(Tổ Quốc) - Không khí ở làng Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội), nơi được xem là "thủ phủ" chăn ga gối đệm lớn nhất khu vực đồng bằng sông Hồng những ngày này đang rất hối hả. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau từ đầu làng đến tận cuối làng khiến cả vùng quê nhộn nhịp chẳng kém gì những con phố chính ở Thủ đô.
Trát Cầu "vào mùa"
Làng Trát Cầu có tất cả 1.200 hộ dân thì có đến 50 cơ sở quy mô lớn chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng chăn ga gối đệm. Hầu như, tất cả những cơ sở này đều được đầu tư bài bản với các hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Số còn lại là những hộ kinh doanh quy mô nhỏ cũng khá đông.
Trát Cầu những ngày này đã nhộn nhịp xe tải vào ra để lấy hàng
Có dịp về làng Trát Cầu những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng mua bán tấp nập, các cơ sở sản xuất thì chạy đua để kịp các đơn hàng phục vụ nhu cầu của khách hàng. Hàng chục chiếc xe tải biển số từ các vùng lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... đang nối đuôi nhau đưa những mặt hàng ở Trát Cầu đi khắp các tỉnh miền Bắc.
Tiếp chúng tôi ngay tại xưởng sản xuất của mình, anh Đỗ Duy Quyền - Chủ cơ sở sản xuất đệm Việt San cho hay: "Thời điểm này cũng đã bắt đầu mùa lạnh nên khách đặt khá nhiều. Nếu như cách đây khoảng 1 tháng, số lượng hàng sản xuất ra khoảng 200 chiếc/ngày thì những ngày gần đây, lượng khách đặt nhiều nên xưởng chúng tôi sản xuất liên tục, có ngày lên đến 500 chiếc đệm. Giá của mỗi chiếc trung bình khoảng 800 - 900 ngàn đồng."
Một chiếc xe tải đang nằm chờ hàng để chuyển đi các tỉnh
Cũng theo anh Quyền, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, cơ sở của anh phải đầu tư hệ thống máy móc nhập từ Hàn Quốc lên đến 8 tỷ đồng với công suất làm ra từ 800 - 900 chiếc đệm/ngày. Số công nhân mà anh phải sử dụng thường xuyên là 7 người.
Cách cơ sở sản xuất của anh Quyền không xa, cửa hàng của chị Nguyễn Thị Lan (chủ một cơ sở kinh doanh chăn ga gối đệm ở Đội 6, làng Trát Cầu) thời điểm này cũng đã bắt đầu nườm nượp khách vào mua hàng. Chị Lan cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn số lượng hàng lớn, đủ các loại mẫu mã và giá cả để đáp ứng mọi nhu cầu của khách."
Cho Lan cho biết thêm, gia đình chị cũng có một xưởng sản xuất ngay tại nhà. Thường thì nguyên liệu để sản xuất được nhập từ hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc nên giá cả cũng khá chênh nhau. Ví dụ, nếu một chiếc đệm được sản xuất bởi nguyên liệu từ Hàn Quốc thì có giá 2 - 3 triệu/ chiếc nhưng nếu là nguyên liệu của Trung Quốc thì chỉ rơi vào khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/chiếc.
Băn khoăn câu chuyện xây dựng thương hiệu Trát Cầu
Khi chúng tôi hỏi về nguồn tiêu thụ chính của sản phẩm chăn ga gối đệm Trát Cầu thì cả anh Quyền và chị Lan đều cho rằng, do làng này có truyền thống lâu đời nên lái buôn khắp nơi đều biết tiếng. Chủ yếu vẫn là những thương lái ở các tỉnh miền Bắc, cá biệt vẫn có thương lái người miền Nam ra mua hàng để bán sang các nước như Lào, Campuchia.
Nguyên liệu sản xuất đang được tập kết rất nhiều về cơ sở sản xuất của anh Đỗ Duy Quyền (Trát Cầu,Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội)
Tuy nhiên, cũng chính vì tâm lý tự tin là làng nghề truyền thống này nên hầu như người kinh doanh ở Trát Cầu không quan tâm nhiều đến chuyện quảng bá sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu để ngày một lớn mạnh hơn. Do đó, đã từng xảy ra câu chuyện các hộ kinh doanh ở Trát Cầu bị cho là chuyên sản xuất hàng nhái, hàng giả khiến cho dư luận hết sức bức xúc.
Và chính chúng tôi cũng cảm nhận được thực tế này khi về Trát Cầu đó là, rất ít sản phẩm được sản xuất tại làng nghề này được đặt tên tiếng Việt. Hầu như các sản phẩm đều có tên nước ngoài như Coshysan, Singvico, Vikosan...khiến nhiều người khi bắt gặp những mặt hàng này thường có cảm giác như là hàng nhái của các thương hiệu lớn.
Công đoạn trộn bông trong công xưởng của anh Quyền
Thiết nghĩ, với một làng làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử, Trát Cầu hoàn toàn có thể xây dựng một thương hiệu Việt cho riêng mình nếu có quy hoạch, và chiến lược phát triển bài bản. Mong rằng, "tài sản quý báu" mà các thế hệ trước để lại sẽ được người dân Trát Cầu gìn giữ và xây dựng ngày càng lớn mạnh hơn.
Được biết, thu nhập của các cơ sở kinh doanh chăn ga gối đệm tại làng Trát Cầu tùy vào quy mô. Nhưng ít nhất cũng khoảng 100 - 150 triệu đồng/cơ sở/năm. Nếu cơ sở có quy mô lớn có thể thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm.