(Tổ Quốc) - Mạng xã hội Twitter lần đầu tiên đã khuyến khích người sử dụng kiểm tra tính xác thực trong những cập nhật của Tổng thống Donald Trump
Reuters đăng tải, hôm thứ 3 (26/5), mạng xã hội Twitter lần đầu tiên đã khuyến khích người sử dụng kiểm tra tính xác thực trong những cập nhật của Tổng thống Donald Trump. Twitter cảnh báo, tuyên bố của ông Trump về việc bỏ phiếu qua thư là sai và đã được những người kiểm chứng sự thật phát hiện ra.
Động thái trên đánh dấu sự thay đổi kịch tính của Twitter sau nhiều năm thực thi các chính sách khá dễ dãi liên quan tới nội dung do người dùng đăng tải. Twitter cũng là một trong những công cụ chính để Tổng thống Trump truyền tải những thông điệp chính trị của mình.
Trước những chỉ trích về cách tiếp cận lỏng lẻo làm nảy sinh tình trạng tài khoản ảo, thông tin giả, lạm dụng thông tin…, Twitter đã phải dần thắt chặt các chính sách của mình.
Trong một tweet đáp trả, ông Trump cáo buộc Twitter can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2020. "Twitter đã hoàn toàn dập tắt TỰ DO NGÔN LUẬN, và tôi, là một Tổng thống sẽ không cho phép điều dó xảy ra", người đứng đầu nước Mỹ tuyên bố.
Ông Trump hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter. Tại một số tweet trước đó cùng ngày, ông cho rằng, bỏ phiếu qua thư là "về cơ bản là gian lận" và dẫn tới một cuộc bỏ phiếu "bị thao túng". Ông cũng chỉ trích thị trưởng California về vấn đề này, mặc dù California không phải là bang duy nhất triển khai bỏ phiếu qua thư.
Một vài giờ sau đó, Twitter cho xuất hiện dấu cảnh báo dưới các tweet trên và khuyến khích người đọc "tìm các sự thực về bỏ phiếu qua mail", đồng thời dẫn họ tới một trang bao gồm các thông tin liên quan tới các tuyên bố của ông Trump do nhân viên của Twitter tập hợp lại.
Phía trên đầu trang cũng xuất hiện tiêu đề, "ông Trump đưa ra nhận định không thực chất rằng bỏ phiếu qua mail dẫn tới cử tri gian lận" và đi kèm với nó là mục "những gì bạn cần phải biết".
Tổng thống Trump cũng đăng tải nội dung tương tự về bỏ phiếu qua mail trên trang Facebook. Cập nhật này nhận được 170.000 phản ứng và được chia sẻ 17.000 lần. Mặc dù chính sách của Facebook là gỡ bỏ các nội dung có thể làm ảnh hưởng tới các biện pháp bỏ phiếu hoặc cử tri đăng ký bỏ phiếu, nhưng bài đăng của ông Trump lại vẫn được giữ nguyên.
"Chúng tôi tin tưởng rằng mọi người nên được phép tranh luận thoải mái về quy trình bầu cử, vì vậy chúng tôi đã soạn thảo các chính sách tập trung vào những xuyên tạc có thể can thiệp vào việc bầu cử", một phát ngôn viên của Facebook nói với hãng tin Reuters.
Trong khi đó theo Twitter, việc áp dụng nhãn kiểm tra thực tế vào các tweet của tổng thống Mỹ là hành động mở rộng chính sách "thông tin sai lệch" mới mà công ty đã công bố hồi đầu tháng nhằm đối phó với tình trạng thông tin sai lệch về COVID-19.