(Tổ Quốc) - Theo thống kê của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, trong năm 2018 cứ trung bình mỗi tiếng, ở nước này có 12 vụ cướp giật.
Bị trộm cắp khi đi du lịch, nhất là tại các thành phố, điểm đến nổi tiếng vẫn luôn là một vấn đề nổi cộm ở châu Âu từ nhiều năm nay. Sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các nước bắt đầu mở cửa biên giới để đón khách du lịch thì vấn nạn này lại tiếp tục nóng lên một lần nữa.
Cứ 1 tiếng lại có 12 vụ trộm
Theo thống kê của Eurostat từ năm 2016 đến 2019, tức thời kỳ trước đại dịch, Tây Ban Nha và Bỉ là 2 đất nước có tỷ lệ trộm cắp vặt cao nhất. Ở toàn châu Âu, trung bình cứ 100.000 người (bao gồm cả dân du lịch và người bản địa) thì có 55 người đã bị móc túi, mất tài sản. Ở Bỉ, con số này là 146 và ở Tây Ban Nha là 134. Theo sau đó là nước Anh và Bồ Đào Nha với tỷ lệ lần lượt là 132 và 108 người. Quốc gia được cho là an toàn nhất là Hungary với tỷ lệ chỉ 7,4/100.000 người từng bị ăn cắp.
Tây Ban Nha với thiên đường du lịch Barcelona có tệ nạn cướp bóc hoành hành
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ cướp giật đã giảm nhưng vẫn khiến nhiều người bất ngờ vì quá cao, bất chấp ngành du lịch đóng băng và nhiều hạn chế, phong tỏa. Tại Tây Ban Nha, so với năm 2019, tỷ lệ trộm cướp năm 2021 chỉ giảm 34%.
Trong năm 2018, tỷ lệ tội phạm tại Barcelona - thành phố du lịch nổi tiếng nhất đất nước Địa Trung Hải này tăng tới 17%, kỷ lục trong thập kỷ. Trung bình, mỗi tiếng ở thiên đường náo nhiệt này xảy ra 12 vụ trộm cắp, nhất là tại các điểm du lịch hút khách. Đây là thống kê chính thức đến từ Bộ Nội vụ Tây Ban Nha.
Một trong những lý do khiến nạn trộm cắp tại Tây Ban Nha luôn đứng top là tỷ lệ thất nghiệp vốn rất cao tại nước này. Có hơn 40% thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp ở một số khu vực. Chế tài quá nhẹ cũng là một yếu tố nữa. Trộm cắp tài sản giá trị dưới 400 euro (gần 10 triệu đồng) chỉ bị phạt hành chính với số tiền nhỏ. Việc tái phạm hành vi cũng không bị xử phạt nặng hơn. Bên cạnh đó, số lượng dân nhập cư (bao gồm cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp) quá cao và khó quản lý cũng dẫn đến tệ nạn cướp bóc hoành hành. Càng ngày, tội phạm cướp giật càng có nhiều chiêu trò tinh vi hoặc hoạt động theo nhóm, khiến các nạn nhân nhìn chung rất khó có cơ hội thoát nạn.
Du lịch châu Âu trở thành ác mộng với nhiều du khách khi bị móc túi táo tợn
Một địa điểm khác cũng gây sợ hãi cho các khách du lịch là nước Ý. Năm 2014, có khoảng 180,000 vụ trộm cướp được ghi nhận ở Ý, trong khi con số thực tế phải gấp vài lần vì đây là hành vi phạm tội không dễ bắt được. Dân du lịch luôn luôn là mục tiêu lớn nhất của các tên cướp vì họ không thông thạo đường phố và thường mang nhiều tài sản bên mình.
Theo thống kê của trang Statista, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021, đã có tới 19,975 vụ trộm cắp xảy ra trên toàn nước Ý được ghi nhận. Cũng theo trang này, tỷ lệ trộm cướp đường phố tại đất nước châu Âu chiếm tới 54,81% trong khi đó các tỷ lệ trộm cướp ngân hàng, nhà cửa hay từ hoạt động kinh doanh chỉ lần lượt là 1,09%, 7,49% và 15,2%.
Nỗ lực của chính quyền
Đầu tháng 6 vừa qua, khi chính sách mở cửa biên giới đón du khách quốc tế mới xuất hiện không được bao lâu, thành phố Barcelona đã công bố một chiến dịch mới để ngăn cản nạn trộm cướp trong mùa du lịch hè cao điểm. Theo truyền thông, chỉ trong vòng 2 ngày cuối tuần 20 và 21/5 vừa qua, đã có hơn 80 người bị bắt giữ vì tội móc túi ở Khu phố Gothic - điểm du lịch danh tiếng nhất Barcelona.
Chính quyền các nước châu Âu cũng loay hoay trước vấn nạn này
Chính quyền thành phố tuyên bố số lượng cảnh sát tuần tra sẽ tăng thêm 12% ở mọi con phố lớn, đông người và nhiều hình phạt nghiêm khắc hơn sẽ được áp dụng với nhóm tội phạm trộm cướp tài sản. Vào cuối tuần trước, cảnh sát Barcelona đã bắt giữ 14 tội phạm trộm cắp có tiền án nhiều lần để làm gương. Một số là thành viên băng đảng có tới hơn 100 tiền án.
Phát biểu ngày 30/5, thị trưởng thành phố, ông Albert Batlle đã tuyên bố kế hoạch toàn diện mới để biến Barcelona trở thành địa đến an toàn hơn. Trong đó nổi bật là khung hình phạt được tăng lên đáng kể. Đội ngũ cảnh sát cũng được đào tạo nghiệp vụ để phát hiện những vụ cướp tiềm năng ngay trước khi chúng có thể hành động.
Nguồn: Euronews, The Guardian