(Tổ Quốc) - Sau thời gian dài “ngủ đông” do đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch đang từng bước khởi động trở lại với những phương án, sản phẩm, điểm đến phù hợp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là mở cửa từng bước, không ồ ạt, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc (Kiên Giang) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện, một số địa phương cũng đang khẩn trương chuẩn bị phương án cụ thể, chi tiết nhằm vực dậy ngành du lịch của địa phương mình như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh); các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu)...
Việc tái khởi động kích cầu du lịch nội địa được coi là giải pháp thiết thực nhằm phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài "đóng băng". Đây được xem là một chủ trương kịp thời, giúp các địa phương có điểm tham quan, các vùng du lịch trọng điểm trên cả nước thích ứng với yêu cầu mới trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.
Cùng với kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mở hướng kích cầu du lịch dịp cuối năm và nắm bắt được thời cơ vực dậy ngành du lịch, nhiều địa phương, doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…đã tổ chức giới thiệu các phương án, chương trình, tour du lịch, các điểm đến để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi.
Đến thời điểm trung tuần tháng 9, tỉnh Khánh Hòa cơ bản đã xây dựng xong phương án thí điểm đón khách theo từng giai đoạn trình UBND tỉnh xem xét, trong đó giai đoạn đầu là đón khách du lịch nội địa từ các vùng không có dịch đến Khánh Hòa với điều kiện là đã tiêm đủ 2 mũi vaccine với giấy chứng nhận âm tính đi kèm trong vòng 72 giờ. Bước tiếp theo, đón du khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine" bằng các chuyến bay charter đến Khánh Hòa khi có sự chấp thuận của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Quan điểm của Khánh Hòa là chỉ thí điểm trong phạm vi nhỏ, ít ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương và đời sống người dân. Tỉnh sẽ ưu tiên nhóm khách nghỉ dưỡng biển, sử dụng dịch vụ du lịch khép kín tại các khu du lịch, chơi golf, ít di chuyển... như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort ở phía bắc bán đảo Cam Ranh (Bãi Dài). Đây là cụm du lịch, nghỉ dưỡng nằm cách xa khu dân cư, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, dễ dàng kiểm soát, bảo đảm an toàn cho du khách.
Tỉnh Quảng Ninh thí điểm mở lại hoạt động các điểm du lịch, dịch vụ, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời duy trì nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương. Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp du lịch và các điểm, khu du lịch phải xây dựng quy trình đưa, đón khách tham quan đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế và các quy trình, biện pháp phòng dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.
Đáng chú ý, tại 4 huyện "vùng xanh" của Bà Rịa - Vũng Tàu là Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo, tỉnh cho phép thí điểm đón khách du lịch nội địa với dịch vụ "khép kín" gồm khu phức hợp Hồ Tràm Strips, khách sạn Melia Hồ Tràm, khu du lịch suối nước nóng Bình Châu và khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo.
Huyện Cần Giờ, một trong những "vùng xanh" của Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch đón khách du lịch vào cuối tháng 9/2021, giới thiệu thí điểm sản phẩm tour tuyến được thiết kế khép kín từ cung đường đến hành trình và điểm đến.
Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, khi tái hoạt động trở lại, huyện Cần Giờ phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, có thể khoanh vùng, tập trung và bảo vệ an toàn cho du khách, cũng như người dân địa phương.
Tuy nhiên, không khỏi lo ngại, trong điều kiện hoạt động du lịch phải đóng băng suốt thời gian dài vì dịch bệnh, khi được mở cửa trở lại (dù là thí điểm), rất dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, vì lợi nhuận mà xem nhẹ các quy định về phòng chống dịch. Để tạo môi trường du lịch thật sự an toàn cho du khách trong bối cảnh dịch bệnh, đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ, kiên quyết, sự sâu sát, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp chính quyền cũng như sự hợp tác tích cực, trách nhiệm cao của các doanh nghiệp du lịch cũng như người dân ở các điểm đến.
Yêu cầu đặt ra là cùng với việc chú trọng nâng cấp chất lượng dịch vụ, những nơi thí điểm tái hoạt động trở lại du lịch, phải có kế hoạch chi tiết về các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách trước dịch COVID-19. Đây là đòi hỏi, cũng là điều kiện tiên quyết đặt ra đối với hoạt động du lịch ở thời điểm này. Muốn làm được điều này, thì nỗ lực của riêng ngành du lịch, một doanh nghiệp lữ hành, một địa phương thôi chưa đủ. Nó đòi hỏi sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch, giữa các địa phương và cả khách du lịch trong phòng chống dịch bệnh. Một công ty lữ hành hay một địa phương… không thể cam kết cho một chuyến đi an toàn đối với du khách, bởi du lịch là sản phẩm liên ngành, liên vùng, có tính đặc thù, với nhiều loại hình dịch vụ, có điểm đi điểm đến, bởi vậy đòi hỏi trách nhiệm rất cao không chỉ của một đơn vị, một địa phương hay một ngành đơn lẻ. Bởi chỉ cần một địa phương làm không tốt, để xảy ra sơ suất, gây bùng phát dịch bệnh thì sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các địa phương khách mà còn phải chịu trách nhiệm với toàn ngành du lịch của cả nước.
Vấn đề đặt ra đối với các địa phương, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tham gia hoạt động du lịch ở thời điểm này là cần thể hiện trách nhiệm của mình qua những hành động, việc làm cụ thể, xuất phát từ trách nhiệm với cộng đồng, không vì cái lợi trước mắt, cục bộ. Chỉ với sự vào cuộc tích cực, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa chính quyền địa phương, ngành y tế, cơ sở kinh doanh du lịch… thì mới tạo ra sản phẩm du lịch và môi trường an toàn cho du khách. Nói cách khác, địa phương nào thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì công tác phòng chống dịch bệnh, trật tự an ninh được bảo đảm…, thì chắc chắn địa phương đó sẽ để lại ấn tượng và trở thành điểm đến cuốn hút du khách./.