(Tổ Quốc) - Sáng nay (12/10), Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND huyện Na Hang tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ và Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch huyện Na Hang.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ cho các huyện trong tỉnh.
Dự buổi lễ có lãnh đạo Cục Di sản – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Tuyên Quang và huyện Na Hang.
Tại buổi lễ này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang cho biết, việc công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa lớn trong việc tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc.
Sự kiện này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đối với những nỗ lực đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.
Một trong những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng tại buổi lễ.
Cũng tại buổi lễ này, Bí thư Huyện ủy Na Hang Hoàng Anh Cương khẳng định, huyện sẽ xây dựng chương trình để giữ gìn và phát huy di sản trên địa bàn nhằm góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Được biết, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch huyện sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Đua mảng; biểu diễn dù lượn; tham quan mùa vàng ruộng bậc thang; thi đấu thể thao; Liên hoan Nghệ thuật hát Then - đàn Tính huyện Na Hang lần thứ II năm 2019; trình diễn trang phục các dân tộc và nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ; tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng nông sản và các nông cụ, văn hóa dân tộc thiểu số đặc trưng của huyện.
Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo và riêng biệt về văn hóa của người Dao Đỏ là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí trên trang phục. Nghệ thuật trang trí quyết định giá trị của bộ trang phục, là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa trang phục và rộng hơn là trong văn hóa tộc người, nó trở thành phương tiện để biểu hiện nội tâm, biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người sáng tạo, người sử dụng, kể cả ở góc độ cá nhân hay cao hơn là tập quán của cộng đồng.
Người Dao Đỏ đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình nếp sống cộng đồng thông qua nghệ thuật trang trí tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mĩ dân gian, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú. Trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ là một trong những trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở Tuyên Quang.