(Tổ Quốc) - Sinh sống lâu đời trên vùng đất địa đầu Tổ quốc, dân tộc Lô Lô hình thành, lưu giữ nền văn hoá phong phú với các lễ hội cổ truyền, văn hoá dân gian, phong tục cưới hỏi đặc sắc. Nền văn hoá dân tộc Lô Lô hoà quyện với nền văn hoá 54 dân tộc anh em, tạo lên bức tranh văn hoá Việt Nam đa dạng, lung linh sắc mầu.
- 09.08.2022 Người miệt mài truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ dân tộc Lô Lô
- 24.05.2022 Nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô
- 07.02.2022 Phục dựng lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô trong Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022
- 11.11.2016 Truyền dạy văn hoá phi vật thể cho đồng bào dân tộc Lô Lô, Hà Giang
- 15.10.2016 Thành lập Ban Tổ chức lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho dân tộc Lô Lô tại tỉnh Hà Giang
Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn. Người Lô Lô có 2 nhóm địa phương gồm: Lô Lô hoa có khoảng trên 2 nghìn người chủ yếu sống tỉnh Hà Giang. Còn người Lô Lô đen có khoảng gần 4 nghìn người chủ yếu sống ở 2 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng). Dân tộc Lô Lô luôn có ý thức, tự tôn dân tộc, tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết cao, thể hiện rõ nét trong việc gìn giữ trang phục của dân tộc mình.
Người Lô Lô có trang phục riêng. Trang phục của người Lô Lô đen có màu đen làm chủ đạo. Trang phục người Lô Lô Hoa rất cầu kỳ từ áo, quần cho đến mũ, khăn.
Đối với người Lô Lô đen, phụ nữ mặc áo ngắn, màu đen chàm để hở bụng, xẻ ngực, hai ống tay hẹp nối từ bả vai xuống cổ tay bằng những khoanh vải màu xanh, đỏ, tím, vàng (thường là 09 vòng màu khác nhau). Hai vạt áo trước được trang trí bởi một diềm vải hoa đỏ, khuy áo bằng vải, cài bằng cúc đồng có hình tròn. Phía sau lưng được chắp những miếng vải màu hình tam giác, tạo thành các ô vuông với những hoa văn răng cưa kiểu bông lúa, hình sóng nước, mạng nhện; gấu áo được trang trí bằng diềm hoa đỏ và đường vải màu xanh rộng khoảng 0,5 cm chạy từ hai vạt cổ áo xuống đến gấu áo. Ngày nay, phần bụng hở được mặc thêm một áo lót mỏng màu trắng hồng hoặc xanh da trời bằng vải phin.
Phụ nữ Lô Lô đen mặc quần ống rộng, phía ngoài quần được choàng một tấm vải từ phía sau ra đằng trước mặt và cuộn chặt trước bụng, tấm vải này có tác dụng cuốn chặt cạp quần, tạo cho dáng của người phụ nữ đẹp hơn. Dây đeo thắt lưng được trang trí khá cầu kỳ, đằng trước bao gồm nhiều đồng xu và chìa khóa làm bằng nhôm, đằng sau có treo 1 túi trầu được bọc bằng tấm vải nhỏ màu xanh.
Đầu được đội khăn cuốn rất cầu kỳ, gồm có ba lớp khăn, hai lớp bên trong màu trắng, lớp bên ngoài màu đen, khi đi làm hoặc đi chợ, họ đội loại nón lá được đan rất đẹp mắt, nón được đan bằng tre, chóp hơi khum, phía mặt trong nón được trang trí bằng chiếc cánh của con cánh cam, quai nón được buộc bằng hai sợi dây được se từ chỉ hoặc len nhiều màu.
Trang phục của nam giới dân tộc Lô Lô đen gần giống với trang phục của các dân tộc Tày Nùng. Nam giới dân tộc Lô Lô đen mặc áo thân dài màu đem chàm, xẻ tà 2 bên, cài cúc bên nách phải, mặc quần đen chàm chân què, cạp lá tọa. Điểm khác biệt để nhận biết trang phục của nam giới Lô Lô đen với dân tộc Tày, Nùng là đàn ông thường chít khăn trên đầu, dắt mối khăn phía sau gáy, trên khăn không trang trí và thường đeo thêm 1 chiếc vòng tay bằng bạc. Tất cả những bộ trang phục đó đều do bàn tay khéo léo của người phụ nữ cắt, khâu.
Bộ trang phục là một phần của đời sống, gắn kết đời sống sinh hoạt và tâm linh của người Lô Lô. Trước sự biến đổi của thời gian, cuộc sống ngày càng gần hơn với sự giao lưu hội nhập nhưng bộ trang phục truyền thống luôn là niềm tự hào của người dân Lô Lô trên những bản vùng cao.
Người Lô Lô Hoa sử dụng kỹ thuật trang trí vải màu trên trang phục. Hoa văn hình tam giác là yếu tố kiên quyết phải có. Những hoa văn này nằm trong một đường diềm hình vuông tượng trưng cho bốn phương. Bên trong là các hình tam giác kèm nhau đôi một, phân chia một bên sáng một bên tối, một bên đậm màu, một bên nhạt màu. Đây cũng chính là biểu tượng của vương quốc Lô Lô cổ xưa. Trên thân của những chiếc áo được thêu hình chim Ngó Bá xen kẽ biểu tượng tam giác tạo nên nét hài hòa mà mang đậm bản sắc văn hóa. Chim Ngó bá là loài chim gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Lô Lô Hoa.
Biểu tượng hình tam giác 2 màu đối nhau cũng được thêu trên mũ của người phụ nữ Lô Lô Hoa. Khối tam giác này được may lệch phải và cũng chính là điểm nhấn của chiếc mũ. Ở phía chính giữa là biểu tượng thần Mít Dơ – thần cai quản mặt đất, bảo vệ con người trong tín ngưỡng của người Lô Lô.
Còn trên tay áo bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô Hoa là những hoa văn nhiều hình tam giác ghép chung với nhau tạo thành hình đàn cá bơi. Hoa văn này biểu trưng cho hôn nhân, thể hiện tính năng sinh sản của người phụ nữ. Biểu tượng này được nhân lên trên tay áo cô dâu bởi người Lô Lô quan niệm đây sẽ là người mẹ sinh ra đứa trẻ. Đó là cái nôi bắt đầu của mỗi con người và sự phát triển của mỗi dân tộc.
Ngoài chức năng thể hiện tinh hoa văn hóa của dân tộc Lô Lô được kết tinh từ ngàn xưa. Những bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô còn thể hiện quan niệm về hạnh phúc lứa đôi, sự sinh sôi của dân tộc. Biểu tượng cho sự sinh sôi này đều được các cộng đồng dân tộc Lô Lô thể hiện trên tay áo của người phụ nữ. Chính vì thế mới có sự khác nhau giữa tay áo của người Lô Lô Hoa và người Lô Lô Chải, đây cũng là những nét riêng đặc biệt của dân tộc Lô Lô.
Bộ trang phục là một phần của đời sống, gắn kết đời sống sinh hoạt và tâm linh của người Lô Lô. Trước sự biến đổi của thời gian, cuộc sống ngày càng gần hơn với sự giao lưu hội nhập nhưng bộ trang phục này luôn là niềm tự hào của người dân Lô Lô trên những bản vùng cao. Trang phục của những người phụ nữ Lô Lô dù thuộc nhóm nào vẫn luôn hiện diện và tỏa sáng như tâm hồn và cốt cách của người Lô Lô sinh sống nơi cao nguyên đá suốt hàng trăm năm nay.