• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tương tác lợi ích Nga - Trung bất chấp trừng phạt mạnh tay của Mỹ

Thế giới 16/12/2020 16:59

(Tổ Quốc) - Theo tờ National Interest, chiến lược gây áp lực tối đa liên tục của Mỹ nhằm vào Tehran và Caracas đang tạo ra các cơ hội quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow.

Trong suốt 4 năm qua, các trừng phạt mạnh tay của Mỹ đã khiến Venezuela và Iran rơi vào trạng thái căng thẳng. Trong khi đó, cả Trung Quốc và Nga lại tìm cách khai thác triệt để các căng thẳng này thông qua việc hỗ trợ kinh tế, công nghệ tiên tiến và các chương trình đào tạo quân sự cho cả Caracas và Tehran bất chấp các trừng phạt của Mỹ.

Tương tác lợi ích Nga - Trung bất chấp trừng phạt mạnh tay của Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: EPA

Đại dịch Covid-19 đã giúp Bắc Kinh và Moscow gia tăng ảnh hưởng đối với các vấn đề trong nước của Venezuala hay Iran khiến cho cả hai nước này đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và Nga. Mặc dù các vướng mắc kinh tế gia tăng với Venezuala và Iran sẽ khiến Trung Quốc và Nga phải chịu nhiều khoản nợ tài chính nhưng chính điều đó cũng tạo đòn bẩy địa chính trị đối phó với Mỹ.

Tương tác Nga – Trung trong vấn đề Venezuela

Theo Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc, khoảng 1/3 tổng dân số Venezuala đang bị chịu nhiều rủi ro vì không đảm bảo an ninh lương thực. Trong khi các vấn đề siêu lạm phát và quản lý kém các quỹ quốc gia đã dẫn đến suy thoái kinh tế ở Venezuela thì các trừng phạt đơn phương của Mỹ cũng khiến cho tình hình nước này trở nên trầm trọng hơn. Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này gia tăng ảnh hưởng nước ngoài thông qua kênh tương tác hỗ trợ cho Venezuela. Từ tháng 4-12/2019, Trung Quốc đã tiếp trợ ít nhất 40% tổng lương thực nhập khẩu vào Venezuela cùng với số lượng lớn các vật tư y tế nhằm giải quyết vấn đề đại dịch đang diễn ra phức tạp tại nước này. Quan hệ Trung Quốc và Venezuela vẫn tiếp tục mở rộng thông qua lĩnh vực viện trợ nhân đạo và thương mại.

Cụ thể trong năm 2017, Caracas đã thuê tập đoàn công nghệ khổng lồ ZTE của Trung Quốc tạo ra một dạng thẻ thông minh nhận dạng mới nhằm theo dõi và kiểm soát hành vi công dân. ZTE đã điều phối chuyên gia sang Venezuela tham gia giám sát quản lý và chuyên môn cho nhân viên nước này. Mặc dù Bắc Kinh đã giảm hỗ trợ tài chính trong những năm gần đây nhưng nước này vẫn tiếp tục vi phạm các trừng phạt của Mỹ nhằm đạt được một số lợi ích nhất định.

Bên cạnh các hợp đồng kinh tế và quân sự, Nga cũng tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng việc tham gia nhiều hơn vào các vấn đề trong nội bộ Venezuela. Theo tờ National Interest, Moscow và Caracas gần đây cũng thể hiện quan hệ đồng minh tăng cường. Chỉ một ngày sau khi chiến thắng bầu cử Venezuela, ông Madurro đã liên lạc ngay với các quan chức Nga và cảm ơn sự tin tưởng và ủng hộ của ông Putin. Ông Maduro nhấn mạnh: "Nga là một ví dụ của sự tôn trọng và hợp tác".

Các tương tác qua lại giữa hai nước vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp các trừng phạt của Mỹ.

Vấn đề Iran trong quan hệ với Nga và Trung Quốc

Tương tự, Iran vẫn tiếp tục theo đuổi hợp tác với Trung Quốc và Nga bất chấp trừng phạt mạnh tay của Washington. Bắc Kinh vạch ra kế hoạch 25 năm với Tehran liên quan đến khoản đầu tư trị giá 280 tỷ đôla trong các lĩnh vực dầu, khí đốt và hóa dầu; nâng cấp 120 tỷ đôla cho cơ sở hạ tầng giao thông và sản xuất của Iran. Ngoài ra, Tehran hiện đã có một thỏa thuận quân sự chung với Moscow. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về con số đầu tư chính xác nhưng Iran cũng được cho là đã chấp thuận việc cho phép máy bay ném bom, máy bay chiến đầu và máy bay vận tải của Trung Quốc và Nga tiếp cận không hạn chế tại các căn cứ không quân của nước này. Tehran cũng đã tiến hành tham gia tập trận quân sự chung hàng năm với lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Nga. Bất kể là khía cạnh quân sự trong thỏa thuận này đúng hay sai và quá trình kéo dài trong bao lâu thì chắc chắn động thái này của Nga và Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới các trừng phạt của Mỹ và an ninh quốc gia Mỹ nói chung.

Trong khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tiếp vận các thiết bị y tế cho Iran giữa đại dịch thì Nga hỗ trợ tới 50.000 bộ dụng cụ chẩn đoán bệnh Covid-19 bất chấp các trừng phạt của Mỹ. Nga cũng tiếp tục hỗ trợ việc hộ tống các tàu chở dầu của Iran tới Syria và vận động các bên ký kết một thỏa thuận Iran khác nhằm hàn gắn quan hệ kinh tế với nước này. Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga cũng đã tìm kiếm nỗ lực an ninh hợp tác cùng với Iran, bao gồm các cuộc diễn tập hải quân chung ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman vào tháng 12/2019. Một khi các trừng phạt mạnh tay của Mỹ cản trở khả năng phục hồi kinh tế của Iran thì cũng là lúc Tehran tìm cách duy trì kinh tế thông qua kênh hợp tác với Bắc Kinh và Moscow để tồn tại.

Theo Emily Jin - trợ lý nghiên cứu trong Chương trình Năng lượng, Kinh tế và An ninh tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (CNAS), áp lực 4 năm qua của chính quyền Mỹ vẫn không khiến Iran thay đổi hành vi. Mỹ ắt hẳn phải cân nhắc đến chính sách thay đổi để đạt được mục tiêu chính sách ngoại giao với Iran và Caracas. Chính quyền ông Biden chắc chắn phải suy nghĩ tới điều này trong chính sách với Iran sau khi vào Nhà Trắng.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ