(Tổ Quốc) -Sáng nay 13/6, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội.
Nhiều năm qua, điệp khúc “được mùa, mất giá” lặp đi lặp lại và cũng là câu hỏi được các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn nhiều lần. Mặc dù các giải pháp đã được đưa ra nhưng năm này qua năm khác, “đến hẹn lại lên, đến mùa mất giá” vẫn tiếp diễn.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ngay ra vấn đề "Thị trường quyết định cho sản xuất nông sản". Bộ Công Thương và NNPTNT sẽ cùng ngồi lại, đánh giá lại công tác quản lý thị trường, phát triển thị trường.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Nam Nguyễn |
Bên cạnh đó, ngành sẽ rà soát, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm.
Thứ nhất, trục sản phẩm quốc gia, phải rà soát lại xem đâu là lợi thế, đâu là kém lợi thế để loại bỏ và chỉ tập trung phát triển sản phẩm mang lại năng suất, giá trị cao.
Thứ hai, trục sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, như xoài cát Hoà Lộc, vải thiều Lục Ngạn...
Thứ ba, phát triển nông sản đặc thù từng địa phương.
Từ đó, các ngành hàng sẽ tập trung vào quy mô, tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại…
"Quan trọng nhất tổ chức thực hiện phải chung nhiệm vụ thì sẽ khai thác được lợi thế của sản xuất nông nghiệp"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh việc bảo vệ thị trường nội địa nhưng vị Bộ trưởng mới nhậm chức hơn một năm cho rằng, cần đánh giá, rà soát lại, tận dụng được cơ hội phát triển.
Thẳng thắn nhận trách nhiệm trong việc khủng hoảng thừa của ngành chăn nuôi lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra các nguyên nhân để khắc phục tình trạng này.
“Sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến trong khi có tới 90% thịt lợn được bán ở phản ngoài chợ” – Bộ trưởng chia sẻ và cùng với thị trường chưa khai thác được khiến xảy ra khủng hoảng thừa của ngành chăn nuôi lợn.
Không còn con đường nào khác, ngành chăn nuôi muốn đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, bắt buộc phải tổ chức lại. Tư lệnh ngành nông nghiệp nhận định, một vài năm tới không thể tránh khỏi nơi này thừa cái này, nơi khác thừa cái kia nhưng “đó là một chặng đường gian khổ nhưng chúng ta phải làm”.
Cùng với những trả lời rõ ràng về tàu cá vỏ thép bị hư hỏng nặng, tìm cách đưa truyền thông quốc tế vào “giải oan” cho cá tra Việt Nam, những cam kết trong việc không có cơ chế xin – cho trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tinh thần mở bung, không có rào cản, các bộ sẵn sàng phối hợp xử lý các vấn đề như tài sản hình thành trên đất nông nghiệp thành tài sản tín chấp… một số đại biểu Quốc hội đã nhận xét phần trả lời của tư lệnh ngành nông nghiệp là “thẳng thắn, sâu sắc”.
Nhiều chuyến về các địa phương làm việc, xuống từng cánh đồng, khu sản xuất, đưa ra nhiều chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt với vụ việc nóng, hơn một năm nhậm chức của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quả là trôi qua thật nhanh và thật bận rộn.
Với việc nắm chắc vấn đề của ngành và đưa ra những giải pháp rõ ràng, mạch lạc, hợp lý của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, người nông dân hoàn toàn có thể trông chờ, kỳ vọng vào những thay đổi toàn diện, căn cơ cho ngành nông nghiệp- trụ cột của nền kinh tế, mang lại cuộc sống no đủ cho người nông dân./.
Thái Tùng