• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Văn học mạng thua xa so với sự phát triển của buôn bán online

Văn hoá 19/08/2017 11:00

(Tổ Quốc) -Sự so sánh có vẻ khập khiễng, nhưng quả thực văn học mạng ra đời trước buôn bán online nhưng hiện giờ thì... thua xa!

Các nhà văn hết thời “chém gió” về văn học mạng

Nếu như trước đây, khi văn học mạng mới hình thành và phát triển, nhiều diễn đàn văn học, tọa đàm, các bài bình luận, nhận định về văn học mạng đã thi nhau ra đời. Phần lớn đều hi vọng và nhận định rằng, văn học gắn mạng internet, mà mạng thì luôn phát triển vì thế sẽ kéo theo văn học mạng phát triển. Không những thế nhiều người còn hồ hởi dự đoán sẽ có một lớp nhà văn của văn học mạng cùng tồn tại và phát triển song song các nhà văn truyền thống chỉ in sách trên giấy. Họ có thể đứng tách riêng ra với một giọng điệu mới, trẻ trung, hợp thời đại… để cùng góp một tiếng nói khác, làm phong phú, đa dạng cho nền văn học nước nhà.

Thực tế, trước đây đã có những tác giả được chú ý, biết đến nhờ tác phẩm văn học mạng. Được gọi là nhà văn của văn học mạng có thể trong mắt các nhà văn “truyền thống” thì chưa có gì đáng tự hào, đầy hoài nghi, còn phải chờ sự thẩm định của thời gian. Thế nhưng ngược lại, với những cây bút trẻ cùng thế hệ, được gọi “nhà văn mạng” có lẽ họ không giấu được niềm tự hào, sự trẻ trung, năng động, hợp thời.

Ảnh minh họa. Nguồn: daibieunhandan.vn

Tuy nhiên, khi văn học mạng không còn sự chú ý, các sự kiện văn học, đời sống văn học cũng thưa vắng và tẻ nhạt hơn. Phần lớn các sự kiện văn học được thay vào đó là các buổi ra mắt sách. Và hiển nhiên, sự ra mắt sách là cuốn sách in chữ truyền thống chứ không phải ra mắt một tác phẩm văn học mạng đã được tác giả hoàn tất và cho phép độc giả đọc trọn vẹn.

Và dường như internet chưa tạo ra được một lớp tác giả đúng như kỳ vọng của mấy năm trước. Có chăng, đó chỉ là công cụ để “điện tử hóa” một hình thức đọc thông thường từ sách giấy đến các thiết bị thông minh. Nói cách khác, nhờ có internet, thay vì độc giả chỉ có thể đọc sách giấy như trước kia thì giờ đây họ còn đọc sách thông qua điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay. Hình thức đọc này không ảnh hưởng đến giá trị cuốn sách, có chăng chỉ là sự khác biệt về mặt cảm xúc, sở thích trước việc lật giở và trượt/lướt những trang sách khiến người thích người không. Hơn thế, sự tiện dụng này đáp ứng được nhu cầu, sở thích, thói quen của nhiều người đến với sách.

Sách truyền thống vẫn duy trì giá trị

Như vậy, sau một thời gian khá ồn ào của văn học mạng, độc giả đã ít nhiều có câu trả lời về văn học mạng. So với sự phát triển của buôn bán online, văn học thua xa.

Lâu nay, các nhà văn thường nói về sự bền vững của tác phẩm không gì bằng thử thách qua thời gian. Và văn học mạng không ngoại lệ. Thực ra, sự bền vững của văn học mạng dường như đã không được đảm bảo ngay từ khi nó ra đời. Bằng chứng là, ngay cả khi tác phẩm và tác giả đã nổi tiếng nhờ mạng nhưng chính tác giả và tác phẩm đó không thể tự đứng vững được ngay trong môi trường mạng. Bằng cách này hay cách khác, nhanh hay chậm thì tác phẩm trên mạng đó cũng bị hoặc được tác giả kéo xuống và in thành sách giấy truyền thống.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Như vậy có thể thấy, hoặc là môi trường mạng không phải là sự bền vững hoặc bảo đảm cho văn học mạng tự sinh sôi nảy nở và phát triển. Hoặc chính tác giả là người “nuông chiều”  độc giả, vừa cho độc giả đọc tác phẩm trên mạng một cách thức thời lại vừa chiều tác giả theo cách cũ mòn để in sách. Trong khi, cái mới chưa hình thành rõ rệt thành một thói quen, lại dễ dàng thỏa hiệp cho cái cũ vừa chỉ mới “đuối” hơn một chút đã quay lại lấn át.

Sự thất thế của văn học mạng cũng có thể thêm một lần nữa chứng minh văn học giấy truyền thống vẫn là tác phẩm có giá trị, không dễ dàng thay thế.

Nhưng biết đâu, văn học mạng không rầm rộ như những năm qua, chỉ là đang “lắng xuống” tạm thời, và bởi mạng xã hội hiện nay như facebook, zalo… không thích hợp với văn học. Còn một ngày nào đó trong tương lai, với những điều kiện đầy đủ, thích hợp văn học mạng lại trỗi dậy, bùng nổ, phát triển mạnh mẽ và đúng như như hi vọng, dự đoán trước đây.

Để văn học mạng đuổi kịp với buôn bán online có lẽ là điều không tưởng. Nhưng có lẽ văn học chỉ cần bằng một phần nào đó sự “nhộn nhịp”, đông vui tấp nập, được sự quan tâm chú ý của nhà nhà, người người thì đã là thành công lắm rồi./.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ