(Tổ Quốc) - Với tính chất phức tạp và khó đoán của virus corona mới, ngay cả những địa điểm từng được ca ngợi vì phản ứng nhanh chóng trước COVID-19, giờ đây cũng đang chứng kiến những ổ dịch mới bùng phát.
Là quốc gia có số người lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, Mỹ thường phải đối mặt với những chỉ trích vì cách tiếp cận trước đại dịch và không có những biện pháp chặt chẽ để kiềm chế lây lan. Tuy nhiên, với tính chất phức tạp và khó đoán của virus corona mới, ngay cả những nước từng được ca ngợi vì phản ứng nhanh chóng trước COVID-19, giờ đây cũng đang chứng kiến những ổ dịch mới bùng phát. Điều đó chứng tỏ việc kiểm soát được virus thường chỉ là tạm thời và các chính phủ cùng người dân không thể lơ là cảnh giác.
Hãy cùng điểm qua một số trường hợp đáng chú ý.
Hong Kong
Hồi tháng 1, Hong Kong nhận được nhiều lời khen cho các phản ứng nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát. Thành phố đã áp dụng một loạt các biện pháp như lập bản đồ lây nhiễm, giãn cách xã hội, khuyến khích rửa tay…
Vào tháng 3, chính quyền thậm chí còn hành động quyết liệt hơn nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai như cấm khách quốc tế nhập cảnh, dừng hoạt động sân bay và triển khai cách li nghiêm túc cũng như xét nghiệm người tới thành phố.
Trong nhiều tuần, số lượng ca nhiễm mỗi ngày giảm xuống một con số, thậm chí là 0. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực trên, từ ngày 7/6, Hong Kong bắt đầu phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm "thứ 3".
Hôm thứ 6 (24/7), thành phố xác nhận 123 ca nhiễm COVID-19 mới – mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ dịch bệnh bùng phát. Lần đầu tiên, quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang được thực thi, các cuộc tụ tập bị giới hạn từ 4 người trở xuống, các phòng tập gym bị đóng cửa và du khách tới Hong Kong phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính.
"Nếu mức tăng vẫn tiếp diễn, sẽ rất khó để kiểm soát tình hình", Tiến sỹ Chuang Shuk-kwan từ Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong cảnh báo.
Australia
Australia từng được coi là một "tiêu chuẩn vàng" trong công tác đối phó COVID-19.
Kể từ ngày ½, Australia bắt đầu đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài từng tới Trung Quốc và tới ngày 19/3, toàn bộ người không phải cư dân và người định cư tại Australia đều không được nhập cảnh nước này. Sau một loạt các biện pháp hạn chế được áp dụng, đã có lúc dịch bệnh được đánh giá là nằm trong tầm kiểm soát. Vào ngày 8/5, Thủ tướng Scott Morrison công bố kế hoạch tái mở cửa đất nước từ tháng 7 khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, Australia đã buộc phải phong tỏa 6,6 triệu người tại bang Victoria vào ngày 7/7 sau khi một ổ dịch bùng phát tại thành phố Melbourne. Lần đầu tiên, biên giới giữa hai bang đông dân nhất của Australia là Victoria và New South Wales bị đóng cửa, phong tỏa được tái áp dụng và đeo khẩu trang trở thành quy định bắt buộc… Người dân Melbourne và khu vực lân cận phải ở nhà và chỉ có thể ra ngoài vì một số lí do bất khả kháng.
Hôm thứ 4 (22/7), Victoria có thêm 403 ca nhiễm mới; nâng tổng số người nhiễm tại Australia lên hơn 13.000 ca và 140 ca tử vong.
Nhật Bản
Nhật Bản cũng từng được đánh giá là phản ứng hiệu quả trước COVID-19.
Ngày 25/5, Thủ tướng Shinzo Abe gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia và tuyên bố "chúng ta có thể chấm dứt dịch bệnh trong 1,5 tháng bằng cách riêng của Nhật Bản". Kinh doanh và các hoạt động xã hội dần được khôi phục; chính phủ thậm chí còn khởi xướng một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy du lịch nội địa.
Tuy nhiên, kể từ đó, số ca nhiễm bắt đầu gia tăng và hôm thứ 5 (23/7), Nhật Bản ghi nhận số người nhiễm mới trong ngày cao kỉ lục lên tới 981 bệnh nhân. 7 tỉnh với các thành phố lớn nhất đất nước đều có số ca nhiễm mới tăng kỷ lục.
Theo nghiên cứu mới tại Nhật Bản, nhiều cụm dịch bùng phát bên ngoài bệnh viện có thể xuất phát từ những người dưới 40 tuổi hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của các biện pháp như đeo khẩu trang… trong việc giảm tốc độ lây lan.
Israel
Trong nhiều tháng, Israel từng là một hình mẫu trong đối phó đại dịch thành công. Sớm áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới, Israel gần như đã kiểm soát được mức độ lây lan, từ đó có tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với các nước phương Tây khác.
Ngày 18/4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố, Israel đã chiến thắng trong cuộc chiến với COVID-19, từ đó thiết lập một ví dụ mang tính toàn cầu "trong bảo vệ cuộc sống và chặn đứng dịch bệnh bùng phát".
Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi tái mở cửa nhà hàng, trung tâm thương mại và bãi biển, Israel chứng kiến tỷ lệ gia tăng ca nhiễm COVID-19 gấp 50 lần – từ khoảng 20 ca mới mỗi ngày hồi giữa tháng 5 lên tới hơn 1.000 ca trong chưa đầy 2 tháng sau đó.
Đầu tháng 7, ông Netanyahu thông báo phòng gym, bể bơi, trung tâm sự kiện, quán rượu… sẽ phải đóng cửa vô thời hạn còn nhà hàng và nơi cầu nguyện hoạt động với giới hạn. Tuy nhiên, từ ngày 17/7, Israel tái áp dụng một loạt các hạn chế nghiêm khắc, đưa đất nước tới gần hơn phong tỏa hoàn toàn lần thứ 2. Hôm thứ 5, Israel lập kỷ lục số ca nhiễm mới là 1.819 ca chỉ trong vòng 24 giờ.
Tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến niềm tin của người dân Israel vào cách Thủ tướng Netanyahu đối phó với dịch bệnh, cũng sụt giảm nhanh chóng - từ 73% hồi giữa tháng 5 xuống còn 46%.
Cộng hòa Czech
Hôm 1/7, người dân tại thủ đô Prague, CH Czech đã đóng một chiếc bàn dài gần 500m và tổ chức một bữa tiệc tối khổng lồ nhằm "ăn mừng" đất nước kết thúc phong toả. Tuy nhiên, số ca nhiễm gia tăng khi dỡ bỏ hạn chế đã khiến chính quyền phải tái áp dụng một số biện pháp. Người dân giờ đây buộc phải đeo khẩu trang tại tất cả các sự kiện trong nhà có hơn 100 người tham dự kể từ ngày 25/7. Riêng tại Prague, mọi người phải đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế và trên các phương tiện công cộng.
Czech có khoảng 14.800 người nhiễm và 365 người tử vong vì COVID-19.