(Tổ Quốc) - Triều Tiên nhằm đạt mục tiêu tham gia nhóm nhỏ các nước có bom nhiệt hạch.
Ngày 3/9, Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên (KCTV) cho biết Triều Tiên đã thử một quả bom bom nhiệt hạch (bom khinh khí - bom H) có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Triều Tiên tuyên bố nước này đã trở thành cường quốc nhiệt hạch sau khi thử nghiệm thành công bom quả bom H có sức mạnh ước tính gấp nhiều lần so với quả bom hạt nhân nước này thử nghiệm năm 2016.
Theo các nguồn tin quốc tế, ước tính năng lượng giải phóng sau vụ nổ vào khoảng 120 kiloton, có sức công phá mạnh gấp 1.000 lần so với quả bom nguyên tử mà Triều Tiên đã thử nghiệm từ trước đến nay, tạo ra vụ động đất mạnh tới 6,3 độ richter.
Địa điểm Triều Tiên thử bom hạt nhân lần thứ 6 - Pynggye-ri. Vùng núi này là nơi duy nhất Triều Tiên có thể thử các vũ khí hạt nhân dưới lòng đất. |
Theo KCNA, vụ thử thành công này đánh dấu bước phát triển quan trọng trên con đường hoàn thiện sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên.
Kune Y Suh, Giáo sư trường Đại học Quốc gia Seoul, một chuyên gia hạt nhân hàng đầu của nước này, cho rằng cuộc thử nghiệm ngày 3/9 là “cuộc thử nghiệm làm thay đổi cuộc chơi” và Triều Tiên đã thực sự trở thành một đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hiện nay, 5 quốc gia có năng lực hạt nhân lớn nhất trên thế giới là Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc sở hữu bom nhiệt hạch.
Vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên là một thách thức thô bạo đối với cộng đồng quốc tế.
Thất bại chính sách Triều Tiên của Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Từ khi xuất hiện vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nước Mỹ thiếu một chính sách quyết đoán về Triều Tiên. Trước hết đó là thất bại của Mỹ và trách nhiệm của Mỹ.
Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ muốn phủ định các chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama và tạo ra những thay đổi khác thường trong đường lối đối nội và đối ngoại của Mỹ. Trong vấn đề Triều Tiên, Donald Trump phê phán chủ trương “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Obama, nhưng lại đưa ra các tuyên bố tiền hậu bất nhất, ngông nghênh, thiếu trách nhiệm. Donald Trump đã làm cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên vốn đã phức tạp càng trở nên nghiêm trọng. Bình Nhưỡng đã lợi dụng tình hình ấy để tiến hành các vụ thử vũ khí chiến lược và đã thành công khi đưa vấn đề Triều Tiên từ cục bộ thành tiêu điểm của các vấn đề quan hệ quốc tế, tạo nút thắt khó tháo gỡ của Mỹ, gây rối loạn bàn cờ chiến lược của Mỹ ở Đông Bắc Á.
Mục tiêu chính của Bình Nhưỡng là Mỹ trực tiếp đàm phán với Triều Tiên và được công nhận quy chế một quốc gia có vũ khí hạt nhân của nước này. Mỹ không thể chấp nhận điều kiện ấy mà vẫn nuôi ảo tưởng dùng sức ép cấm vận quốc tế, gây áp lực quân sự để buộc Triều Tiên phải ngừng hoặc đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ khi lên cầm quyền gần nửa năm trước đã đảo lộn chủ trương cứng rắn của hai chính quyền trước đó, dùng chính sách nhượng bộ và xoa dịu nhằm lôi kéo Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán. Việc chính quyền mới ngả bài quá sớm đã không mang lại kết quả và đã bị Bình Nhưỡng lợi dụng để leo thang hạt nhân, làm cho tình hình trở nên tồi tệ.
Vụ thử hạt nhân ngày 3/9, ít giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc Hội nghị cấp cao BRICS tại thành phố Hạ Môn (Trung Quốc), là một hành động có tính toán cố ý khiêu khích Trung Quốc. Rõ ràng Trung Quốc không có khả năng ngăn chặn Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân. Nhưng chính sách hai mặt của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên và sự phối hợp nhỏ giọt khi phối hợp sức ép quốc tế từ trước đến nay đã góp phần làm cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở nên trầm trọng như hiện nay.
Quả bóng lăn trên sân Mỹ
Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bang Texas Joaquin Castro nói với hãng tin ABC News rằng lời đe dọa trút “cơn bão lửa và thịnh nộ” của Trump không có tác dụng, nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ rằng việc lên Twitter đôi co với một nhà độc tài 32 tuổi ở Triều Tiên là có tác dụng. Đáng tiếc, điều đó càng làm gia tăng căng thẳng. Tổng thống cần phải để các nhà ngoại giao, các tướng lĩnh và những người khác giải quyết tình hình này”.
Đã đến lúc chính quyền Trump phải có một đối sách quyết đoán trong vấn đề hạt nhân, nghiêm túc tìm một giải pháp chính trị ngoại giao phù hợp với tình hình thực tiễn và lợi ích của các bên liên quan trực tiếp. Những lời đe dọa đánh đòn phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân Triều Tiên đều vô nghĩa khi Hàn Quốc đã thành “con tin” của vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Vấn đề càng kéo dài càng thêm tồi tệ./.