• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vé đi lại 9 Euro của Đức thành công lớn: Câu hỏi về trợ cấp đi lại giữa bão giá

Thế giới 08/09/2022 13:40

(Tổ Quốc) - Sau khi chương trình bán vé đi lại công cộng gần như miễn phí của Đức diễn ra với sự thành công vang dội, câu hỏi đang đặt ra là liệu có nên trợ cấp hoặc thậm chí miễn phí cho nhiều phương tiện giao thông công cộng khác hay không, cây viết Andreas Kluth của Bloomberg Opinion cho biết.

Trong mùa hè vừa qua, chính phủ Đức đã triển khai bán vé đi lại 9 Euro/tháng trong tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Tám. Sau khi mua vé, hành khách nhận được một mã QR và có thể lưu vào điện thoại di động. Với mã này, họ thoải mái đi lại trên tất cả xe buýt, xe điện, tàu hỏa địa phương và khu vực trên toàn quốc. Việc đi lại lúc này trở nên đơn giản hơn nhiều.

Theo Andreas Kluth, thành công của vé 9 Euro là một trải nghiệm lớn đáng để các quốc gia khác tham khảo trong quá trình tìm kiếm các chính sách chống lại biến đổi khí hậu. Động lực để làm chương trình này là lạm phát tăng vọt trong năm nay và đặc biệt là cú sốc năng lượng từ căng thẳng Nga – Ukraine.

Và để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho người dân, chính phủ Đức đã thông qua một loạt các biện pháp và vé 9 Euro là một trong số đó.

Những con số mua vé 9 Euro vừa qua rất ấn tượng. 52 triệu vé 9 Euro đã được bán ra và 10 triệu người khác đăng ký vé năm sẽ tự động nhận được ưu đãi vé 9 Euro này.

Nếu những ước tính ban đầu được chứng minh là đúng, khoảng 10% người mua đã sử dụng vé này để giảm ít nhất một chuyến đi ô tô hàng ngày của họ. Điều này cũng giúp tiết kiệm nhiều chi phí xăng dầu.

Việc giảm lượng di chuyển ô tô cũng giúp giảm khí thải, cắt giảm được khoảng 1,8 triệu tấn. Con số đó - chỉ sau ba tháng - tương đương với lượng khí thải từ việc cung cấp điện cho 350.000 ngôi nhà trong cả năm.

Nhận được nhiều sự tán thành nên khi vé này hết hạn vào tuần trước thì nhiều người đang nói về cách thức và thời gian để đưa nó trở lại.

Vé đi lại 9 Euro của Đức thành công lớn: Câu hỏi về trợ cấp đi lại giữa bão giá - Ảnh 1.

Lượng người đi phương tiện công cộng tại Đức hè qua đã tăng vọt. Ảnh: AP.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra - đối với Đức và các quốc gia khác - là liệu có nên trợ cấp cho phương tiện giao thông công cộng đủ để khiến nó trở nên cực kỳ rẻ hoặc thậm chí miễn phí hay không?

Gia tăng lượng người dùng nhưng chất lượng và số lượng phương tiện công cộng không thay đổi

Thành công của Đức đã gây được ấn tượng lớn vì trước đó, các thành phố từ Santiago, Chile, đến Salt Lake City ở Mỹ, và Tallinn của Estonia, cũng đã thử nghiệm miễn phí giao thông công cộng nhưng các khoản trợ cấp của họ không làm giảm đáng kể việc sử dụng ô tô. Tại những nơi này, những người đi xe điện, xe buýt và xe lửa quá nghèo để sở hữu ô tô và nếu không dùng phương tiện công cộng thì họ sẽ phải đi bộ hoặc đi xe đạp. Thêm vào đó, các phương tiện giao thông công cộng vẫn còn quá bất tiện so với việc lái xe.

Một vấn đề khác nữa là việc trợ giá hoặc miễn phí phương tiện giao thông công cộng sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện này nhưng không làm tăng số lượng hoặc chất lượng của nguồn cung. Các nhà điều hành các tuyến xe buýt và đường sắt, cho dù họ thuộc khu vực tư nhân hay nhà nước, đều không thể dễ dàng tăng thêm công suất.

Ở Đức cũng vậy. Nhiều hành khách mua vé 9 Euro đã bị bỏ lại trên sân ga một cách thất vọng khi các chuyến tàu quá đông phải khởi hành mà không có họ. Hay những người sống ở nơi xe buýt đến một lần một tuần cũng không khá giả.

Vấn đề bất bình đẳng hiện hữu

Do đó, trên thực tế, trợ giá giao thông công cộng thường là câu trả lời cho vấn đề bất bình đẳng chứ không phải biến đổi khí hậu. Người nghèo được hỗ trợ phương tiện công cộng còn người khá giả hãy tiếp tục lái xe, bất kể tốn bao nhiêu tiền xăng.

Và những người giàu này cũng phải trả nhiều thuế hơn để cho phép những người bình thường có thể đi lại với mức phí ít hoặc miễn phí. Trong 3 tháng hè này, khoản trợ cấp của Đức ước tính sẽ khiến chính phủ liên bang và người đóng thuế phải trả 2,5 tỷ euro.

Tuy nhiên, mức vé 9 Euro cho thấy rằng một khoản trợ cấp được triển khai tốt vẫn có thể khiến nhiều người để xe hơi ở nhà ít nhất là trong một thời gian, do đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính cũng như bất bình đẳng. Nhưng để phát huy hiệu quả lâu dài, trợ cấp sẽ phải được kết hợp với các chính sách khác.

Đầu tiên, các chính phủ cũng phải cung cấp nhiều hơn - thay vì chỉ rẻ hơn - các lựa chọn thay thế cho việc lái xe, hoặc có các biện pháp khuyến khích các công ty và nhân viên hạn chế lái xe.

Ngay cả ở Đức, nơi chính trị thường được cho là "ủng hộ đường sắt", các chuyến tàu cũng được biết đến nhiều nhất vì chạy muộn hoặc có thể dừng chạy. Và bất cứ khi nào ai đó cố gắng xây dựng một nhà ga mới sáng bóng, người dân địa phương lại phản đối.

Thứ hai, các chính phủ phải khiến người dân chủ động giảm việc lái xe. Chi phí xăng hoặc dầu diesel phải được giữ ở mức cao. Trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, giá năng lượng đã cao sẵn và cách tốt nhất để đảm bảo giá vẫn tiếp tục cao là áp đặt thuế phí lên loại nhiên liệu ô nhiễm này.

Như vậy, vé 9 Euro không phải là toàn bộ giải pháp nhưng là một trong những yếu tố góp phần hỗ trợ đáng kể.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ