• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Tuyên bố khẩn" về môi trường và hậu quả thảm khốc từ hơn 11.000 nhà khoa học toàn cầu

Thế giới 06/11/2019 10:08

(Tổ Quốc) - Mới đây Liên minh các khoa học gia thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường.

Một báo cáo mới công bố hôm thứ ba (5/11) của Quỹ Sinh thái toàn cầu chỉ ra, hầu hết các kế hoạch quốc gia theo Hiệp định khí hậu Paris đều không đủ để làm chậm lại những thay đổi của khí hậu.

Cụ thể hơn, gần ¾ trong số 184 cam kết mà các nước đưa ra nhằm giảm lượng khí thải nhà kính, chưa chứng tỏ được quyết tâm cần thiết. Theo báo cáo, chỉ có 28 thành viên EU và 7 quốc gia bao gồm Iceland, Liechtenstein, Moldova, Monaco, Na Uy, Thụy Sỵ và Ukraine - cam kết giảm khí thải xuống 40% vào năm 2030.

"Tuyên bố khẩn" về môi trường và hậu quả thảm khốc từ hơn 11.000 nhà khoa học toàn cầu - Ảnh 1.

Môi trường toàn cầu đang đứng trước nhiều nguy cơ (ảnh: SCMP)

Cũng trong ngày 5/11, hơn 11.000 nhà khoa học từ 153 nước đã tuyên bố một tình trạng khẩn cấp khí hậu. Theo họ, nếu không có các hành động kịp thời thì tình trạng hiện tại có thể đem tới những hậu quả nặng nề "chưa từng được biết tới".

"Giới khoa học có nghĩa vụ phải cảnh báo rõ ràng tới nhân loại về bất kỳ nguy cơ nào đang tồn tại", các nhà khoa học tham gia khẳng định trong một bài viết xuất bản trên tạp chí Bioscience Magazine.

"Mặc dù quá trình đàm phán liên quan tới khí hậu toàn cầu đã kéo dài 40 năm, chúng ta nhìn chung vẫn tiến hành mọi việc như thường ngày và hầu như thất bại trong việc giải quyết điều đã được cảnh báo này", các nhà khoa học nhấn mạnh.

Họ cũng đề xuất sáu bước để giảm các hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu: thay thế nhiên liệu hóa thạch với các nhiên liệu có thể làm mới được có lượng carbon thấp; giảm lượng khí thải ô nhiễm; bảo vệ hệ sinh thái của Trái đất; tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc chủ yếu từ thực vật và giảm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật; kiến tạo nền kinh tế không carbon; và ổn định dân số thế giới.

"Trong vai trò Liên minh các khoa học gia thế giới, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho những người đưa ra quyết định trong việc tiến tới một tương lai bền vững và công bằng", bài báo kết luận, đồng thời kêu gọi nhân loại nên "hành động để duy trì cuộc sống trên hành tinh Trái đất, ngôi nhà duy nhất của chúng ta".

Theo Hiệp định khí hậu Paris, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặt ra mục tiêu giới hạn hiện tượng ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C nhằm ngăn chặn các hậu quả thảm khốc như sốc nhiệt và hạn hán, mưa cực đoan và nước biển dân cao…

"Các cam kết quá ít ỏi và quá muộn", ông Robert Watson, cựu chủ tịch của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu nói. "Ngay cả nếu tất cả các cam kết môi trường được tự nguyện thực hiện toàn bộ, chúng chỉ giải quyết được chưa đầy một nửa những gì cần làm để giới hạn sự thay đổi đang ngày càng gia tăng của môi trường trong thập kỷ tới".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ