• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tưởng Nga, Trung "vượt mặt", Mỹ lật ngược tình thế với vũ khí siêu thanh đáng gờm nhất?

Thế giới 18/01/2019 14:28

(Tổ Quốc) - Trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh, Mỹ có thực sự đang tụt hậu so với Nga, Trung như những gì thể hiện bên ngoài?

Trang The Daily Beast nhận định, trong cuộc chạy đua phát triển kho vũ khí siêu thanh giữa ba cường quốc trên thế giới, các cuộc thử nghiệm của Nga và Trung Quốc thường gây tiếng vang lớn. Tuy nhiên, một nước Mỹ tỏ ra im ắng hơn nhiều, lại có khả năng đạt được những chuyển biến sâu rộng trong năng lực quân sự - hơn là hai đối thủ còn lại.

Ai có năng lực nhất trên đường đua siêu thanh?

Cuối tháng 12/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Avangard mới. Avangard thực chất là một thiết bị phóng trượt siêu thanh. Nó đẩy một tên lửa lên tầng khí quyển phía trên, sau đó tách rời và hướng về phía mục tiêu. Điện Kremlin cho biết, Avangard sẽ được trang bị đầu đạn hạt nhân và bắt đầu triển khai cùng với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ cũ vào năm 2019.

Tưởng Nga, Trung vượt mặt, Mỹ lật ngược tình thế với vũ khí siêu thanh đáng gờm nhất? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, là một hệ thống phóng mang đầu đạn hạt nhân, Avangard không thực sự mở rộng kho vũ khí của Nga. Bởi vì các tên lửa đạn đạo của Nga đã có thể tấn công các mục tiêu trên toàn thế giới ở các khoảng cách khác nhau, với tốc độ khiến ngay cả hàng phòng thủ tối tân nhất của Mỹ phải dè chừng.

Trong thực tế, tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối cũng đã đạt tới vận tốc siêu thanh. Avangard bay ở tầm thấp hơn trong khí quyển và có thể nhanh hơn tên lửa đạn đạo lúc mới phóng đi.

"Tôi không cho rằng hệ thống này đem lại bất kỳ khả năng nào mới mẻ mà các vũ khí hiện tại như tên lửa đạn đạo không có", Pavel Podvig, một chuyên gia về quân sự Nga đánh giá. Vì vậy, Avangard phần lớn chỉ mang tính trình diễn "chính trị" mà thôi, ông Podvig chỉ ra.

Tương tự, James Acton, một học giả từ Quỹ Carnegia vì hòa bình quốc tế tại Washington D.C cho rằng, một vũ khí siêu thanh có đầu đạn hạt nhân không nguy hiểm hơn một tên lửa đạn đạo. Theo ông, "điều khiến tôi lo ngại hơn lại là một hệ thống vũ khí thông thường có tầm rất xa".

Tôi không cho rằng Avangard đem lại bất kỳ khả năng nào mới mẻ mà các vũ khí hiện tại như tên lửa đạn đạo không có.

Pavel Podvig

Không giống như hạt nhân, vũ khí thông thường có thể được sử dụng một cách dễ dàng hơn. "Và nó mới là mối đe dọa thực sự cho nước Mỹ", ông Acton cảnh báo.

Trung Quốc, chứ không phải Nga mới đang thể hiện những bước tiến dài trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh phi hạt nhân. Tuy nhiên, ngay cả vũ khí mới của Trung Quốc cũng không đáng sợ như vẻ bề ngoài.

Một bức ảnh trên mạng ghi lại hình ảnh một tàu chiến Trung Quốc được trang bị súng điện từ (railgun) với đường đạn di chuyển ở tốc độ siêu thanh. Truyền thông Trung Quốc xác định, loại súng này đang trong thời gian thử nghiệm.

Đáng chú ý, từ năm 2012, Hải quân Mỹ đã phát triển súng điện từ. Mặc dù chưa chính thức ra mắt, nhưng đầu tháng 1/2019, giới chức Lầu Năm góc đã tiết lộ thông tin về một cuộc thử nghiệm siêu thanh của Hải quân Mỹ diễn ra vào mùa hè năm ngoái gần Hawaii. Tại đó, tàu khu trục Mỹ USS Dewey đã bắn thử 20 quả đạn siêu thanh từ khẩu pháo thông thường của mình. Bay xa và chính xác hơn, loại đạn pháo này về lý thuyết có thể nhắm trúng các tàu chiến, mục tiêu trên mặt đất, phi cơ, thậm chí là tên lửa.

Trọng tâm khác biệt của mỗi cường quốc

Nhìn bề ngoài, cuộc thử nghiệm trên của Mỹ có vẻ không gây chú ý nhất trong số các lần thử nghiệm vũ khí siêu thanh trên toàn cầu trong năm 2018. Nó không liên quan tới súng hay tên lửa mới, mà chỉ là một loại đạn pháo có tốc độ cực nhanh và phi hạt nhân.

Tuy nhiên, The Daily Beast đánh giá, Mỹ lại là nước có khả năng nhất trong việc phát triển rộng rãi một loại vũ khí mới với sức ảnh hưởng sâu rộng. Và nó cũng khẳng định lợi thế của Lầu Năm góc trước Nga và Trung Quốc trong cuộc chạy đua hạt nhân.

Trong khi Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đang phát triển nhiều vũ khí siêu thanh mới, vẫn có thể nhìn ra những hệ thống mà mỗi quốc gia ưu tiên.

Giới chuyên gia thường cho rằng Mỹ bị tụt hậu trong lĩnh vực này bởi vì Nga và Trung Quốc tiến hành thử nghiệm thường xuyên hơn. Điều đó đúng, nhưng ở nhiều phương diện, Mỹ đang ở một cuộc đua khác so với Nga và Trung Quốc.

James Acton

Nga tập trung vào những vũ khí siêu thanh thoạt nhìn ấn tượng nhưng giá trị sử dụng không thật sự cao và khó thay đổi cán cân quyền lực. Trung Quốc chọn theo đuổi những công nghệ cao tối tân nhất. Còn Mỹ, lại tập trung vào những vũ khí không "tinh tế" bằng, nhưng chắc chắn có thể triển khai một cách nhanh chóng và rộng khắp. Cùng lúc, Mỹ cũng hạn chế việc phát triển các thiết kế tham vọng cho tới khi nắm chắc về mặt công nghệ.

"Giới chuyên gia thường cho rằng Mỹ bị tụt hậu trong lĩnh vực này bởi vì Nga và Trung Quốc tiến hành thử nghiệm thường xuyên hơn", Acton phân tích. "Điều đó đúng, nhưng ở nhiều phương diện, Mỹ đang ở một cuộc đua khác so với Nga và Trung Quốc". Hữu ích và có khả năng mở rộng là những lợi thế chủ chốt của vũ khí Mỹ so với Trung Quốc và Nga.

Như Trung Quốc, nước này cần phải chế tạo những khẩu súng điện từ mới đắt đỏ cho các tàu và đơn vị pháo binh của mình. Trái ngược lại, Washington đơn giản chỉ cần trang bị cho hàng ngàn khẩu pháo đã có sẵn với đầu đạn siêu thanh.

"Chúng tôi từng nghĩ sẽ theo đuổi phát triển súng điện từ, nhưng hóa ra súng pháo thông thường cũng có thể bắn ra đạn ở cùng vận tốc bay gần giống với súng điện từ, mà đó là thứ chúng tôi có thể làm nhanh hơn nhiều", Robert Workd, Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Barack Obama đưa ra lời khuyên cho Tổng thống Donald Trump.

Còn William Roper, từng là người đứng đầu Văn phòng Năng lực chiến lược, vào năm 2016 đã phát biểu: "Chúng tôi có thể làm được một cuộc cách mạng với các loại súng thông thường; và đã chuyển trọng tâm theo hướng đó".

Để kết luận, những cuộc thử nghiệm và công nghệ thiết kế riêng của Nga và Trung Quốc có thể khiến họ trông giống như đang dẫn đầu cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh. Nhưng chính Mỹ, với quyết định hướng vào một loại vũ khí có thể triển khai nhanh và dễ dàng sử dụng trong chiến tranh phi hạt nhân – mới có thể là bên giành được lợi thế quân sự "đáng tiền" nhất.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ