(Tổ Quốc) - Giữa các căng thẳng Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) về hiệp ước đầu tư, chính phủ sắp tới của Mỹ có thể đang xem đây là đòn bẩy chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Mỹ - EU liên minh đối phó với các vấn đề Trung Quốc
"Mỹ đặt mục tiêu chấm dứt chiến tranh thương mại với đồng minh châu Âu và làm việc cùng với EU nhằm giải quyết các vấn đề thương mại với Trung Quốc", một quan chức cấp cao của chính quyền mới Tổng thống đắc cử Biden nói sau khi Bắc Kinh và Brussels ký kết thỏa thuận đầu tư lớn.
Ông Jake Sullivan – Cố vấn an ninh quốc gia sắp tới do Tổng thống Joe Biden chỉ định nói với hãng CNN hôm Chủ Nhật (3/1) rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ vẫn xem Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng với Washington. Theo ông Sullivan, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tìm ra các khác biệt kinh tế giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước đồng thời cùng nhau đối phó với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực từ thương mại và công nghệ đến quân sự và nhân quyền.
Giới quan sát đồn đoán việc Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đồng nghĩa với khả năng chính quyền ông Biden sẽ không chỉ gây áp lực kinh tế và thương mại với Bắc Kinh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác trong thời gian dài, trong đó không ngoại trừ khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
"Một khi chính quyền ông Biden xác định đối thủ cạnh tranh chiến lược thì sự tin tưởng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mang tính toàn diện và lâu dài không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà đó là sự ảnh hưởng toàn cầu. Vì vậy, chính quyền ông Biden sẽ không định hướng chiến lược ngắn hạn với Trung Quốc giống như Tổng thống Trump từng làm. Ông Biden cũng sẽ không xem Trung Quốc là thách thức mà sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác với Mỹ", ông Tang Xiaoyang – chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa cho hay.
Vào tháng 1/2018, chính quyền Tổng thống Trump từng áp dụng mức thuế 30-50% đối với hàng hóa nhập khẩu là các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt ở một số nước. Hai tháng sau đó, Mỹ tiếp tục áp dụng mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm. Đến tháng 1/6/2018, các mức áp thuế của Mỹ bắt đầu áp dụng với hàng hóa của châu Âu, Canada và Mexico. Sau đó, EU cũng đáp lại Mỹ bằng việc áp mức thuế đối với 180 loại hàng hóa của Mỹ trị giá hơn 3 tỷ đôla Mỹ.
"Mục tiêu của chúng ta [Mỹ-EU] là cùng ngồi xuống giải quyết các vấn đề không chỉ riêng với Trung Quốc mà còn tìm ra các khác biệt kinh tế mà Mỹ và EU đang phải đối mặt. Từ đó, chúng ta có thể chấm dứt chiến tranh thương mại do Mỹ bắt đầu trong chính quyền Tổng thống Trump", ông Sullivan nói trên CNN vào ngày Chủ Nhật.
Đòn bẩy trong chiến lược Mỹ
Các bình luận của ông Sullivan diễn ra ngay sau khi Trung Quốc và EU kết thúc đàm phán về thỏa thuận đầu tư toàn diện tuần trước. EU cho rằng thỏa thuận này là sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư EU bằng cách đặt ra nghĩa vụ rõ ràng đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đồng thời cấm chuyển giao công nghệ theo hình thức cưỡng bức hay vi phạm các hành vi xuyên tạc khác.
Tổng thống đắc cử Biden từng nhấn mạnh nỗ lực của Mỹ đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc và nhắc tới tính cần thiết của các liên minh mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh trên mặt trận thương mại. Ông Sillivan khẳng định Mỹ sẽ không đảo ngược mức áp thuế với hàng hóa Trung Quốc nhưng sẽ tham vấn với các đối tác châu Âu và châu Á nhằm tạo "đòn bẩy đối phó Trung Quốc liên quan đến hành vi căng thẳng thương mại gây rắc rối".
Liên quan đến Mỹ và các nền kinh tế cùng chí hướng, ông Sullivan lên tiếng: "Chúng ta hoàn toàn tự tin có thể xây dựng chương trình nghị sự chung giải quyết các vấn đề lo lắng về Trung Quốc. Đó không chỉ là vấn đề thương mại hay công nghệ mà còn là vấn đề nhân quyền và quân sự".
Kể từ sau kết quả bầu cử Mỹ, các quan chức EU đã kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn với Washington nhằm đối phó với vấn đề Trung Quốc. Ông Sullivan cho rằng ông Biden sẽ công nhận Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược với Mỹ và sẽ hợp tác với Trung Quốc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Zhao Minghao, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan cho biết chính quyền ông Biden sẽ không hề mong muốn "chiến tranh lạnh" với Trung Quốc.
"Điều đó có nghĩa Mỹ sẽ hướng tới việc cạnh tranh tích cực với Trung Quốc và hợp tác trong nhiều lĩnh vực vì lợi ích chung, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu", ông Zhao nhấn mạnh.
Theo nhà nghiên cứu, chính quyền ông Biden có thể nới lỏng các áp lực đối với một số doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc nhưng sẽ thắt chặt các nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ.
Ông Zhang Henglong – Phó Giám đốc VIện Ngoại giao công chúng thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – Đại học Thượng Hải dự đoán khả năng ông Biden sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước nhiều hơn các vấn đề nước ngoài.
"Thật sự khó để có thể đong đếm tiềm lực tài nguyên và năng lượng để Mỹ có thể đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Trung nhiều khả năng vẫn chưa thể xoa dịu sau khi ông Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ", ông Zhang lưu ý.