(Tổ Quốc)-Nhân chuyện xuất khẩu vải thiều năm 2019, nhớ giai thoại xưa.
Dương Quý Phi (719-756), còn gọi là Dương Ngọc Hoàn, là sủng phi của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Người đẹp này được xếp vào một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Người đời ví von rằng, sắc đẹp của Dương Quý Phi khiến hoa thu mình lại vì thẹn, gọi là "tu hoa".
Dương Quý Phi tổ tiên là người Thiểm Tây, đầu thời Đường, gia đình chuyển về Tứ Xuyên. Dương Thị sinh ra ở Thành Đô. 10 tuổi cha mẹ mất mới chuyển đến Lạc Dương sống với bác ruột. 14 tuổi được tuyển làm chính phi của Thọ Vương Mạo, gọi là Vương phi. Năm 22 tuổi, Dương thị được Đường Huyền Tông đưa vào cung, từ con dâu mà thành vợ vua, được phong Quý phi. Dương thị ăn vải thành quen có thể từ hồi ở Tứ Xuyên vậy.
Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông những ngày yên vui.
Nguyên là, ở tỉnh Tứ Xuyên cũng có những vùng trồng vải khá nổi tiếng. Nhưng Tô Thức (1037-1101), nhà thơ nổi tiếng thời Tống, cũng sinh ra ở Tứ Xuyên, vẫn phải khen vải Lĩnh Nam là ngon ngọt. Khi làm quan ở Quảng Đông, đã sáng tác bài thơ "Thực lệ chi" (Ăn quả vải):
La Phù sơn hạ tứ thời xuân.
Lư quất dương mai thứ đệ tân
Nhật đạm lệ chi tam bách khoả,
Bất từ trường tác Lĩnh Nam nhân.
(Tạm dịch:
Dưới núi La Phù, xuân suốt năm,
Quả ngọt luân phiên, tha hồ ăn.
Ngày xơi vải ngon ba trăm quả,
Chẳng ngại biến thành người Lĩnh Nam).
Đường Huyền Tông vì mê đắm sắc đẹp của vương phi này mà bỏ bê triều chính. Những ân sủng mà Đường Huyền Tông dành cho Dương Quý phi kéo theo những yến tiệc thâu đêm suốt sáng, như một giấc mơ kéo dài. Bạch Cư Dị thời Đường đã miêu tả trong bài thơ Trường Hận Ca:
Thừa hoan thị yến vô nhàn hạ,
Xuân tùng xuân du dạ chuyên dạ.
Hậu cung giai lệ tam thiên nhân,
Tam thiên sũng ái tại nhất thân.
(Tản Đà dịch:
Suốt ngày tháng tiếc hoa vui mãi,
Đêm xuân tàn xuân lại còn đêm.
Ba nghìn xinh đẹp chị em,
Ba nghìn yêu quí chất nêm một mình).
Cùng với việc sủng ái Dương Quý phi, Huyền Tông bỏ bê triều chính, mặc cho gian thần và người nhà của Dương Quý phi lộng hành, ngân khố cạn kiệt, bóc lột vơ vét thậm tệ, thậm chí người dân phải nộp 30 năm thuế trong một lần.
An Lộc Sơn là người Đột Quyết, được Dương Quý Phi nhận làm "dưỡng tử", được Huyền Tông tin cậy phong tiết độ sứ tam trấn, nắm toàn bộ vùng đông bắc Trung Quốc, tổng binh mã một phần ba quân số nhà Đường.
Năm 755, An Lộc Sơn phát động cuộc phiến loạn, chiếm Trường An, buộc Huyền Tông phải phải tháo chạy khỏi kinh đô. Tại gò Mã Ngôi, binh sĩ nổi loạn, ép Huyền Tông phải giết Dương Quý Phi. Sau này Hoàng Minh Đường tìm không thấy xác Quý Phi, xây cho bà một ngôi mộ gió tại gò Mã Ngôi.
Mộ gió của Dương Quý Phi ở gò Mã Ngôi.
Quý phi thích ăn vải phương Nam
Dương Quý Phi thích ăn vải từ lâu đã thành giai thoại nổi tiếng lịch sử Trung Quốc. Để làm vừa lòng Dương Quý phi, Đường Huyền tông đã ra lệnh lập ra con đường "cống đạo" chạy dài mấy nghìn dặm từ Lĩnh Nam tới Trường An. Đây chính là con đường "dịch trạm" – một phương thức tuyền tin nhanh hình thành từ thời Tây Hán để liên lạc từ phương Nam lên kinh đô ở phương Bắc (khoảng mười dặm để một trạm ngựa, năm dặm một nơi nghỉ). Thời Đường, nếu chỉ để chuyển tin tức, một ngày có thể đi năm trăm dặm. Có lẽ vải Lĩnh Nam và Giao Chỉ đã theo dịch trạm mà chuyển về Trường An để Dương Quý phi thưởng thức. Người lẫn ngựa đã phải vượt hàng nghìn dặm để khi tới kinh thành, hương vị của trái vải vẫn tươi nguyên.
"Phi tử tiếu" - Nụ cười Dương Quý Phi và quả vải An Nam
Đỗ Mục (803-852), một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, sinh ra sau khi Dương Quý Phi bị bức chết 47 năm, có lần đi qua cung Hoa Thanh, nơi dành riêng cho Dương Quý Phi thuở trước, đã sáng tác bài thơ "Quá Hoa Thanh cung" (Qua cung Hoa Thanh):
Trường An hồi vọng, tú thành đôi,
Sơn đỉnh thiên môn thứ đệ khai.
Nhất kỵ hồng trần, Phi tử tiếu
Vô nhân tri thị lệ chi lai.
(Tạm dịch:
Ngoảnh lại Trường An tựa gấm thêu,
Đầu non nghìn cửa mở liền nhau.
Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cuời nụ.
Vải tiến mang về, ai biết đâu!)
Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ nổi tiếng đời Đường, sống cùng thời với Dương Quý Phi, viết chùm thơ "Giải muộn" đã gián tiếp xác nhận việc đưa quả vải từ phương xa về cho Dương Quý Phi, cho biết rằng, sau khi Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng (685 – 862) qua đời, quả vải tươi vẫn được mang đến để phục vụ cho cung đình nhà Đường:
Tiên đế, Quý phi kim tịch mịch,
Lệ chi hoàn phục nhập Trường An
Viêm phương mỗi tục chu anh hiến
Ngọc tọa ưng bi bạch lộ đoàn.
(Tạm dịch:
Tiên đế, Quý phi, tuy đã khuất
Lệ chi vẫn cứ nhập Trường An.
Mỗi độ phương xa dâng quả hiếm
Điện ngọc nên thương kẻ nhọc nhằn).
Trái vải đưa về Trường An cho Dương Quý Phi thưởng thức là trái vải phương Nam, gồm vùng Lĩnh Nam, cũng còn cả vải của vùng Giao Chỉ, đều là của ngon vật lạ mà các tiết độ sứ không tiếc công sức chuyển về Trường An để làm đẹp lòng hoàng đế và sủng phi của ông ta.
Vải Giao Chỉ từng được Hán Vũ Đế biết đến. Theo ghi chép của Kê Hàm trong Nam Phương Thảo Mộc Trạng thì vào năm 111 TCN, Hán Vũ Đế sau khi diệt Nam Việt của Triệu Đà, đã sai đem 100 cây vải từ Giao Chỉ về trồng trong cung Phù Lệ ở Trường An, song trên đường vận chuyển, cây vải chết do lạnh. Từ đó, vua Hán yêu cầu tiến cống vải.
Cổ kim sử văn loại của Chúc Mục đời Tống (960 – 1279) cũng chép việc Ngụy Văn đế (220 – 226) cho quả vải và long nhãn là loại quý lạ của phương Nam và lệnh hàng năm quận Giao chỉ, Cửu Chân phải cống nộp.
Sách An Nam Chí Lược do Lê Tắc - người Việt quy thuận triều Nguyên, viết tại Trung Quốc vào thế kỷ XIV, ở quyển 5, mục Tiền triều chi sớ (Thư sớ của các đời vua trước), có ghi lại bức thư của Đường Khương, trong năm đầu niên hiệu Vĩnh Nguyên (89 Công nguyên), dâng thư cho Hán Hòa Đế (88-105 CN) can rằng: "Thần nghe người trên không lấy đồ ngon vật lạ làm đức, người dưới không lấy việc cống hiến đồ ăn làm công, chúng thần thấy bảy quận ở Giao Chỉ dâng những trái long nhãn, lệ chi thì phải trong khoảng mười dặm để một trạm ngựa, năm dặm một nơi nghỉ để tiện ngày đêm chuyển đạt. Xét lại đất Nam nóng nảy, khắp các ngả đường đều có ác thú khiến cho nhiều người bị chết dọc đường; vả lại, hai vật này được dâng lên triều đình, vị tất có thể làm cho sống lâu thêm". Hòa Đế bèn hạ chiếu: "Của quý của nước xa lạ mà đem về vốn là để dâng lên phụng thờ tông tổ; nếu có sự tổn hại đến dân thì trái với lòng thương dân. Vì vậy, hạ sắc dụ cho các quan lớn không nên cống hiến lệ chi và long nhãn nữa".
Nỗi oan ngàn năm
Số phận của Dương Quý Phi kết thúc một cách bi thảm. Ông vua đa tình Đường Minh Hoàng sau loạn An – Sử, bị đẩy lên làm Thái thượng hoàng. Năm 762, Huyền Tông vì quá nhớ nhung Dương Quý Phi, cơ thể suy nhược, qua đời trong hiu quạnh.
Nhưng người đời vẫn nhớ mãi về sự tích Dương Quý Phi. Lỗi lầm về việc làm suy vong nhà Đường không thể trút lên đầu một người đàn bà, mà là lỗi lầm của đấng quân vương. Lý Thương Ẩn (813-858 CN) nhà thơ nổi tiếng thời Đường sáng tác bài Mã ngôi kỳ, một trạm dịch nơi Dương Thị bị bức chết, để nói về bà:
Ký Mã Yên tê động địa lai,
Tự mai hồng phấn tự thành hôi.
Quân vương nhược đạo năng khuynh quốc,
Ngọc liễn hà do quá Mã Ngôi.
(Tạm dịch:
Ngựa Ký giáp Yên kéo đến động cả trời đất,
Tự chôn người nhan sắc, tự buồn đau.
Vua nếu biết sắc đẹp có thể làm mất nước,
Thì giá ngọc nhà vua đâu đến Mã Ngôi này?)
Bạch Cư Dị (772-864), nhà thơ lớn thời Đường, viết bài "Trường Hận Ca" nói về mối tình Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, kết rằng "Có hồi đất sụp trời sa, Giận này dằng dặc chẳng giờ nào nguôi".
Nhân đây cũng nói thêm rằng, cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan ở nước ta thường được cho là có liên quan đến việc triều cống quả vải thiều. Có điều, nó không liên quan gì đến Dương Quý Phi, vì khi khởi nghĩa nổ ra năm 713, Dương Ngọc Hoàn mới 6 tuổi, còn ở tận đất Thục.
Vải thiều xuất khẩu Trung Quốc ngày nay
Trái vải thiều Việt Nam xét từ tình hình thời kỳ hiện đại luôn có một vị trí nhất định trong khẩu vị của người Trung Quốc. Ngày 20/6/2019, Mạng tin tức Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc, đưa tin: Bằng Tường hỗ trợ hiệu quả thủ tục hải quan nhập khẩu vải thiều Việt Nam. Hiện đang là mùa cao điểm nhập khẩu vải thiều của Việt Nam.
Vài thiều Việt Nam được thu gom xuất khẩu sang Trung Quốc .
Ngày 13/5, lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam trong năm 2019 đã nhập khẩu thành công tại Trung tâm giám sát hàng hóa và thương mại biên giới thành phố Bằng Tường, Quảng Tây, khởi động mùa nhập khẩu vải thiều Việt Nam năm 2019. Trong tháng 5, Bằng Tường đã nhập 3.409 tấn vải thiều tươi từ Việt Nam, giá trị hơn 11,2 triệu nhân dân tệ, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến ngày 5/6, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 11.000 tấn vải thiều sang Trung Quốc. Bằng Tường là nơi nhập khẩu hoa quả vận chuyển bằng đường bộ lớn nhất của Trung Quốc. Ước tính năm nay, nếu mọi điều thông đồng bén giọt, khoảng 90.000 tấn vải thiều Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của thị trường của Trung Quốc. Vải thiều nếu từng lọt vào khẩu vị của Dương Quý Phi, không có lý gì lại không được người Trung Quốc hiện đại ưa thích. Giới thương gia Việt Nam và Trung Quốc nếu biết dùng thương hiệu "vải thiều Dương Quý Phi" hẳn sẽ tạo được thị phần to lớn hơn nữa cho vải thiều Việt Nam tại Trung Quốc./.