(Tổ Quốc) - Ngày 3/10, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã thông báo rằng, chính phủ Anh sẽ không tiếp tục thực hiện kế hoạch được đề xuất trước đó là cắt giảm mức thuế thu nhập 45%.
Theo trang tin Baijiahao của Trung Quốc, ngay sau khi Thủ tướng Liz Truss lên nắm quyền, bà đã công bố một loạt chính sách kinh tế mới. Ngày 23/9 theo giờ địa phương, chính phủ Anh đã công bố kế hoạch giảm thuế triệt để nhất kể từ năm 1972. Tuy nhiên, những biện pháp này không chỉ gây ra sự phản đối trong nước Anh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường tài chính quốc tế và dẫn đến việc đồng bảng Anh mất giá.
Thậm chí Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng chỉ trích các kế hoạch "không có mục tiêu" của chính phủ Anh, không chỉ làm gia tăng bất bình đẳng trong nội bộ Vương quốc Anh, mà còn có thể phá hoại chính sách tiền tệ.
Hủy bỏ đề xuất cắt giảm mức thuế thu nhập 45%
Tờ "Người bảo vệ" của Anh ngày 3/10 đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cùng ngày đã đưa ra một tuyên bố cho biết, do những đề xuất trong chính sách kinh tế mới được công bố 10 ngày trước "đã phân tán sự chú ý của người dân", chính phủ Anh sẽ hủy bỏ kế hoạch cắt giảm mức thuế thu nhập 45% được đề xuất trước đó của mình.
Sáng 3/10 theo giờ địa phương, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã đưa ra một tuyên bố trên Twitter của mình thông báo rằng, chính phủ Anh sẽ không tiếp tục thực hiện kế hoạch được đề xuất trước đó là cắt giảm mức thuế thu nhập 45%.
"Chúng tôi hiểu, chúng tôi lắng nghe", Kwarten viết trên Twitter.
Hãng tin BBC (Anh) đã mô tả đây là một "bước ngoặt chính sách 180 độ" của chính phủ Anh. Sau 10 ngày, chính sách này đã "chết non", và chính phủ của nữ Thủ tướng Liz Truss đưa ra quyết định như vậy đã giúp ngăn chặn kịp thời thiệt hại.
BBC cũng nhận định rằng, mặc dù vậy, đây chắc chắn là một thời điểm rất khó khăn và gây nhiều tổn hại cho sự nghiệp thủ tướng của bà Truss. Bà Truss từng nói rằng "bà ấy sẽ chuẩn bị để đưa ra một quyết định khó khăn", và thực tế đã chứng minh, đây quả thật là một "quyết định khó khăn".
Điều đáng nói, ngoài giới truyền thông Anh, ngay cả tài khoản Twitter "Larry the Cat" của chú mèo Larry sống trong dinh Thủ tướng Anh cũng thể hiện thái độ chế giễu khi đưa ra bình luận về chính phủ Anh hiện tại với hình ảnh một chiếc ô tô đang chạy rất nhanh bất ngờ đánh lái trên làn đường hình chữ U và quay đầu 180 độ.
Gói cắt giảm thuế "lịch sử" bị phản đối
Theo trang tin Baijiahao, trước đó, vào ngày 23/9, chính phủ Anh đã công bố một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm một gói cắt giảm thuế lớn (loại bỏ mức thuế thu nhập cao nhất là 45% và giảm lãi suất cơ bản từ 20% xuống 19%), cũng như loại bỏ giới hạn tiền thưởng trong ngành ngân hàng…
Gói cắt giảm thuế "lịch sử" trị giá 45 tỷ bảng Anh này đã vượt qua gói cắt giảm thuế dưới thời cựu Thủ tướng Margaret Thatcher vào năm 1988 và là gói cắt giảm thuế lớn nhất ở Anh kể từ năm 1972.
Tuy nhiên, vào thời điểm chi phí sinh hoạt ở Anh đang tăng rất cao như hiện nay, kế hoạch cắt giảm mức thuế thu nhập cao nhất là 45% đã bị chỉ trích là một "chính sách không công bằng" và bị phản đối kịch liệt.
Sau khi chính sách cắt giảm thuế được đưa ra, động thái này đã gây ra một "cơn địa chấn" trên thị trường tài chính Anh: tỷ giá đồng bảng Anh giảm mạnh theo kiểu "rơi tự do" và được nhận định là "có thể ngang giá với đồng USD"; lợi tức trái phiếu chính phủ Anh tăng mạnh, với mức tăng gần đạt kỷ lục; chỉ số FTSE 100 (chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London) đóng cửa giảm hơn 2% ... Thị trường chứng khoán châu Âu và châu Mỹ cùng trải qua "ngày thứ Sáu đen tối", và ba cổ phiếu lớn của Phố Wall đã giảm hơn 2%.
Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) - một tổ chức tư vấn kinh tế của Anh - cho biết, phản ứng của thị trường là "đáng lo ngại" do chiến lược mới của chính phủ Anh dựa trên việc các nhà đầu tư sẵn sàng cho nước này vay nhiều tiền hơn.
Các nhà phân tích nhìn chung cũng tin rằng, kế hoạch cắt giảm thuế năm 1972 đã dẫn đến tình hình lạm phát nghiêm trọng, cuối cùng kết thúc trong thảm họa; và kế hoạch cắt giảm thuế lần này có thể không tránh khỏi số phận tương tự.
Ngày 27/9, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho biết: "Một cuộc khủng hoảng tiền tệ trong các đồng tiền dự trữ có khả năng gây ra hậu quả mang tính toàn cầu. Tôi rất ngạc nhiên khi chúng tôi không nhận được báo cáo nào từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)."
Vài giờ sau, IMF đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích chính sách mới của chính phủ Anh, đồng thời cảnh báo: "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến kinh tế gần đây ở Anh và phối hợp với các cơ quan chức năng. Trước áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh, chúng tôi không khuyến khích một gói tài khóa quy mô lớn, không có mục tiêu vào thời điểm quan trọng này, vì chính sách tài khóa không thể đối nghịch với chính sách tiền tệ."
Kể từ đó, ngày càng có nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ công khai nói rằng chính sách của chính phủ bà Truss là sai lầm, dự đoán nó sẽ bị bác bỏ tại Hạ viện.
Cựu Bộ trưởng Nội các Anh Grant Shapps cảnh báo rằng, đề xuất của Thủ tướng Truss sẽ không nhận được đủ số phiếu bầu tại Hạ viện.
Vào thời điểm đó, ông Shapps đã thúc giục bà Truss "nhanh chóng quay đầu" và yêu cầu bà không được "để ngoài tai" trước những lo ngại của cử tri Anh về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.