(Tổ Quốc) - Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22/12 kêu gọi mở rộng của vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong một thông điệp cảnh báo các chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22/12 kêu gọi mở rộng của vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong một thông điệp cảnh báo các chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân – những người cho rằng việc Mỹ tăng cường kho vũ khí có thể châm ngòi căng thẳng toàn cầu.
Trong bài viết trên Twitter, ông Trump nói: "Mỹ phải tăng cường đáng kể năng lực và sự mở rộng hạt nhân cho đến khi thế giới khôi phục nhận thức về hạt nhân", tuy nhiên, không cho biết chi tiết thêm.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. (Nguồn: Reuters) |
Hiện chưa rõ điều gì khiến ông Trump đưa ra bình luận trên. Tuy nhiên, trước đó, cũng trong ngày 22/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết rằng Nga cần "tăng cường tiềm lực quân sự của lực lượng hạt nhân chiến lược."
Khi được hỏi về tuyên bố trên, phát ngôn viên của Trump Jason Miller sau đó đã cho biết ông Trump chỉ muốn "đề cập đến mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân và nhu cầu cần thiết để ngăn chặn nó, đặc biệt là đối với các tổ chức khủng bố, các chính quyền bất ổn định, khiêu khích ".
Ông Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/ 1, cũng đã "nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện và hiện đại hóa khả năng răn đe của chúng tôi như một phương thức quan trọng để theo đuổi hòa bình thông qua sức mạnh," phát ngôn viên Jason Miller nói.
Ông Miller nói với Reuters rằng Trump không ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân, và cho biết ý kiến của Trump không nên được hiểu như một kiến nghị chính sách mới.
Nhiều chuyên gia đang tự hỏi liệu bình luận của ông Trump có đồng nghĩa với việc ông muốn phá vỡ các giới hạn đối với các loại vũ khí chiến lược của Mỹ và hiệp ước START mới kí kết với Nga năm 2011 hay có kế hoạch mở rộng kho dự trữ hạt nhân.
Mục đích thật sự của Trump?
"Hoàn toàn là vô trách nhiệm khi một Tổng thống hay Tổng thống đắc cử thay đổi chính sách hạt nhân của Mỹ trong 140 ký tự mà không có sự hiểu biết các ý nghĩa của tuyên bố như 'tăng cường năng lực,'" Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí tại bang Washington cho biết.
"Ông ấy đang khiến nhà lãnh đạo trên toàn thế giới phải cố gắng đoán những gì ông ấy nghĩ," Kimball nói trong một cuộc phỏng vấn.
Trước đó, ông Trump đã vận động tranh cử trên nền tảng tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ, tuy nhiên cũng cho biết sẽ cắt giảm thuế và kiểm soát chi tiêu của liên bang.
Tuyên bố trên của ông Trump cũng được đưa ra sau cuộc họp với nhiều quan chức Lầu Năm Góc liên quan tới chương trình phát triển vũ khí phòng thủ.
Hầu hết kho vũ khí của Mỹ được xây dựng từ 25 đến 62 năm trước trong cuộc đua vũ khí với Liên Xô cũ trong đó, nhiều loại vũ khí đã được tân trang nhiều lần nhằm kéo dài tuổi thọ.
Ông Trumpg cũng đã gặp gỡ với các giám đốc điều hành của Tập đoàn Lockheed Martin và Boeing Co, hai nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ, về các dự án cao cấp mà ông cho rằng còn quá đắt đỏ.
Trong thập kỷ tới, các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ, máy bay ném bom và tên lửa trên đất liền - ba chân của bộ ba hạt nhân – được cho là sẽ “hết hạn”. Trong đó, việc duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí này sẽ mất tới khoảng 1 nghìn tỷ USD trong vòng 30 năm, theo ước tính của các tổ chức độc lập.
Đảo ngược chính sách hạt nhân
Nếu ông Trump và ông Putin đều muốn gia tăng các loại vũ khí hạt nhân, động thái sẽ chấm dứt “một cách hiệu quả” những nỗ lực kiểm soát vũ khí được tiến hành từ chính quyền Nixon, ông Joe Cirincione, chủ tịch Quỹ Ploughshares, một tổ chức hoạt động chống lại việc phổ biến vụ khí hạt nhân nhận định.
"Đây là cách các cuộc chạy đua vũ trang bắt đầu – khởi đầu từ cuộc chiến ngôn luận," Cirincione cho biết, và thúc giục ông Trump "thực hiện một thương vụ lớn nhất của cuộc đời mình" và đàm phán cắt giảm kho vũ khí hạt nhân với Nga.
"Không bên nào cần phải chi hàng trăm tỷ USD cho vũ khí hạt nhân, chúng ta không cần điều đó," Cirincione nói.
Hoa Kỳ là một trong năm quốc gia được phép có một kho vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, 4 nước khác là Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Bình luận "lố bịch" của Trump đã thất bại trong việc thể hiện một "chính sách răn đe hợp lý" và dấy lên nguy cơ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang với Nga và Trung Quốc, chuyên gia Miles Pomper, thuộc Trung tâm nghiên cứu về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt James Martin cho biết.
Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn để ngăn chặn vũ khí hạt nhân rơi vào tay kẻ xấu, hơn là tạo thêm nguyên liệu hạt nhân, Pomper nói với Reuters.
"Mở rộng kho vũ khí hạt nhân của chúng ta sẽ không giúp đỡ cho việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc ngăn chặn khủng bố hạt nhân." Pomper nói.
(Theo Reuters)