(Tổ Quốc) - sau 10 năm các văn bản về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang của Hà Nội đã đi vào cuộc sống, tạo nên những chuyển biến tích cực trong đám hiếu, hỉ, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thích hợp với cuộc sống đương đại.
Mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, tuy nhiên hiện nay vẫn không ít nơi còn gìn giữ được những tục lệ đẹp, thấm đẫm nhân văn trong đám hiếu hỉ. Chẳng hạn với đám cưới, ở nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm… vẫn đến tận nhà mời mà không dùng thiệp mời. Có thể một số người cho rằng, đời sống văn minh, bận bịu khó mà khiến người được mời nhớ ngày giờ ăn cưới nếu không có thiệp lưu lại, nhắc nhớ. Nhưng với những người có kinh nghiệm được mời cưới không có thiếp thì rất đơn giản, họ chỉ cần cầm cái bút, khoanh vào tờ lịch treo tường ngày được mời và ghi thêm dòng chữ tên nhà có đám cưới bên cạnh. Vậy là tất cả các đám lễ quan trọng không ai quên được. Người đi mời cũng căn ke giờ giấc sao cho hợp lý, nhà nào đi làm thì họ tranh thủ đến mời lúc chiều tối. Thành ra việc mời cưới không dùng thiếp cũng chẳng có gì khó khăn, phức tạp. Không in thiếp cũng là một cách tiết giảm chi phí đám cưới. Một đám cưới tầm 50 mâm trung bình 300 khách tương ứng với 300 thiếp mời, không quá lớn. Nhưng cả làng, cả xã… cùng tiết kiệm không in thiếp mời mà cộng gộp số tiền đó thì đó cũng là một chi phí đáng kể.
Để đám cưới vui tươi hơn, ở nhiều làng quê cũng có những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" với chính những người thân quen… Cũng từ đám cưới nhiều "cây văn nghệ" không chuyên được phát hiện, thể hiện khả năng và trở thành gương mặt quen thuộc trong những đám cưới và một số hoạt động văn nghệ quần chúng của nơi cư trú. Để giữ không bị ảnh hưởng âm thanh nơi cư trú, các đám cưới cũng quy định không được hát vào giờ nghỉ trưa cũng như không quá 10 giờ đêm.
Tổ chức đám cưới tập thể tại Hà Nội cũng là một nét đẹp cần nhân rộng. Trước đó, Hà Nội đã có nhiều lần đám cưới tập thể được Thành Đoàn tổ chức. Trong đó, đáng kể là năm 2013, 10 đôi trẻ tổ chức lễ cưới tại trường tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai; năm 2017, đám cưới cho 20 đôi trẻ theo nếp sống mới và "Đám cưới vàng" cho 20 đôi cụ ông-cụ bà chung sống hạnh phúc từ 50 năm trở lên tại công viên Bách Thảo. Nếu như trước đây, đám cưới tập thể yêu cầu là đối tượng thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, những người có hoàn cảnh khó khăn, thì trong năm 2022 đám cưới tập thể đã mở rộng các đối tượng thanh niên đang sinh hoạt đoàn, thanh niên tri thức ưu tú. 18 cặp đôi trẻ là những người trẻ có lối sống đẹp, đã tự nguyện đăng ký tổ chức đám cưới theo nếp sống mới tiết kiệm, văn minh. Trong đó, có các cặp đôi đã đăng ký kết hôn nhưng phải hoãn cưới vì dịch Covid-19, có cặp đôi là công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Hà Nội.
Đám cưới tập thể được tổ chức trong không khí ấm cúng, với sự góp mặt đại diện đoàn thể, tổ chức Đoàn thanh niên, đại diện gia đình, bạn bè người thân thiết. Trước buổi lễ chính, các cặp đôi sẽ thực hiện nghi lễ dâng hương, dâng cặp bánh cốm phu thê tại tượng đài vua Lý Thái Tổ. Sau đó, nhà tài trợ sẽ trao nhẫn cưới cho các cặp đôi, chụp ảnh cưới quanh Hồ Hoàn Kiếm và gần 20 cặp đôi sẽ mặc áo dài truyền thống tại lễ cưới.
Bên cạnh mô hình tổ chức đám cưới tập thể cũng có đám cưới chỉ tổ chức tiệc ngọt đơn giản. Do cô dâu và chú rể cùng lập nghiệp ở một nơi nhưng quê hai bên nhà trai và nhà gái ở cách xa nhau. Họ quyết định tổ chức đám cưới ở quê hai gia đình, không mời đồng nghiệp về dự vì tốn kém chi phí đi lại. Sau đó hai bên sẽ trở lại công ty và mời đồng nghiệp, bạn bè dự tiệc ngọt đơn giản nhưng ấm cúng. Lý do lựa chọn tổ chức đám cưới theo hình thức tiệc ngọt là do công ty có cả trăm người làm cùng, nhưng quê quán mỗi người mỗi khác. Nếu đám cưới ai cũng về quê tham dự đầy đủ thì rất khó và kinh phí sẽ khá lớn. Do vậy tổ chức tiệc ngọt đơn giản ai cũng vui vẻ và dễ thông cảm cho nhau. Quan trọng là sau này hai vợ chồng vun vén sống hạnh phúc chứ không chỉ vì một đám cưới thật đông khách hay linh đình.
Đám cưới tập thể là một nét đẹp cần nhân rộng ở Hà Nội (ảnh Nam Nguyễn)
Bên cạnh những ghi nhận tích cực từ đám cưới thì đám hiếu cũng có nhiều nét đẹp cần được phát huy, nhất là sau đại dịch Covid -19. Chúng ta có một khoảng thời gian vì chống dịch nên hạn chế những hoạt động tụ tập đông người, trong đó có đám hiếu, hỉ. Từ sự hạn chế đó nhiều người nhận ra rằng việc tổ chức đám hiếu nhanh gọn, không rườm rà, cắt bỏ những thủ tục còn lạc hậu, tốn kém là rất cần thiết. Hiện nay, nhiều gia đình, nhất là ở ngoại thành Hà Nội khi có đám hiếu đã giảm bớt sự cầu kỳ, tốn kém mà vẫn chu toàn.
Hay như trong các đám giỗ tưởng nhớ người đã khuất, ở các xã của huyện Đông Anh, Gia Lâm… có phong tục rất hay là góp giỗ. Gần đến ngày giỗ, anh em họ hàng thân thiết trong gia đình đến gặp mặt để hỏi giỗ xem năm nay tổ chức ngày nào, ăn uống ra sao. Nếu ngày giỗ vào đúng ngày nghỉ thì cứ tổ chức đúng ngày, nhưng nếu vào ngày đi làm thì nội tộc sẽ bàn bạc tiến hoặc lùi để tổ chức đám giỗ. Theo đó, đúng ngày giỗ vẫn có hương hoa thắp hương tưởng nhớ. Sau đó nếu quyết định tổ chức giỗ tiến hay lùi ngày thì lại có mâm cơm cúng. Và họ hàng anh em có bao nhiêu người dự sẽ làm ngần đấy cỗ trong phạm vi hẹp 2,3 mâm và chia đều kinh phí góp giỗ. Như vậy ngày giỗ thực sự là ngày anh chị em đoàn tụ và tưởng nhớ người đã khuất. Nếu phải nấu cỗ thì cũng không quá nặng nhọc, kinh tế cũng không quá ảnh hưởng. Đây là một nét đẹp cần duy trì và nhân rộng.
Năm 2012, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn. Tiếp đến là Chỉ thị số 11 về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thành phố được Thành ủy Hà Nội ban hành, sau 10 năm các văn bản này đã đi vào cuộc sống, tạo nên những chuyển biến tích cực trong đám hiếu, hỉ, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thích hợp với cuộc sống đương đại./.