(Tổ Quốc)-Hoạt động ngoại giao và pháp lý Biển Đông diễn ra dưới áp lực của phán quyết 12/7.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 là một cột mốc quan trọng trong cuộc tranh chấp Biển Đông với các động thái mới.
Trung Quốc: biểu dương lực lượng và tung hỏa mù ngoại giao
Trong khi tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các bãi cạn trên Biển Đông, hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận: Trong các ngày 19-21/7, hải quân Trung Quốc đóng cửa một phần Biển Đông để tập trận quân sự. Ngày 1/8 tiến hành tập trận, bắn hàng chục quả tên lửa và ngư lôi ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc tập trận quy mô lớn trên biển Hoa Đông |
Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết không quân nước này đã tổ chức biên đội máy bay ném bom chiến lược tuần tra trên bãi cạn Scarborough và một số bãi đá ở khu vực Trường Sa.
Ngày 19/7, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đăng những hình ảnh cho thấy lực lượng chiến lược khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đang phô diễn các hệ thống vũ khí tác chiến mới trên biển và trên không.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tung tin, một số thành phần trong lực lượng quân đội Trung Quốc đang hối thúc lãnh đạo nước này đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn, có khả năng sử dụng lực lượng vũ trang nhằm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Ngoài việc tạo sức ép lên các bên liên quan Biển Đông, các hành động biểu dương quân sự của Trung Quốc là nhằm xoa dịu nội bộ nước này.
Trong một sự kiện liên quan khác, ngày 21/7 trang mạng Janes.com (Anh) chuyên về các tin tức tình báo an ninh quốc phòng công bố các ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã rút tổ hợp tên lửa đất đối không HQ-9 ra khỏi đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trùng với thời điểm quân đội Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận tại khu vực Hoàng Sa kéo dài một tuần lễ, ngay trước khi PCA ra phán quyết.
Về ngoại giao, theo hãng AP ngày 25/7/2016, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các nước có liên quan về các thỏa thuận tạm thời trong khi chờ đợi biện pháp xử lý tranh chấp cuối cùng”. Ông Dương nói rằng chúng sẽ bao gồm các hoạt động cùng khai thác vì “lợi ích chung”. Các tuyên bố chính thức khác cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào các “thỏa thuận tạm thời có tính thực tế”.
Điều này là nhằm chuẩn bị dư luận cho cuộc đàm phán với Philippines, nhưng cũng có thể là một cái bẫy dẫn tới việc công nhận nguyên trạng mới do Trung Quốc tạo ra.
Tổng thống Duterte (giữa) mời các cựu tổng thống (từ trái sang phải) - Joseph Estrada, Gloria Arroyo, Fidel Ramos và Benigno Aquino đến bàn về giải pháp thỏa hiệp với Trung Quốc liên quan Biển Đông |
Philippines: Chuẩn bị thương lượng với Trung Quốc
Ngày 27/7, Tổng thống Rodrigo Duterte đã mời 4 cựu tổng thống của nước này - Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Macapagal Arroyo và Benigno Aquino đến thảo luận về lập trường đàm phán ngoại giao với Trung Quốc.
Ông Rodrigo Duterte cũng mời cựu Tổng thống Fidel Ramos làm người hòa giải quan hệ với Trung Quốc. Ngày 23/7, ông Fidel Ramos chính thức thông báo chấp nhận đề nghị của Tổng thống Rodrigo Duterte làm đặc phái viên của Chính phủ Philippines tiến hành đàm phán với Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông. Theo báo The Philippine Star, nhiệm vụ chính của ông Ramos là giúp đỡ Manila cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Phía Trung Quốc đã đưa ra các tín hiệu hoan nghênh ông Fidel Ramos đảm nhiệm sứ mệnh hòa giải này.
Philippines cũng tỏ rõ thái độ chừng mực và kiềm chế tạo điều kiện cho các cuộc thương lượng ngoại giao. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia, chính Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã rút lại các đề nghị đề cập đến phán quyết của PCA trong Tuyên bố chung Viêngchăn của các Ngoại trưởng ASEAN đoạn đề cập đến Biển Đông.
Philippines cần sự thỏa thuận của Trung Quốc để phục hồi hoạt động tìm kiếm khai thác dầu khí ở vùng biển ngoài khơi của nước này, nơi bị Bắc Kinh tranh chấp. Song đây là một vấn đề phức tạp vì liên quan đến nội bộ Philippines đã trở nên “bài Trung” sau 3 năm xung đột.
Mỹ: thúc đẩy đối thoại, làm dịu tình hình
Tại Viêngchăn, Ngoại trưởng John Kerry lên tiếng ủng hộ Trung Quốc-Philippines khôi phục đối thoại, giảm nhiệt căng thẳng Biển Đông.
Ngày 25/7, các Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã có cuộc gặp tại Viêngchăn, kêu gọi tất cả các nước phải tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, khẳng định lại tầm quan trọng của việc các nước đưa ra tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), không sử dụng vũ lực hoặc ép buộc để thúc đẩy yêu cầu của mình và tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình bao gồm thông qua các quy trình quy phạm pháp luật như trọng tài. Các Ngoại trưởng kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội quan trọng cho khu vực để duy trì trật tự quốc tế hiện có dựa trên luật pháp và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ngày 1/8, khi trả lời phỏng vấn báo Strait Times (Singapore), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng phán quyết của Tòa đã đưa ra một quyết định rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các đòi hỏi hàng hải liên quan tới Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, phán quyết cần được tôn trọng. Mỹ tin rằng mọi quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả trên Biển Đông, và đây không phải là một vấn đề có thể lựa chọn. Việc tôn trọng luật pháp là lợi ích của Mỹ, Trung Quốc và thế giới, là nền tảng của ổn định khu vực, đảm bảo sự thịnh vượng và phát triển cho các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ bày tỏ công khai lập trường đối với tình hình Biển Đông sau phán quyết của PCA.
Tình hình trong gần 3 tuần qua là khúc dạo đầu của một quá trình đấu tranh toàn diện, gồm cả gây sức ép và thỏa hiệp, sẽ tác động sâu sắc đến cục diện Biển Đông./.
Người bình luận