• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn hoá và công nghiệp văn hoá phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người và quốc gia

Văn hoá 20/12/2022 16:37

(Tổ Quốc) - Sáng 20/12, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối tới 37 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự và điều hành Hội nghị tại Hà Nội có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt. Về phía khách mời có PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Để công nghiệp văn hóa thực sự đem lại sức mạnh bền vững của văn hoá

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chiến lược phát triển văn hoá, ngành công nghiệp văn hóa Chính phủ cũng đã lựa chọn ra 12 nhóm ngành, lĩnh vực bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các đồ chơi giải trí, công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hoá. Trong 12 ngành này ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ VHTTDL quản lý 5 nhóm lĩnh vực và cũng chưa quản lý được một cách đầy đủ bởi vì có sự phân cấp cho nhiều bộ ngành khác.

Văn hóa và công nghiệp văn hóa phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người và quốc gia - Ảnh 1.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chủ trì Hội nghị

Theo Bộ trưởng, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đặc biệt 5 năm trở lại đây chúng ta cũng thấy được sự chuyển biến tích cực như: Nhận thức về công nghiệp văn hóa là một bộ phận để cấu thành của nền kinh tế; Định hình cách hiểu thống nhất về phạm vi của các ngành công nghiệp văn hoá; Đưa ra mục tiêu để đất nước ta tập trung phát triển công nghiệp văn hoá, và có bộ chỉ số đo lường về sự đóng góp của công nghiệp văn hóa đối với thành tựu chung của đất nước; Khẳng định về vai trò của Nhà nước trong tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục phát triển công nghiệp văn hoá.

Bộ trưởng yêu cầu Hội nghị tập trung nhìn lại sau 10 năm thực hiện, các ngành công nghiệp văn hóa đang ở đâu, chúng ta có lợi thế gì, sức mạnh văn hóa của Việt Nam được phát huy như thế nào, cần làm gì để công nghiệp văn hóa thực sự đem lại sức mạnh bền vững của văn hoá, đóng góp vào ngân sách.

Trình bày báo cáo đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực; đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc gia trên trường quốc tế. Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ VHTTDL, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP.

Trong lĩnh vực điện ảnh, năm 2019, tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng; Du lịch văn hóa năm 2019, tổng doanh thu đạt đạt 720.000 tỷ đồng. Năm 2022, 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương đã dàn dựng 112 chương trình, 82 vở diễn, 1.682 buổi biểu diễn, thu hút 15.629.482 lượt xem. Kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 35 tỷ đồng....

Ở địa phương, nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ VHTTDL theo kế hoạch được phê duyệt. Có sự kết hợp, lồng ghép các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược với một số kết quả nổi bật, đóng góp chung vào thành tích của các địa phương.

Văn hóa và công nghiệp văn hóa phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người và quốc gia - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể, TP. Hà Nội được lựa chọn là thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Nhiều dự án, chương trình âm nhạc đi vào đời sống không chỉ là hoạt động nghệ thuật mà còn là hoạt động dịch vụ, thương mại, kinh doanh với nhiều mô hình đa dạng.

Ở TP. Đà Nẵng, nhiều đề án, chương trình, kế hoạch đã được ban hành để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như Đề án phát triển thiết chế văn hóa đến năm 2025, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025…

Để có được sự phát triển tốt nhất cho các ngành công nghiệp văn hoá, ngành VHTTDL cũng luôn tập trung công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, mô hình tổ chức đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong nước đã, đang được hình thành theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. Nhiều chương trình, giáo trình đào tạo ngày càng được hoàn thiện. Các tài năng trẻ được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để phát huy khả năng sáng tạo, tạo nên sản phẩm mới cho ngành công nghiệp văn hoá. Chính sách đối với giảng viên, nhà giáo tham gia đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù đã phần nào được quan tâm.

Ông Trần Hoàng cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong thực hiện như: Thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; Công nghiệp văn hóa là nội dung còn mới mẻ mà chúng ta gần như xây dựng từ đầu, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, nên vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi; Công tác thống kê, đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội chưa được thực hiện tốt, dẫn đến việc đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể cho từng ngành còn nhiều bất cập, hiệu quả đạt được chưa cao; Ngân sách nhà nước còn khó khăn, nguồn lực dành cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế; Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng; Các hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa thiếu tính bền vững, dễ bị tác động bởi suy thoái kinh tế, dịch bệnh dẫn đến ảnh hưởng lớn về doanh thu, như lĩnh vực điện ảnh...

Văn hóa và công nghiệp văn hóa phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người và quốc gia - Ảnh 3.

Quang cảnh hội nghị

Xây dựng chính sách khuyến khích công nghiệp văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận định hiện nay, phát triển công nghiệp văn hóa gặp khó do nhận thức không cao về tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của các nhà đầu tư. Việc này đến từ nguy cơ thất bại của thị trường bởi vi phạm bản quyền, các vấn đề phân phối sản phẩm. Các ngành công nghiệp văn hóa gặp còn gặp khó do hệ thống các thiết chế, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Thị trường văn hóa nhìn chung mới tập trung nhiều ở các thành phố lớn trong khi tại vùng nông thôn, thị trường này chưa phát triển; chủ yếu là tiêu thụ văn hóa qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các thiết chế văn hóa cổ truyền…

Đề xuất giải pháp khắc phục, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay cần sớm hình thành, phát triển và điều chỉnh các công cụ pháp lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham dự của các chủ thể khác nhau cho văn hóa; xây dựng các công cụ pháp lý nhằm kích thích giao dịch thị trường và các chính sách liên ngành cho công nghiệp văn hóa; xây dựng các điều luật khuyến khích về thuế nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối sản phẩm văn hóa và các điều luật thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, thu hút lao động cho các ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài ra cần bổ sung các cơ chế tài chính cụ thể, bao gồm bảo hiểm, cho vay nhỏ và các quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghiệp văn hóa.

Với mong muốn thu hút đầu tư cho văn hóa và các ngành công nghiệp văn hoá, Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Đà Nẵng Hà Vĩ cho biết cần tạo niềm tin với nhà đầu tư, hạn chế tối đa nguy cơ khiến các ngành công nghiệp văn hóa bị thiệt hại. Trong đó, công tác bảo hộ quyền tác giả, hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan phải được thực hiện nghiêm. Vai trò tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa phát triển của công chúng cần liên tục được nâng cao. Năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao cần được cải tiến.

Văn hóa và công nghiệp văn hóa phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người và quốc gia - Ảnh 4.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 37 điểm cầu gồm các tỉnh, tp trên cả nước

Đứng ở góc độ nghiên cứu, tham mưu chính sách, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ đến thời điểm hiện tại, một số lĩnh vực chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...) thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh (quản lý hoạt động trò chơi điện tử...). Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về từng lĩnh vực vì mỗi lĩnh vực cần hệ thống chính sách để phát triển. Hơn nữa, năng lực dự báo của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa còn hạn chế. Việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho hoạch định chính sách phát triển các ngành công nghiệp chưa được chú trọng.

“Cùng với đó, các quy định pháp luật về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, phát triển văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội. Các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động. Hiệu lực của các quy định về chính sách thuế trong các luật chuyên ngành chỉ mang tính nguyên tắc về “ưu đãi”. Khâu áp dụng phụ thuộc vào các quy định cụ thể của từng đạo luật về thuế. Chẳng hạn, Luật Đầu tư năm 2020 quy định văn hóa là một trong những ngành, nghề được ưu đãi đầu tư tuy nhiên chỉ giới hạn trong lĩnh vực hẹp là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong khi văn hóa là lĩnh vực rộng với 9 chuyên ngành”, Viện trưởng Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ.

Đưa văn hóa đi lên bằng chính đôi chân của người Việt

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua. Từ những “con số biết nói” tại Hội nghị, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá. Công nghiệp văn hóa đóng góp không nhỏ cho lợi ích quốc gia.

Văn hóa và công nghiệp văn hóa phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người và quốc gia - Ảnh 5.

Sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa cần đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của công chúng

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý không được phép hài lòng với những gì đã đạt được mà phải tiếp tục nỗ lực cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành hành động cụ thể, đạt nhiều thành công vì lợi ích đất nước, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

“Từ thực tế cho thấy, chúng ta vẫn còn những tồn tại trong phát triển lĩnh vực này. Các địa phương và ngay cả Bộ VHTTDL cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại tồn đọng để đưa ra giải pháp. Một trong những vấn đề chúng ta cần nhìn nhận lại là vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hoá. Nhà nước chỉ đứng ra định hướng, có tính chất vốn “mồi”. Còn lại, sản phẩm văn hóa được làm ra phải là do nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Đây là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ khó có những sản phẩm của công nghiệp văn hóa đúng với mong đợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong ngoại giao văn hoá, Bộ trưởng nêu rõ cần thay đổi tư duy, không thể giữ cách làm đưa cái “chúng ta có” mà phải đưa cái “công chúng cần” để quảng bá. Bộ trưởng cho rằng, công tác nhận diện, nắm bắt xu hướng, thị hiếu của công chúng phải được triển khai có hiệu quả. Sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa cần đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của công chúng. Tất nhiên không phải là những gu thẩm mỹ tầm thường mà vẫn phải hướng công chúng đến với các giá trị chân - thiện - mỹ.

Bộ trưởng lấy ví dụ ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, một nhóm nhạc có doanh thu bằng cả một tập đoàn kinh tế. "Chúng ta phải lấy đó làm gương, nghiên cứu, học hỏi cách làm; phải xóa bỏ định kiến văn hóa chỉ mỗi việc “bưng, bê, kê, dán”, “cờ, đèn, kèn, trống”… Văn hóa và công nghiệp văn hóa phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người, quốc gia”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đến năm 2045, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh phải hoàn thiện sớm, quyết tâm làm chương trình. Trong chương trình phải có đề án, dự án điểm nhấn liên quan đến công nghiệp văn hoá.

Đối với các bộ Luật, văn bản pháp luật, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu, có thêm cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho kinh tế - xã hội; kêu gọi được đầu tư cho văn hóa để văn hóa thật sự trở thành nguồn tài nguyên vô tận, phát huy mạnh mẽ sức mạnh trong công cuộc phát triển đất nước.

“Đây đều là những giải pháp căn cơ, từng bước nhưng phải lập tức làm ngay. Muốn phát triển văn hóa phải vận dụng sáng tạo trí óc, thực hiện bằng đôi bàn tay, đưa văn hóa đi lên bằng chính đôi chân của người Việt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng một lần nữa khẳng định./.

Bài: Hồng Hà- Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ