• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

UNICEF cảnh báo hệ lụy nghiêm trọng từ nắng nóng tới trẻ em ở Nam Á

Thế giới 07/08/2023 20:50

(Tổ Quốc) - Sức khỏe của gần nửa tỷ trẻ em ở Nam Á đang bị đe dọa khi các em phải đối mặt với ngày càng nhiều đợt nắng nóng có nhiệt độ tăng mạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Hai, UNICEF cho biết phân tích dữ liệu năm 2020 của họ cho thấy ước tính có khoảng 460 triệu trẻ em ở các quốc gia bao gồm Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan đã phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao (vượt quá 35 độ C (95 độ F) trong 83 ngày/ năm. Số liệu này cho thấy thời tiết ở khu vực Nam châu Á là là khắc nghiệt nhất và mang lại hệ lụy nặng nề nhất đối với sức khỏe của những người dưới 18 tuổi.

Cảnh báo lớn về sức khỏe trẻ em giữa nắng nóng

Phân tích của UNICEF cũng cho thấy, so với 32% trẻ em trên toàn cầu phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao thì con số này ở Nam Á cao hơn gấp đôi, lên tới 76%.

Ông Sanjay Wijesekera, Giám đốc khu vực Nam Á của UNICEF cho biết: "Hiện tại, sức nóng ở các quốc gia trong khu vực này đang kéo theo nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng của hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, trẻ suy dinh dưỡng và phụ nữ mang thai vì họ dễ bị say nắng và chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác."

UNICEF cảnh báo hệ lụy nghiêm trọng từ nắng nóng tới trẻ em ở Nam Á - Ảnh 1.

Trẻ em ở Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ nhiệt độ tăng cao. Ảnh: CNN/Getty.

Vào tháng 6 vừa qua, nhiệt độ ở một số vùng của Ấn Độ tăng vọt lên 47 độ C (116 độ F), khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hàng trăm người mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao.

Một số thành phố ở Pakistan cũng ghi nhận mức nhiệt độ cao tương tự trong cùng khoảng thời gian. Tình trạng này gây nên nhiều lo ngại, đặc biệt là đối với những người lao động phải làm việc ngoài trời nhiều giờ và đối với những người dân nghèo không có hoặc có rất ít lựa chọn làm mát.

UNICEF cho biết, ở các vùng thuộc tỉnh Sindh phía nam của Pakistan, khoảng 1,8 triệu người đã phải tiếp xúc với nhiệt độ từ 40 độ C (104 độ F) trở lên. Tình cảnh này dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe, cả về ngắn hạn và dài hạn, bao gồm mất nước và suy nội tạng.

UNICEF cũng cảnh báo hệ lụy sẽ trở nên trầm trọng hơn đối với trẻ em vì chúng không thể nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ như vậy. Có nhiều rủi ro có thể đe dọa đến tính mạng các em, từ ngất xỉu, kém phát triển trí tuệ đến rối loạn chức năng thần kinh, co giật và các bệnh tim mạch.

UNICEF cho biết phụ nữ mang thai cũng đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ cao và có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

Nắng nóng kéo dài và thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên thường xuyên hơn

Các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu sẽ khiến những đợt nắng nóng trở nên thường xuyên hơn và kéo dài hơn trong tương lai, do đó, cũng thử thách khả năng thích ứng của nhiều khu vực, trong đó có Nam Á.

Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ dân, thường trải qua các đợt nắng nóng trong các tháng hè 5 và 6. Nhưng những năm gần đây, chúng đến sớm hơn và kéo dài hơn.

Tháng 4/2022, Ấn Độ trải qua một đợt nắng nóng khiến nhiệt độ ở thủ đô New Delhi vượt quá 40 độ C trong bảy ngày liên tiếp. Ở một số bang, nắng nóng khiến trường học phải đóng cửa, mùa màng bị hư hại và gây áp lực lên nguồn cung cấp năng lượng. Các quan chức cũng cảnh báo người dân ở trong nhà và giữ đủ nước.

Các chuyên gia cũng cảnh báo mối đe dọa mà Afghanistan phải đối mặt là đặc biệt nghiêm trọng. Không chỉ là nơi có khả năng chịu mức nhiệt cao kỷ lục, các tác động đối với nước này còn phức tạp hơn do nhiều vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng khác.

Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt cũng kéo theo nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của ở hàng loạt khu vực lân cận khác.

Lũ lụt do mưa gió mùa kỷ lục và băng tan ở Pakistan đã nhấn chìm một phần ba diện tích nước này vào năm ngoái, khiến gần 1.600 người, hơn một phần ba trong số đó là trẻ em, thiệt mạng.

Trong khi nước cuốn trôi nhà cửa và phá hủy làng mạc, những căn bệnh liên quan đến nước cũng bắt đầu lây nhiễm cho trẻ em, gây ra một thảm họa mới ở quốc gia 230 triệu dân này.

Trong báo cáo của mình, UNICEF cảnh báo rằng trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ là những người phải trả giá đắt nhất cho các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ông Wijesekera nói: "Trẻ nhỏ không thể chịu được cái nóng. Trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ, nếu không thì những đứa trẻ này sẽ tiếp tục gánh chịu hệ lụy của những đợt nắng nóng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn trong những năm tới. Trong khi tất cả điều này không phải do lỗi của chúng."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ