(Tổ Quốc) - Giữa thời điểm khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Phi đang đi vào đỉnh điểm, Bắc Kinh rất có thể trở thành người “thắng cuộc” lớn nhất.
Dưới thời Tổng thống Robert Mugabe, đối với Zimbabwe, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại và đồng minh ngoại giao lớn nhất. Hãng tin AP nhận định, giữa thời điểm khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Phi đang đi vào đỉnh điểm, Bắc Kinh rất có thể trở thành người “thắng cuộc” lớn nhất.
“Hậu trường” không nồng ấm như bên ngoài
Tổng thống Mugabe bắt đầu xích lại gần hơn với Trung Quốc với chính sách “Nhìn về phương Đông”, sau khi các nước phương Tây áp dụng trừng phạt dành cho Zimbabwe vào năm 2001. “Chúng tôi đã hướng Đông, nơi mặt trời mọc và quay lưng lại với phương Tây, nơi mặt trời lặn,” ông Mugabe từng tuyên bố.
Người đứng đầu Zimbabwe thường xuyên công du Bắc Kinh, gửi con gái đến học tại Hong Kong. Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết đối với lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về Zimbabwe.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu An ninh, Derek Matyszak, phía sau mối quan hệ bạn bè nồng ấm giữa Trung Quốc và Zimbabwe, “mọi việc lại có một chút khác biệt”.
“Quan hệ giữa Trung Quốc và ông Mugabe khá gợn sóng trong một năm rưỡi qua, và tình huống hiện tại đang khiến mọi việc trở nên tệ hơn,” ông Matyszak nói. Trung Quốc không hài lòng với cách Tổng thống Mugabe quản lý nền kinh tế Zimbabwe và dường như đang đặt nhiều niềm tin hơn vào người kế nhiệm ông Mugabe, Emmerson Mnangagwa.
Thường được nhìn nhận là một người theo chủ nghĩa kinh tế thực dụng, hôm Chủ nhật (19/11), ông Mnangagwa đã được bầu làm nhà lãnh đạo mới của đảng cầm quyền Zimbabwe và được chỉ định là người lãnh đạo tiếp theo của đất nước Châu Phi.
Quan hệ quân sự Trung Quốc - ZImbabwe
Hồi đầu tháng Mười một, Tổng Tư lệnh quân đội Zimbabwe, Tướng Constantino Chiwenga đã có chuyến thăm Bắc Kinh – cùng khoảng thời gian ông Mnangagwa đột nhiên “biến mất”. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, đây chỉ là một “hoạt động trao đổi quân sự thông thường”, nhưng thời điểm nhạy cảm của chuyến thăm đã làm dấy lên không ít ý kiến trái chiều.
Mối quan hệ quân sự Trung Quốc – Zimbabwe bắt đầu từ những năm 1960, khi Trung Quốc giúp đỡ huấn luyện và cung cấp hậu cần cho lực lượng Zanu trong cuộc chiến giành độc lập. Ông Mnangagwa, 75 tuổi, từng chịu huấn luyện quân sự tại Trung Quốc vào năm 1963. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp thiết bị quân sự chủ chốt cho Zimbabwe, bao gồm hệ thống radar, phi cơ huấn luyện và chiến đấu, súng AK-47…
Năm 2014, Đại học Quốc phòng do Trung Quốc xây dựng và tài trợ, đã được khánh thành tại thủ đô Harare. Là cơ sở đào tạo quân sự lớn nhất tại Zimbabwe, đây là nơi đào tạo và huấn luyện lực lượng binh sỹ, cảnh sát, tình báo… không chỉ của Zimbabwe mà còn cả các quốc gia Châu Phi khác.
“Tất nhiên Trung Quốc muốn Zimbabwe duy trì nền chính trị hòa bình và ổn định,” Wang Xinsong, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Zimbabwe của Đại học Sư phạm Bắc Kinh nhận định. “Lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc nằm ở chỗ đảm bảo một sự chuyển giao quyền lực hòa bình và thuận lợi tại Zimbabwe, mà không xảy ra bất kỳ xung đột lớn nào.”
![]() |
Sức hút từ người kế nhiệm
Việc thiếu một kế hoạch kế nhiệm rõ ràng của Tổng thống Mugabe, cũng như dự định quốc hữu hóa nền công nghiệp là các nguyên nhân chính dẫn đến nền chính trị bất ổn cho Zimbabwe – khiến các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng lo lắng. Theo một thống kê của Liên Hợp Quốc, FDI của Zimbabwe sụt giảm liên tục trong hai năm 2016 và 2017.
Các nhà phân tích cho rằng, một lý do chủ chốt khiến ông Mnangagwa giành được thiện cảm từ Bắc Kinh là ông dường như cởi mở hơn trong vấn đề đầu tư.
“Chúng ta phải biết rằng, đầu tư chỉ có thể xuất hiện tại những nơi có lợi nhuận,” ông Mnangagwa nói trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh năm 2015. “Vì vậy, chúng tôi phải đảm bảo rằng có thể tạo ra một môi trường mà các nhà đầu tư cảm thấy hài lòng khi đổ tiền vào, bởi vì họ sẽ có được lợi nhuận.”
“Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trở nên thận trọng hơn,” Zhang Chun, một chuyên gia về Châu Phi tại Học viện Ngoại giao Thượng Hải. “Những người chuẩn bị đầu tư tại đây, họ sẽ trì hoãn dự án của mình.”
Xung đột mỏ kim cương
Theo AP, việc Tổng thống Mugabe đột ngột muốn quốc hữu hóa các mỏ kim cương của Zimbabwe đã khiến Bắc Kinh không hài lòng. Hai công ty Trung Quốc Anjin Investments và Jinan Mining từ lâu đã hợp tác với quân đội và giữ những vai trò quan trọng trong mỏ kim cương Marange ở phía đông Zimbabwe.
Tuy nhiên, năm ngoái, ông Mugabe đòi thu hồi giấy phép của các công ty khai mỏ Trung Quốc và nước ngoài, đồng thời hợp nhất tất cả các hoạt động khai thác vào một công ty đơn nhất, do Chính phủ Zimbabwe sở hữu một nửa. Ông cáo buộc các công ty tư nhân đã không nộp đủ cho Chính phủ nước này số lợi nhuận mà họ đáng lẽ ra được hưởng: kể từ khi mỏ kim cương được phát hiện vào năm 2006, chính quyền Zimbabwe chỉ nhận được 2 tỷ USD thay vì 15 tỷ USD như mong đợi.
Chuyên gia Matyszak đánh giá, có thể ông Mnangagwa sẽ đảo ngược quyết định trên, khiến ông giành được sự ủng hộ từ cả quân đội Zimbabwe và phía Trung Quốc.
“Bóng dáng” Trung Quốc trong hạ tầng cơ sở của Zimbabwe
Trung Quốc đã giúp xây dựng và tài trợ cho một số dự án hạ tầng cơ sở lớn tại Zimbabwe, bao gồm cả tòa nhà Quốc hội mới hoàn thành tại Thủ đô Harare vào năm ngoái. Các công ty Trung Quốc cũng là bên thực hiện dự án mở rộng Sân bay quốc tế Thác Victoria trị giá lên tới 150 tỷ USD và nâng cấp tuyến đường cao tốc lớn nhất của nước này…
Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Zimbabwe vào năm 2015, nhiều hợp đồng lớn khác giữa hai nước cũng đã được công bố.
Quyền lực mềm chưa thực sự tương xứng
Trung Quốc và Zimbabwe cũng đã tiến gần nhau hơn trên nhiều phương diện khác, mặc dù kết quả đạt được cho mỗi bên chưa thực sự tương xứng.
Năm 2015, Zimbabwe bán 35 con voi cho các vườn thú tại Thượng Hải, Bắc Kinh và Hàng Châu. Tuy nhiên, thương vụ này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhóm bảo vệ động vật do lo ngại rằng, các con voi bị chia rẽ khỏi bầy đàn và có môi trường sống không đảm bảo.
Trong mắt người dân Zimbabwe, các sản phẩm từ Trung Quốc cũng không nhận được đánh giá cao, và thường đồng nghĩa với hàng hóa rẻ tiền và thứ cấp.
Gia đình Mugabe cũng từng dính vào một vụ kiện liên quan đến một khu bất động sản trị giá nhiều triệu USD tại Hong Kong. Cũng tại đây, vợ của ông Mugabe là bà Grace, bị cho là đã tấn công một phóng viên ảnh trong chuyến đi mua sắm vào năm 2009.
(Theo AP)