(Tổ Quốc) - Công nghệ trong giáo dục có thể được khái quát hóa gồm công nghệ giáo dục, công nghệ thông tin và công nghệ quản lý. Đây là nền tảng công nghệ để các trường phát triển và làm tốt vai trò dẫn dắt xã hội của mình.
- 26.06.2019 ĐH Đông Á tạo dựng cơ hội cuộc đời cho sinh viên
- 25.01.2019 Thành phố của Nhật hợp tác tạo việc làm cho sinh viên ĐH Đông Á
- 09.12.2017 ĐH Đông Á và Tập đoàn Empire Inc Holdings ký kết chương trình học bổng thạc sĩ e-MBA
- 17.11.2017 Hơn 2 tỷ đồng học bổng khuyến tài và khuyến học dành cho sinh viên ĐH Đông Á Đà Nẵng
- 03.11.2017 Nhận bằng MBA Hoa Kỳ với chương trình liên kết tại ĐH Đông Á
Ngày 31/10, tại trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), Câu lạc bộ các trường ĐH,CĐ NCL (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học, cao đẳng".
Tham dự Hội thảo có PGS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội, TS. Lê Trường Tùng – Chủ nhiệm CLB các trường ĐH,CĐ NCL cùng hơn 50 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, ban giám hiệu các trường ĐH,CĐ NCL trong cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam bày tỏ kỳ vọng Hội thảo sẽ là "vết dầu loang" trong khối các trường ĐH,CĐ nói chung về cập nhật, phát triển những giải pháp đưa công nghệ vào trong hoạt động giáo dục đại học.
TS. Lê Trường Tùng – Chủ nhiệm CLB các trường ĐH,CĐ NCL chia sẻ: "Công nghệ trong giáo dục có thể được khái quát hóa gồm công nghệ giáo dục, công nghệ thông tin và công nghệ quản lý. Đây là nền tảng công nghệ để các trường phát triển và làm tốt vai trò dẫn dắt xã hội của mình.
Thời điểm hiện nay đang là thời điểm của những chuyển đổi hết sức lớn, trong đó có chuyển đổi về giáo dục đại học. Cách mạng công nghệ số, chuyển đổi số ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội và tất cả các lĩnh vực đều đứng trước thách thức cần phải thay đổi. Nếu vẽ một đồ thị để biểu diễn sự thay đổi, phát triển của giáo dục so với các lĩnh vực KTXH khác thì trong suốt một thời gian dài, KTXH luôn đi sớm hơn giáo dục. Nhưng với việc chuyển đổi số thì có thể bức tranh sẽ thay đổi lại. Đây cũng vừa là cơ hội để hệ thống giáo dục áp dụng công nghệ để hi vọng vào những thay đổi hết sức nhanh chóng, và cũng là trách nhiệm để giáo dục giành lại vị thế dẫn dắt XH của mình chứ không còn chạy theo và thu mình trong "tháp ngà", bằng lòng với những thành tựu mang tính tinh hoa như ngày trước.
Với việc ra đời của Luật GDĐH có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, trong đó nhấn mạnh vai trò của tự chủ trong giáo dục đại học. Trong việc tự chủ về học thuật, đến nay các trường ĐH,CĐ được quyền quyết định dạy cái gì, dạy như thế nào và việc thay đổi công nghệ sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng, thậm chí nâng cao năng suất dạy và học,...".
Thảo luận tại chương trình, TS. Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cho rằng: "Nguồn nhân lực trong tương lai sẽ đa năng hơn. Sự biến chuyển của công nghệ là không ngừng nên họ cũng cần "thái độ số", đó là luôn tìm hiểu và cởi mở, khả năng thích ứng và sẵn sàng thay đổi".
Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đại học cũng đã chia sẻ thêm nhiều giải pháp nâng cao năng lực tự học online, các giải pháp kỹ thuật tích hợp công nghệ AI, máy học,... khai phá dữ liệu nhằm giải các bài toán về dự báo trong giáo dục đại học, chuẩn hóa quy trình vận hành trong hoạt động giáo dục đại học phù hợp xu thế số hóa của cuộc CMCN 4.0.
Sáng cùng ngày, cũng tại trường Đại học Đông Á, Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển chương trình đào tạo du lịch phù hợp cơ chế đặc thù tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam".
"Hội thảo mang lại nhiều ý nghĩa cho các trường đào tạo ngành du lịch trong nối kết, thúc đẩy phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường một cách chặt chẽ hơn, giúp đào tạo sinh viên thật sát thực tiễn và yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp thực tế từ doanh nghiệp.", ThS. Lương Minh Sâm – Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Á chia sẻ tại Hội thảo.