(Tổ Quốc) - Có bằng chứng đáng tin cậy rằng cả hai bên đã tăng cường hỏa lực tại thung lũng sông Galwan, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS cho biết.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã củng cố vị trí của họ dọc theo biên giới đang tranh chấp, nhưng những chiếc lều có thể là nguyên nhân gây ra vụ đụng độ gần đây dường như đã bị xóa bỏ, theo các hình ảnh vệ tinh mới nhất về khu vực này.
Có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đã củng cố đáng kể vị trí của họ tại các khu vực tương ứng ở đường biên giới thực tế, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết hôm thứ Năm.
Nhận định này là dựa trên đánh giá từ các bức ảnh vệ tinh về thung lũng sông Galwan, được công ty hình ảnh Trái đất Planet Labs ghi lại vào thứ ba.
Các bức ảnh cho thấy các cấu trúc gần với Đường kiểm soát thực tế (LAC), có thể là lều của Trung Quốc đã bị dỡ bỏ và một số vị trí ở phía LAC Ấn Độ đang kiểm soát cũng đã được gỡ bỏ.
Dường như 2 lực lượng cũng có sự tăng cường hoạt động. Một vị trí tạm thời có 30-40 xe dường như đã được xây dựng ở phía Ấn Độ, trong khi một nhóm khoảng 100 xe tải có thể được nhìn thấy ở phía Trung Quốc, theo tin của Reuters.
IISS cho biết họ tin rằng quân đội Trung Quốc PLA đã tăng lực lượng biên giới ở Aksai Chin từ 1.000 lên 1.500 quân.
Trung Quốc cũng đã huy động các lực lượng chiến đấu khác, có lẽ từ Sư đoàn cơ giới số 6 của Quân đội PLA đóng ở phía nam Tân Cương, để củng cố vị trí của mình, mặc dù những vị trí này nằm cách xa biên giới hơn.
Một bản tin của Reuters dẫn lời Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí tại Đông Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Mỹ, cho biết khi so sánh các hình ảnh được chụp vào ngày 9 và 16/6, có vẻ như Trung Quốc đang xây dựng đường trong thung lũng và có thể ảnh hưởng đến dòng sông về phía họ.
Một bản tin được công bố trên trang web Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia hôm thứ Năm cho biết, hình ảnh vệ tinh mới cho thấy một sự thay đổi đáng kể đối với hiện trạng dọc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc – điều có nguy cơ leo thang hơn, bao gồm ở khu vực Hot Springs và Hồ Pangong, hai điểm nóng xung đột khác.
Quân đội từ hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã xảy ra đụng độ vào thứ Hai dọc theo một sườn núi khô cằn cao 4.300m (14.100 feet) trên mực nước biển - nơi ngăn cách Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát.