(Tổ Quốc) - Cuộc tập trận mới đây của Lực lượng viễn chinh chung do Anh dẫn đầu trên biển Baltic là lần triển khai quân lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh tại Baltic trong hơn 100 năm trở lại đây.
Phát biểu hôm thứ sáu (28/6) trước báo giới trên tàu HMS Albion tại Klaipeda, Lithuania – chỉ cách Kaliningrad (Nga) chưa đầy 50 km, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt khẳng định, cuộc tập trận mới đây của Lực lượng viễn chinh chung do Anh dẫn đầu trên biển Baltic là "lần triển khai quân lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh tại Baltic trong hơn 100 năm trở lại đây".
Theo bà Mordaunt, năm nay cuộc tập trận chung Chiến dịch người bảo vệ Baltic có sự tham gia của gần 4.000 binh lính và 44 tàu từ 9 quốc gia. Nó gửi đi một thông điệp "rõ ràng" tới Nga rằng, liên minh NATO đã sẵn sàng đối phó với một nước Nga đang ngày càng trở nên "mạnh bạo".
"Nga đang trở nên ngày càng mạnh bạo, chúng tôi nhận thấy họ đang triển khai thêm lực lượng và các vũ khí mới, và chúng tôi có thể tưởng tượng ra những kịch bản trong tương lai", Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói. "Vì vậy điều rất quan trọng là ngay tại đây chúng tôi đứng cạnh các đồng minh của mình".
(ảnh: Sputnik)
Moscow từng nhiều lần thể hiện quan ngại về các hành động của NATO. Năm nay, tổng chi tiêu quốc phòng của liên minh quân sự vượt qua 1.000 tỷ USD – một con số quá lớn so với ngân sách quốc phòng vỏn vẹn có 63,8 tỷ USD của Nga. Đặc biệt, NATO liên tục tăng cường hiện diện quân sự dọc theo các biên giới Nga tại khu vực Đông Âu.
Đề cập tới sự tham gia của Anh tại Biển Baltic, bà Mordaunt chia sẻ, điều này sẽ giúp Lực lượng Viễn chinh chung trở thành "một lực lượng có khả năng thích ứng cao, và có thể triển khai tới hơn 10.000 lính tại nhiều sứ mệnh khác nhau, độc lập hoặc là một phần của các chiến dịch NATO".
"Chúng tôi đã thay đổi ngân sách của mình để tập trung nhiều hơn vào khu vực", bà tiết lộ.
Bên cạnh việc tham gia vào Lực lượng Viễn chinh chung, Anh còn có mặt trong quân đoàn của NATO tại Estonia với 900 lính. Hồi đầu tháng, Anh cũng cử 120 lính và một trực thăng Apache tham gia tập trận Sói Thép tại Lithuania.
Năm 2019, NATO dự kiến tiến hành tổng số 102 cuộc tập trận chung, trong khi các thành viên lên kế hoạch tổ chức 208 cuộc tập trận riêng biệt hoặc đa quốc gia.
Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, NATO đã mở rộng hiện diện tại sườn đông châu Âu thông qua hợp tác với bốn nước từng là thành viên của Khối Warsaw, cũng như các nước Blatic và một số quốc gia tách ra từ Liên bang Nam tư. Động thái của NATO bị Nga chỉ trích là đã đi ngược lại những thỏa thuận với Moscow từ năm 1990 để đối lập việc Liên Xô ủng hộ nước Đức thống nhất. Bên cạnh việc NATO triển khai hàng nghìn binh lính và thường xuyên tập trận dọc biên giới Nga, Điện Kremlin cũng thể hiện quan ngại về việc lắp đặt các hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ tại Ba Lan và Romania vì cho rằng, chúng có thể dễ dàng được chuyển đổi phục vụ cho mục đích tấn công.