trung Quốc đang trùng tu Trường thành

Các chính quyền địa phương thuộc tỉnh Liêu Ninh – nơi sở hữu những đoạn Trường thành lên tới 700 tuổi – từng sử dụng cát và xi-măng để trùng tu những khu vực bị hư hỏng, khiến kết quả cuối cùng được ví như “vỉa hè dành cho người đi bộ”. Việc này gây xôn xao dư luận tới mức, cơ quan Quản lý di sản văn hoá Trung Quốc đã phải thông báo, sẽ điều tra bất kỳ dự án sửa chữa Trường thành nào không làm đúng các nguyên tắc cơ bản của công tác bảo tồn và trùng tu di sản.

Dong Yaohui, Phó chủ tịch Hiệp hội Trường thành Trung Quốc cho biết: “Trong quá khứ, chúng tôi trùng tu Trường thành để nó trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch.” Còn ngày nay, mục đích đã đổi ngược lại, công việc sửa chữa và bảo tồn Trường thành là để gìn giữ công trình này cho các thế hệ mai sau. “Mọi việc đang tiến triển theo hướng này,” ông Dong nói.

(Theo Reuters)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ